Hà Nội là nơi nào?
Các Website khác - 25/01/2006
Thông thạo tiếng Việt và hiểu về Việt Nam từ thời chiến tranh, là tác giả cuốn "Trò chuyện với Việt Cộng" và "Đội quân bí mật, cuộc chiến bí mật" đã được giới thiệu ở Việt Nam, nhưng Sedgwick Tourison mới lần đầu đặt chân đến Hà Nội. Nhân dịp đầu xuân Bính Tuất, Sedgwick Tourison có bài viết, đưa ra cái nhìn thú vị và hóm hỉnh của một cựu chiến binh Mỹ về Hà Nội. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Cái này gọi là cái gì bằng tiếng Mỹ, chú? - Cô Nguyệt chỉ ngực của cô, hỏi tôi.

Không dám trả lời "Ngực", tôi đành nói "Dạ, tên Nguyệt".

- Không phải, chú không hiểu. Cái này... - cô cứ tiếp tục chỉ vào ngực.

- Trời ơi! Làm sao trả lời được!

- Chú hiểu không?

- Hiểu cái gì, cháu?

- Đây - cháu lấy biển tên cho tôi xem và hỏi "Tiếng Mỹ gọi là cái gì?".

- Ôi rất dễ... Tiếng Mỹ gọi là "Name tag"

Cháu hi hi... "Cám ơn chú nhé!"

- Cám ơn cháu - Không hiểu cháu chỉ muốn dịch một chữ bình thường.

Ngày thứ hai tại Hà Nội đã gặp rắc rối về ngôn ngữ rồi!

Tôi là một cựu chiến binh Hoa Kỳ. Sang Sài Gòn lần đầu tiên khi mới 20 tuổi, chưa biết gì về đời. Năm 1962 gặp một cô gái xinh đẹp, 18 tuổi, tôi đã mê từ lần gặp đầu tiên. Cô tên Bình, sinh ra tại Chợ Lớn, biết tiếng Anh chút chút. Thấy ông lính Mỹ làm việc tại Tòa đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thì hơi chú ý. Dần dần biết nhau.

Đám hỏi chính thức là ngày 3 tháng 11 năm 1962, rồi ngày 25 tháng 4 năm 1963 tôi trở thành quân nhân Mỹ đầu tiên tổ chức đám cưới chính thức tại Tòa hành chính quận 5 - Sài Gòn với sự hiện diện của đồng đội trong đơn vị tình báo và vị lãnh sự. Xét thấy về mặt an ninh phải tạm bỏ nghề nghiệp hai năm. Sau khi mãn khóa cơ bản Việt ngữ trở lại miền Nam Việt Nam, tôi lại làm công việc cũ.

Mười ba năm sau như là cơn bão. Nào là cố vấn tại Lào, tại Cam-pu-chia, Thái-lan. Vì làm nhiệm vụ lấy cung tù binh nên tôi có cơ hội tiếp tục nói tiếng Việt thường xuyên. Năm 1988 tôi đã là trưởng phòng tại Sở Tình báo Quốc phòng, phụ trách một phần về việc tham khảo các quân nhân Mỹ mất tích tại Đông Dương. Nhận định của tôi là không còn tù binh Hoa Kỳ tại Việt Nam; nhận định này ngược với một số người, do vậy tôi quyết định từ chức, trở về làm nghề buôn bán cùng vợ và bắt đầu viết sách, báo, tham khảo tiếp về Việt Nam, đặc biệt người Hà Nội ra sao. Nay nhân cơ hội Trung tâm Việt Nam của Trường đại học tổng hợp Texas đề nghị sang Hà Nội thì ước mong mấy chục năm nay mới trở thành hiện thực.

Ngày 12 tháng 11 năm nay là kỷ niệm năm thứ 40 trận đánh lịch sử ở thung lũng Ia-đrăng trong chiến dịch Plei-me. Giám đốc Trung tâm đề nghị tôi du lịch tại Hà Nội tìm hiểu thành phố như thế nào, gặp các bác đã lãnh đạo chiến dịch đó để xem họ có thể giúp hội thảo tại Hoa Kỳ vào ngày 12-11 được không?

