Quần đảo rộng 76,7 km2 với 16 đảo lớn nhỏ, nằm ở phía đông nam Tổ quốc trước kia bị gọi là "địa ngục trần gian" bởi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã dựng lên ở đây một hệ thống nhà tù để đày ải, giam cầm, tra tấn các chiến sĩ cách mạng, những người yêu nước suốt thời gian chúng đô hộ. Còn Côn Đảo ngày nay nổi tiếng về tài nguyên thiên nhiên - biển, rừng được giữ gìn và bảo tồn tốt cùng hàng chục bãi tắm hoang sơ, trong lành, lộng gió hòa quyện làm nên một thiên đường du lịch và nghỉ dưỡng đầy nắng.
Bước chân vạn dặm
Côn Ðảo trước giải phóng: không dân cư - duy nhất chỉ những nhân viên trong bộ máy cai ngục của chế độ cũ cùng những tù nhân. Tiềm năng: đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ, du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng... to lớn, song thực trạng kinh tế Côn Ðảo - con số không.
Tháng 10-1991, khi Côn Ðảo chính thức trở thành đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì dân số trên đảo mới ngót nghét nghìn người và dường như mọi ngành kinh tế trên đảo mới bước vào vạch xuất phát. Vậy mà đến nay - chưa đầy 15 năm, cộng đồng cư dân trên đảo đã lên tới 5.200 người, hội tụ từ mọi miền đất nước. Hạ tầng giao thông là dấu ấn đậm nét, khoác lên mình Côn Ðảo sự đổi thay mạnh mẽ.
Trước đây, Côn Ðảo nối với đất liền bằng đường thủy và một sân bay trực thăng dã chiến, còn giao thông trên đảo gần như không có ngoài một số tuyến đường nhỏ tại khu trung tâm hành chính được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Từ năm 1998, với nguồn vốn trung ương đầu tư, giao thông trên đảo như đã làm nên một sự đột biến. Cảng hàng không Côn Ðảo với số vốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng đã hoàn thành nâng cấp giai đoạn một vào năm 2003 với các hạng mục: nhà ga, đường hạ cánh, đường băng, sân đậu..., có thể đón các loại máy bay có sức chở 70 khách hạ, cất cánh. Hằng tuần có các chuyến bay chở khách từ TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu ra đảo làm cho việc đi lại của du khách và nhân dân trên đảo thuận tiện, an toàn và nhanh chóng hơn nhiều.
Giao thông đường thủy cũng có bước phát triển vượt bậc với việc xây dựng và đưa vào hoạt động cảng tổng hợp bến Ðầm - phục vụ du lịch, vận tải hàng, khách, dịch vụ nghề cá... có khả năng tiếp nhận 5.000 tàu, thuyền/năm và ngày 4-7-2003, cảng bến Ðầm chính thức trở thành phân cảng quốc tế Vũng Tàu.
Giao thông trên đảo thuận tiện hơn, nhờ mở ba tuyến đường bộ trải nhựa đi hướng Bắc, Tây và Nam đảo với tổng chiều dài gần 40 km. Chánh Văn phòng Huyện ủy - Nguyễn Tấn Hóa cho biết: 100% số đường giao thông liên dân cư trong đảo được nối bằng đường nhựa.
Thị trấn Côn Ðảo hôm nay mang dáng dấp một thị tứ đất liền với những con đường nhựa khang trang có vỉa hè, lát đá, lắp đèn cao áp cùng bảng hiệu hướng dẫn giao thông. Thông tin liên lạc trên đảo đã thông suốt từ nhiều năm trước: điện thoại đường dài, nội đảo, điện thoại di động phủ sóng toàn đảo, trên đảo hiện có một bưu điện trung tâm và hai bưu cục tại Cỏ Ông và bến Ðầm. Người dân trên đảo giờ cũng được xem các chương trình truyền hình từ đất liền và các đài của trung ương.
Theo báo cáo Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 7: nguồn vốn Trung ương và tỉnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội 5 năm (2001-2005) - 230,8 tỷ đồng tăng 92,5%. Sự tăng trưởng mạnh về mọi mặt trong báo cáo Ðại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 7 như khẳng định thêm những bước phát triển mạnh mẽ của đảo. Tổng sản phẩm thực hiện 5 năm (2001-2005) đạt 208,7 tỷ đồng tăng 37,63% so với chỉ tiêu đề ra, đạt tốc độ tăng bình quân hằng năm - 16% và gấp 2,39 lần so với nhiệm kỳ 1996-2000. Tỷ lệ các hộ nghèo, đói trên đảo những năm qua giảm mạnh - hiện tại đã hết các hộ đói và cả các hộ nghèo theo chuẩn cũ. Ðến năm 2005, 100% dân đảo sử dụng điện và nước sạch.
Thời cơ và thách thức
Ngày 25-10-2005 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển Côn Ðảo đến năm 2020 - điều này thật sự mở ra cho Côn Ðảo một vận hội phát triển mới, với mục tiêu: phát triển Côn Ðảo trở thành một khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc, tầm cỡ khu vực và quốc tế, với quy mô dân số 50.000 người, thu nhập bình quân đầu người đạt 900 - 1.000 USD vào năm 2010 và đến năm 2020 là 1.800 - 2.000 USD, lượng khách du lịch dự kiến đến năm 2010 là 200 - 250 nghìn lượt/năm, đến năm 2020 là 500 - 700 nghìn lượt/năm. Ðể đạt được những mục tiêu trên: Côn Ðảo phải xây dựng được những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù.
