Ở huyện Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) hay ở Thủ Đức (TPHCM) - nơi có nhiều khu công nghiệp Sóng Thần, Đồng An, Dĩ An, Tân Đông Hiệp, Bình Đường, Linh Trung... có những đường dây chuyên sửa, làm giả giấy chứng minh nhân dân, bằng cấp, giấy khám sức khoẻ... Không cần phải học hành, không cần phải đủ tuổi, đúng quê quán và đúng lý lịch thực tế..., những người xin việc cũng có thể có đủ tiêu chuẩn để ngồi vào ghế tuyển dụng.
Chữa chứng minh nhân dân? Dễ ợt!
![]() |
Giấy tờ giả |
Chị Tr - một công nhân ở khu công nghiệp cho chúng tôi biết: "Nhiều công nhân ở các tỉnh, thành khác đến đây chỉ mới học xong lớp 8, lớp 9, chưa đủ tuổi xin vào các công ty, xí nghiệp. Để qua mắt nhà tuyển dụng, họ đi sửa lại giấy chứng minh nhân dân hoặc mượn hồ sơ của người khác, nhưng sửa mỗi chữ trên đó cũng khá đắt đỏ: Khoảng 250 ngàn đồng/chữ".
Vào một chiều cuối tháng chín, theo lời chỉ dẫn của chị Tr chúng tôi có mặt tại phường Linh Trung, Thủ Đức, để sửa giấy chứng minh nhân dân. Đi đến đâu, chúng tôi cũng nghe tiếng tăm của tên cò T - một người chuyên móc nối làm bằng, chứng minh thư giả. Song, hắn rất ít lộ diện.
Chị Tr cho biết, hắn quê ở Nghệ An, làm ở công ty J... Hắn có thể sửa giấy chứng minh nhân dân, bằng giả mà không thể phát hiện ra. Giấy trơn, mịn có hoa văn đàng hoàng, nhưng chỗ làm đó ở Đồng Nai. Nếu hắn làm nguyên giấy chứng minh thì khoảng 500.000 đồng, còn sửa thì 250.000 đồng/chữ, cứ thế mà tính".
Sau nhiều ngày đêm mò mẫm trong các con hẻm nhỏ ở thành phố thợ nhộn nhịp, chúng tôi đã gặp được T với lý do nhờ hắn sửa chứng minh nhân dân để xin việc vào doanh nghiệp. Hắn tiếp nhận "hàng" một cách niềm nở. Hắn cho biết: "Nơi này bằng gì cũng làm được: Bằng đại học 2 triệu, nhưng bằng đây là bằng lô, chỉ để đối phó. Nhiều người bỏ ra vài ba triệu bạc, làm vài tháng là lấy lại vốn".
Chúng tôi vờ hỏi: Em có đứa cháu tuổi còn ít quá, giờ muốn sửa lên cho đủ tuổi, có thể làm được không. "Sửa giấy chứng minh thì đơn giản. Mình thổi (sửa chữ) nhiều rồi, giấy chứng minh mình đã làm phải mấy chục cái. Đường dây này lớn lắm"...
Trước khi chúng tôi ra về, hắn còn khoe khoang: "Chỉ có cái bằng thời xưa, giấy chứng minh mực xanh là đường dây của hắn không làm được, còn mực bây giờ thì quá đơn giản. Chứng minh thư thì đã làm là y chang, 2 - 3 ngày là xong".
Tuy tuyển chọn lao động thủ công ở nhiều công ty, xí nghiệp không đòi hỏi cao lắm, nhưng cũng có không ít người lao động ở quê ra không hội đủ những tố chất để vào làm. Trên thực tế, hiện nay có muôn hình vạn trạng có thể có được một bộ hồ sơ đầy đủ để đi xin việc.
Như N.T.L - một công nhân ở Khu công nghiệp Đồng An - là một ví dụ. L sinh năm 1987, vì không đủ tuổi để nộp hồ sơ xin vào làm việc ở một công ty ở Khu công nghiệp Sóng Thần, L đã mượn bộ hồ sơ của bạn để nộp và chỉ không đầy một tuần, L đã có việc làm ở một công ty nước ngoài. L tâm sự: "Có sao đâu! Tụi bạn em nhiều đứa cũng làm như thế, vào công ty này dễ, họ không kiểm tra giấy chứng minh nhân dân".