Thế là hai vợ chồng cùng bè bạn lên đường đi Hà Nội, thử xem Thủ đô "Việt Cộng" ra sao.

Bài học đầu tiên tại Hà Nội là phải hết sức cẩn thận khi qua ngã tư có đèn xanh. Phải có ba người đi cùng lúc. "Trinh sát" dẫn đầu báo cáo tình hình xe mô-tô. Người thứ ba chạy lên sát theo người "chiến sĩ" thứ hai chờ lệnh người dẫn đầu xung phong phía bên kia. Không biết bao nhiêu lần tụi tôi sắp gây tai nạn vì chưa hiểu cách qua đường ở Hà Nội. Nay đã biết rồi.

Tôi rất sợ tình trạng giao thông tại các phố đông người. Tôi thấy các cô lái mô-tô cứ nói chuyện trên máy điện thoại di động hàng tân tiến, đôi khi họ còn cứ vẫy tay làm tôi tưởng chừng sắp mất khả năng điều khiển xe máy! Bọn con trai phóng xe máy cũng khiếp. Tôi muốn các cô không được nói chuyện qua máy điện thoại di động khi đi xe. Cảnh sát giao thông cũng có nhiều, sao họ không phạt nhỉ?

Xuống làng Bát Tràng mua đồ gốm sứ. Dân làng tò mò khi ông Mỹ nói được tiếng Việt. Họ hỏi chúng tôi có bao nhiêu con, bao nhiêu cháu, mấy trai, mấy gái, nhà ở bang nào, làm nghề gì, sang Việt Nam mấy lần rồi, đến Hà Nội lâu chưa ? Cô chủ tiệm tên Vượng cho biết cô đã phục vụ ở Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Tôi biết Sư 312 từ gần 40 năm về trước, trong thời chiến.

Hiện nay, chắc 50% dân số hai nước chỉ biết về cuộc chiến đau đớn qua sách vở. Họ không thấy người bị bom đạn làm mất cái đầu, mất hai chân, hai bàn tay, không biết đến nỗi buồn của biết bao nhiêu cô nhi góa phụ vì con mất tích trên chiến trường. Thời chiến là như thế.

Chưa biết hết Hà Nội ra sao. Nhưng biết mọi cựu chiến binh Mỹ sang thủ đô Việt Nam được đối xử bình đẳng, chân tình, cởi mở. Tôi thấy dân chúng Hà Nội, những người chúng tôi đã gặp, lịch sự, tử tế. Tôi thường không nghe ai nói những câu tục như chúng tôi đôi khi gặp tại Hoa Kỳ. Hà Nội là một thành phố an toàn hơn thủ đô Hoa Kỳ, trừ giao thông.

A, tôi sắp quên một điều.

Hôm nay sang ngân hàng đổi đô-la thành tiền Việt Nam. Cô nhân viên bắt tôi ghi vào mẫu đổi tiền rồi cô ký tên bên trái, rồi tôi cũng phải ký tên bên phải. Tôi đọc mẫu thì thấy bên phải có ghi "đã nhận tiền".

Thấy thế, tôi hỏi cô nhân viên:

- Cô muốn tôi ký tên bên phải, đúng không?

Cô trả lời: "Dạ, đúng ạ!"

- Tôi không ký được!

- Vì sao chứ?

- Vì cô chưa đưa tiền đấy! Khi nào có tiền tôi mới ký!

Cô im. Cô đếm tiền qua máy rồi đưa tiền cho tôi.

- Bây giờ tôi phải ký nhận đúng chưa?

- Dạ đúng!

Thế là tôi ký sau khi cô đưa tiền.

Tôi bước đi ra. Cô ta mỉm cười. Ngân hàng toàn thế giới như nhau hết!

Cám ơn Hà Nội! Chúng tôi hy vọng có dịp trở về.

Theo Quân đội nhân dân