"Cò" nhập cư và cơn ác mộng trên đất khách
Các Website khác - 22/08/2005

"Ai đi lậu sang đây mà chẳng có án? Án chồng án, nếu chưa phải ở tù thì lại tiếp tục đi ăn cắp, bán ma túy, bán thuốc lá lậu, mại dâm... cho tới ngày có án mới để vào tù...".

Tìm đến "thiên đường"

Soạn: AM 524341 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Không phải người Việt nào cũng được vui vẻ như thế này trên đất Đức

Những lời lẽ chua chát trên thốt ra từ miệng H. - một thanh niên có vẻ mặt hiền từ, mới khoảng 20 tuổi. Có lẽ H. bi quan thái quá vì không phải "ai đi lậu sang đây mà chẳng có án" nhưng ít ra là có rất nhiều người Việt bị giới "cò" nhập cư đưa trái phép sang Đức đã phải làm đủ thứ chuyện bất hợp pháp để có cơm ăn và để trả những món nợ khổng lồ ở quê nhà.

"Học xong lớp 12 không có tiền đi thi đại học, em bế tắc. Thấy cha mẹ, em út thiếu ăn mà mình chẳng làm được gì, em khổ tâm lắm" - H. kể lại. Đúng lúc đó, ông Q. - một tay cò nhập cư xuất hiện, mở ra một con đường thênh thang trải đầy hoa cho H.: "Sang đến Đức, cậu cóc cần phải nai lưng ra làm việc như ở Việt Nam mà cũng có nhà lầu, xe hơi".

Để ép phê, cò Q. đưa tới nhà H. những người tự nhận là đã nhờ Q. đưa con sang Đức, để rồi bây giờ mỗi tháng ở nhà chỉ việc rung đùi nhận ít nhất 500 "oi" (euro) từ "bển" gửi về. Theo lời họ thì ở Đức người ta đang "đào không ra" người chịu làm những công việc lao động tay chân đơn giản như bán hàng hoặc dọn phòng khách sạn và H. thì chỉ cần phụ bán hoa cũng kiếm được chí ít là 1.000 "oi" mỗi tháng (khoảng 20 triệu đồng)! Cả gia đình H. đổ mồ hôi suốt một năm cũng chẳng dám mơ đến con số đó.

Vậy là cha mẹ H. quyết định bán hết ruộng vườn, chạy vạy vay mượn khắp nơi để sau 4 tháng có đủ 8.000 "oi" (gần 160 triệu đồng) đưa cho Q. lo giấy tờ đưa H. sang miền đất hứa. Nhiều người cho gia đình H. vay tiền với hy vọng sẽ được trả hậu hĩnh khi H. sang "bển" gửi "oi" về. Phần còn lại, cha mẹ H. phải vay với lãi suất từ 5 đến 8% mỗi tháng. Bao nhiêu hy vọng đổi đời đổ dồn hết vào cậu con trai 20 tuổi.

Những chuyến đi bão tố

Chẳng biết Q. phù phép thế nào mà mấy tháng sau đã có đủ giấy tờ cho H., có điều cả hộ chiếu, thị thực và vé máy bay đều mang tên tuổi, địa chỉ của một người lạ hoắc. Lời giải thích thật đơn giản: cùng đi có một người khác cũng tên H. nên phải đổi tên cho khỏi nhầm. Gia đình H. tin giòn. Riêng H. tuy hơi hoang mang nhưng với lời trấn an của Q. rằng ngay khi đến sân bay Đức sẽ có người đón, lo chỗ ăn, chỗ ở và công việc nên tạm thời quên tất cả để dành tâm trí cho những giấc mơ đầy "oi".

Và H. đến được Đức thật, vượt qua trót lọt tất cả những chốt an ninh sân bay Việt Nam và nơi quá cảnh. Nhưng cậu đã bị "chộp" ở sân bay Berlin và bị tống vào "trại" ở ngoại ô thành phố. "Trại" là nơi tập trung những người nhập cư lậu trong khi chờ đợi số phận của mình được định đoạt, trong đó gần như tất cả đều bị trục xuất về nước.

Tuy nhiên, H. còn may mắn hơn nhiều người vì cha mẹ cậu vay mượn đủ 8.000 euro cho cậu sang Đức bằng đường hàng không. Nhiều người khác chỉ có 7.000 euro hay ít hơn thì phải chấp nhận một hành trình gian truân đi máy bay sang Nga, Ukraina để đến Ba Lan hay CH Czech... rồi từ đó băng rừng lội suối qua những nước phát triển hơn như Đức.