Còn N.N.X - quê ở Nghệ An - đã vào làm việc ở Bình Dương hơn 2 năm nay. Khi công việc của anh ổn định, đầu năm 2004, anh đã đưa em trai vào xin việc, nhưng ngặt một nỗi người em trai của anh lại chưa học hết trung học cơ sở, cuối cùng anh đã lấy hồ sơ của mình để xin việc cho em tên B. Chính vì thế, những ngày đầu mới đi làm, đám bạn của B vẫn thường gọi B là X (tên của anh trai).
B nói: "Lúc đầu mới đi làm, thấy người khác gọi mình bằng cái tên trong hồ sơ, thấy cũng ngường ngượng, lắm lúc người ta gọi mình mà cứ tưởng gọi người khác". Cũng có không ít trường hợp người quản lý công ty có thắc mắc, bạn bè hỏi, nhưng họ thường vin lý do "hồi còn nhỏ gọi thế nhưng lớn lên đổi tên khác". Thế là từ cái tên cha mẹ đặt cho ban đầu, họ lại có thêm một cái tên khác, hoặc của bạn, hoặc của người thân.
Thủ thuật "khám tiền"
Ở huyện Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) và quận Thủ Đức (TPHCM), việc mua hồ sơ, khám sức khoẻ cũng là một nhu cầu không nhỏ của người đi xin việc. Nắm bắt được điều đó, nhiều tiệm thuốc tây đã kiêm luôn cả việc bán giấy khám sức khoẻ.
Khoảng 8 giờ tối, chúng tôi ghé vào một tiệm thuốc tây ở ngã tư 550 (Dĩ An, Bình Dương). Hàng ngàn công nhân tan ca, vào ca, dạo chợ đêm. Tiệm thuốc bên cạnh ngã tư 550 khá đông người. Chen chân vào đến quầy thuốc, chúng tôi nhận thấy một số người cầm trên tay giấy chứng minh nhân dân.
"Mua thuốc cũng phải có chứng minh hả anh!" - tôi ngỡ ngàng hỏi. "Đâu! Người ta mua giấy khám sức khoẻ đó" - một bạn trẻ mặc đồng phục công nhân trả lời vội rồi đưa nhanh giấy chứng minh đặt lên bàn chờ đến lượt mình.
Người đàn ông trạc ngoài 30 cầm tập giấy khám sức khoẻ dày cộp đã đóng dấu sẵn, liếc nhanh chứng minh nhân dân, ghi vội vào giấy, vừa hỏi: "Cao bao nhiêu? Nặng bao nhiêu? Có đau gì không?". Còn các mục như: Hít vào, thở ra, huyết áp, nhịp tim... thì người đàn ông này cứ ghi không cần hỏi. Đối thoại là cách "khám tiền" mà chủ tiệm thuốc tây này sử dụng. Chưa đầy năm phút đã xong đến 3 người. Giấy của người nào cũng giống nhau. Giá 20 ngàn đồng.
Không biết từ bao giờ, nơi đây đã có tiếng trong giới công nhân. Họ truyền miệng nhau như một địa chỉ thân thuộc mỗi khi cần xin việc.
Giấy được bán công khai như một dịch vụ chân chính. Mặt hàng giấy khám sức khoẻ cũng hết sức phong phú và đa dạng, với nhiều loại giá bình dân: 4.000 đồng, 10.000 đồng, 15.000 đồng, 20.000 đồng, 30.000 đồng.
Không chỉ ở đây, mà ở nhiều nơi khác cũng xảy ra tình trạng bán giấy khám sức khoẻ mà không cần qua một phòng khám nào. Điều đáng nói hơn là ở những nhà thuốc tư nhân này xuất hiện khá nhiều giấy khám sức khoẻ đã chấm dấu sẵn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, Phòng khám bệnh đa khoa ở Thủ Đức (TPHCM)...
Không chỉ bán giấy khám sức khoẻ, mà ở địa bàn này còn có một đường dây chuyên làm hồ sơ xin việc giả. Anh N.V.Q - một công nhân ở Thủ Đức - dẫn chúng tôi đến khu phố 5, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức - nơi nổi tiếng trong giới công nhân về việc làm hồ sơ khống.
Lúc này cũng đã gần 21 giờ, nhưng nơi đây vẫn còn chong đèn. Khác với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi, ở đây chỉ là một tiệm cho thuê Internet với cái tên đại lý Q.K. Một phụ nữ chừng 30 tuổi hỏi: "Xin việc à! Trai hay gái? Chế xuất hay thường?".