Công việc đầu tiên mà ngay trong báo cáo Ðảng bộ huyện lần VII đề cập: Duy tu, bảo vệ, tôn tạo, nâng cấp các di tích: Nhà tù, Chuồng cọp Pháp, Chuồng bò, Nhà tù Mỹ, Cầu tàu 914, Cầu Ma Thiên Lãnh, Nghĩa trang Hàng Dương, xây dựng chi nhánh Bảo tàng Lịch sử cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó phát triển loại hình du lịch biển, đảo với những khu du lịch sinh thái đa dạng, hấp dẫn, cùng việc bảo tồn, phát huy giá trị Vườn quốc gia Côn Ðảo - một trong những Vườn quốc gia được bảo vệ tốt nhất nước ta, với hệ thống thực vật vô cùng phong phú ...
Tương lai trên đảo sẽ tập trung xây dựng bốn khu vực: ba khu vực hành chính - khu trung tâm, Cỏ Ống, bến Ðầm và khu vực còn lại là quần thể các đảo. Khu trung tâm sẽ trở thành một khu đô thị biển, đảo theo hướng đô thị hiện đại, khu Cỏ Ống có chức năng dịch vụ hàng không, tài chính ngân hàng, du lịch dịch vụ. Bến Ðầm có chức năng dịch vụ hàng hải, thương mại, viễn thông, tài chính ngân hàng, xuất nhập khẩu, chế biến hải sản,... khu vực còn lại các đảo sẽ quy hoạch, đầu tư thành các điểm du lịch sinh thái. Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, trước mắt Nhà nước sẽ hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng, huy động vốn các thành phần kinh tế và cho phép thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với phát triển ngành kinh tế mũi nhọn - du lịch; Côn Ðảo vẫn tiếp tục đầu tư đúng mức cho các ngành kinh tế thế mạnh: lâm, nông, ngư nghiệp.
Tuy nhiên, ở vị trí quá xa đất liền - cách Vũng Tàu 185km và TP Hồ Chí Minh 230 km thì sự cách trở đã và mãi mãi là thách thức lớn nhất với Côn Ðảo trên con đường phát triển. Cầu hàng không dân dụng đã nối đảo với đất liền từ 2003 với mỗi tuần ba chuyến bay ATR72 trở 66 khách luôn đầy và chỉ 45 phút bay từ TP Hồ Chí Minh nhưng chi phí quá cao 620.000 đồng/lượt, xấp xỉ bằng đi Ðà Nẵng, dù quãng đường chỉ bằng 1/5. Du khách ra đảo phải tính toán đã đành bởi một tour ba ngày hai đêm tới 2,2 triệu khách còn dân đảo thì... chỉ mơ...
Ðường biển có đấy, từ thời khởi thủy song vùng biển này nhiều dông bão, mùa biển động tàu khó ra khơi. Có hai tàu khách Côn đảo 09 và 10, sức chở hơn 200 khách và khoảng chục tấn hàng hóa, song phải mất 13 giờ lênh đênh trên biển từ cảng Vũng Tàu và khi gặp gió thì quăng hết cả hàng xuống biển để cứu tàu, cứu người. Trung tuần tháng 12-2005, tôi có mặt ở Côn Ðảo nhưng tới cả nửa tháng tàu chưa ra đảo vì bão. Giá cả thực phẩm cao ngất ngưởng. Anh Oánh - Phó giám đốc Khu du lịch Côn Ðảo Resort than vãn: Mọi thứ đều lệ thuộc vào đất liền, cả chục ngày tàu không ra nên mọi thứ đều đắt đỏ, ai lại 1 kg rau muống mà tới 20.000 đồng và 1 kg hành lá tới 70.000 đồng.
Một khó khăn lớn nữa theo Chánh văn phòng Huyện ủy Nguyễn Tấn Hóa là đất cho xây dựng và phát triển nông nghiệp, với đặc thù - 2/3 diện tích đảo là rừng, núi thêm nữa, chế độ bảo vệ vườn quốc gia rất nghiêm ngặt nên quỹ đất trên đảo lớn Côn Lôn chỉ có khoảng 3.166 ha, kể cả phần đã tận dụng thêm từ vườn quốc gia. Nguồn nước ngọt - khi Côn Ðảo phát triển cũng là một thách thức, khả năng khai thác tối đa nguồn nước ngầm và nước mặt theo khảo sát chỉ 5.000 m3/ngày chắc chắn sẽ không đủ cho sản xuất và sinh hoạt.
Ngành ngư nghiệp trên đảo còn quá bé nhỏ để khai thác tiềm năng biển nơi đây. Các di tích lịch sử, thắng cảnh các đảo,... và đương nhiên các vấn đề điện, hạ tầng điện, y tế, giáo dục, bưu điện, văn hóa, môi trường và công tác cán bộ,... cũng là một thách thức không nhỏ.
|