C. - một thanh niên vạm vỡ không thể nào xua ra khỏi đầu những hình ảnh kinh hoàng của những cuộc lội bộ vượt rừng trong đói khát, sợ hãi và buốt giá. "Nhóm chúng tôi gồm 7 người chỉ toàn đàn ông, trong đó có 1 người dẫn đường.

Để qua tới Đức, tôi đã mất ròng rã 7 tháng trời đi qua nhiều nước bằng đủ loại phương tiện. Mùa đông, tuyết phủ gần ngập đầu gối. Tất cả đều lạnh cóng tưởng như có thể ngã lăn ra chết bất cứ lúc nào. Hai chân tôi sưng phồng, có lúc sốt cao bủn rủn hết toàn thân. Nhưng tôi biết nếu đứng lại, tôi sẽ bị bỏ rơi nên đành phải lết tới. Chính bản thân tôi không thể hiểu làm sao có thể sống sót đến bây giờ. Biết bao lần tôi chỉ muốn được trở về với cuộc sống bình yên ở quê nhà nhưng đã quá muộn. Ở Việt Nam, vợ con tôi đang gánh món nợ 200 triệu đồng vì chuyến đi của tôi".

Địa ngục ở thiên đường

"Trại" không phải là nhà tù. Các "trại dân" không bị nhốt mà bị giới hạn đi lại ở một thành phố, khu vực nhất định để chính quyền địa phương dễ quản lý. Ngoài ra, mỗi người được phát khoảng 200 euro/tháng - số tiền tối thiểu để mua thức ăn sống qua ngày. Nhưng chẳng mấy ai chịu quản lý để lãnh số tiền này. Họ phải kiếm tiền bằng mọi giá để trả nợ.

Ở các nước phát triển như Đức, muốn làm bất kỳ việc gì, dù là đi rửa chén trong nhà hàng cũng phải có giấy tờ. Mà người nhập cư lậu thì đâu được phép đi làm. Thế là một số chấp nhận làm "chui" trong các nhà hàng, khách sạn trong điều kiện khắc nghiệt nhưng với đồng công rẻ mạt và có thể bị cảnh sát "hỏi thăm" bất cứ lúc nào. Nhưng được thế đã là may mắn. Nhiều người đã phải mạo hiểm hành nghề bán thuốc lá lậu.

Bán thuốc lá lậu từ lâu đã là "nghề" của một số người Việt nhập cư trái phép ở Đức. Thuế thuốc lá ở đây rất cao nên nhiều người không đủ tiền mua thuốc trong cửa hàng. Nếu như cách đây hơn 1 thập niên, bán thuốc lá lậu ở các nhà ga, trước siêu thị, góc đường có thể kiếm bộn tiền thì ngày nay, cảnh sát liên tục truy lùng khiến nhiều người phải bỏ "nghề" hàng loạt. Nhưng dân nhập cư lậu làm gì có sự lựa chọn. Có ngày bán chỉ lãi mười mấy "oi", phải nộp tiền bảo kê cho đám đầu trọc mất 10 "oi". Đã vậy, lỡ bị bắt, không có tiền nộp phạt, họ phải ra tòa, rồi lại tái phạm, án chồng án cho tới khi phải ngồi tù 5, 7 năm hồi nào không biết.

Một số dân nhập cư lậu đã có người thân định cư ở Đức đỡ gian nan hơn nhưng vẫn phải chấp nhận làm những điều trước đó họ không thể nghĩ ra. Để có thể nhập quốc tịch, nhiều người phải chi từ 15 - 30 ngàn euro để làm kết hôn giả, từ đó dẫn đến bao hệ lụy khôn lường. Những cô gái thì sa chân vào con đường mại dâm hồi nào không hay. Dù thế, ở quê nhà gia đình họ vẫn đang tự hào có con xuất ngoại và chờ tiền ở "bển" gửi về mà không bao giờ biết rõ người thân của mình kiếm tiền bằng cách nào.

Ngày 18/6 vừa qua đánh dấu 5 năm ngày tưởng niệm 58 người nhập cư lậu Trung Quốc chết ngạt trong một thùng xe container trên đường vào Anh. Họ ở trong thùng xe suốt 6 giờ từ biên giới Bỉ sang Anh với ống thông gió bị bịt kín vì sợ cảnh sát phát hiện. Chỉ có 2 trong số 60 người sống sót.

(Theo Thanh Niên)