Tôi hỏi lại: "Thường thì bao nhiêu và chế xuất thì bao nhiêu?". "Thường hay chế xuất gì cũng 150.000 đồng/bộ. Con trai bây giờ khó chứng lắm. Phải bộ đội xuất ngũ mới chứng. Giờ mà chứng thì phải về Đồng Nai. Chứng hộ khẩu phải mất 50.000 đồng đến 100.000 đồng nữa. Khó lắm!".
Sau khi đồng ý giá cả, cô cho tôi biết những điều cần có để làm một bộ hồ sơ giả, đó là: Mang theo giấy chứng minh nhân dân, ghi vào giấy họ tên cha mẹ và nộp kèm hai tấm ảnh 3x4. Ngày hôm sau là có thể đến lấy. Khi chúng tôi ra về, người phụ nữ này còn hỏi vọi: "À này! Có xin vào xí nghiệp ở Khu chế xuất Linh Trung luôn không. Nếu có thì thêm vào đây 4 đến 5 trăm ngàn đồng".
Đúng hẹn, hôm sau chúng tôi đến lấy thì toàn bộ hồ sơ đã được hoàn tất. Tuy nhiên, người phụ nữ hôm trước lại lấy nhầm bộ hồ sơ của người khác. Chúng tôi phải chờ một lúc mới tìm đúng hồ sơ tên mình, với dấu tròn của ông N.N.K - Phó Chủ tịch xã Sông Trầu.
Cầm giấy sơ yếu lý lịch của mình mà tôi cứ ngỡ là lý lịch của người khác, vì cả tên cha, tên mẹ đều sai và chữ ký của tôi cũng do họ tự ký. Anh Q cho biết thêm: "Tuỳ từng trường hợp và từng thời điểm cụ thể, có khi bộ hồ sơ mang dấu ở phường này, xã này, có khi lại được đóng dấu ở một phường khác, xã khác".
Bà Võ Diễm Dạ Trúc - Chủ tịch Công đoàn Công ty Liwayway (KCN VN - Singapore) - cho biết: Việc sử dụng hồ sơ xin việc thiếu tính trung thực là một trong những vấn đề bức xúc của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nhiều lao động chưa ý thức được tác hại của việc sử dụng hồ sơ giả. Chủ sử dụng lao động sẽ dựa vào đó để bố trí công việc. Nếu người lao động không đủ sức khoẻ mà doanh nghiệp bố trí vào môi trường làm việc không phù hợp sẽ rất dễ gây ra tai nạn, bệnh tật. Không chỉ thế, người sử dụng hồ sơ giả thì quyền lợi BHXH sẽ không bảo đảm.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tám - Chánh Thanh tra Sở Y tế Bình Dương - thừa nhận: "Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng công nhân mua giấy khám sức khoẻ giả để vào làm việc ở các doanh nghiệp tăng nhưng cho đến nay chúng tôi chưa có cách nào để phát hiện những điểm bán này để xử lý.
Điều đáng nói là hiện nay trên thị trường, còn xuất hiện nhiều loại dấu không rõ nguồn gốc. Chỉ việc đối chiếu các loại giấy khám trên thị trường, chúng ta cũng có thể nhận thấy rõ vấn đề này. Chẳng hạn: Cùng một con dấu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cùng một dấu mộc của bác sĩ Lưu Văn Ngà, nhưng chữ ký thì lại hoàn toàn khác nhau. Tương tự như thế là ở Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, Trung tâm Y tế quận 9...
... Có vẻ như các cơ quan chức năng vẫn đứng ở nơi an toàn mà nhìn hiểm hoạ. Ai cũng bảo đều thấy nạn giấy tờ giả tràn lan, nhưng chưa thấy một lời tuyên bố nào là sẽ ra tay dẹp loạn.
(Theo Lao Động)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Để phụ nữ làm tròn thiên chức (20/10/2005)
▪ Giúp trẻ phát triển tốt thể lực và tâm lý (19/10/2005)
▪ Bệnh mắt ở người cao tuổi (19/10/2005)
▪ Khoảng 10 nghìn phụ nữ sẽ được khám bệnh miễn phí (19/10/2005)
▪ Du lịch "tuần trăng mật" vào mùa (19/10/2005)
▪ Nhiều biểu hiện tiêu cực trong việc cấp "sổ đỏ" (19/10/2005)
▪ Mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (19/10/2005)
▪ Làng thêu ở cố đô (20/10/2005)
▪ TP Hồ Chí Minh xây dựng đội ngũ cán bộ nữ vững mạnh (20/10/2005)