Công tác chống đói nghèo sẽ gặp nhiều áp lực?
Các Website khác - 31/12/2005
Bàn giao nhà tình nghĩa
cho hộ nghèo ở huyện
Hoà Vang (Đà Nẵng).
Từ ngày 1-1-2006, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, như vậy tỷ lệ hộ nghèo sẽ tăng từ 7% lên 22%. Với thực trạng này, công tác hỗ trợ chống đói nghèo trong thời gian tới có gặp nhiều áp lực? Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Vận động Ngày vì người nghèo T.Ư cho biết:
- Trước đây cứ có thu nhập 80.000, 100.000, 120.000 đồng/tháng là nghèo, nhưng bây giờ nếu thu nhập hơn 180.000, 220.000, 250.000 đồng/tháng mới được công nhận là hết nghèo (tùy khu vực). Việc nâng tiêu chí lên như vậy tôi cho không phải là áp lực mà chính là niềm vui, vì tiêu chí người nghèo của ta đã ở mức cao, tiếp cận với tiêu chí quốc tế. Trước, việc xóa được một hộ nghèo đương nhiên có ý nghĩa rồi, nhưng vào thời điểm này nếu làm được như vậy ý nghĩa của công tác xóa nghèo sẽ tăng gấp bội. Tỷ lệ nghèo tăng lên, chúng ta càng có quyết tâm đẩy lùi cái nghèo hơn...

* Ngày 31-12 tới đây, Ủy ban Trung ương MTTQ kết hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức Chương trình "Nối vòng tay lớn" nhằm vận động ủng hộ Tết cho người nghèo và mở đầu cho việc xóa hộ nghèo theo tiêu chí nghèo mới?

- Cho đến bây giờ chưa ai chính thức nói ngày 31-12 là "Tết của người nghèo", nhưng qua nhiều lần lổ chức (Chương trình Nối vòng tay lớn - PV) đã ghi đậm dấu ấn của các tầng lớp nhân dân về tình tương thân, tương ái và giúp đỡ người nghèo. Việc làm này đã được nhân dân ta hưởng ứng nhiệt tình, sâu rộng bằng những hành động thiết thực và việc làm cụ thể. Chính vì thế, nếu nói đêm "Nối vòng tay lớn" 31-12 là ngày đón năm mới của người nghèo, Tết của người nghèo cũng không sai.

* Một năm cũ đã qua, năm mới lại đến, Chủ tịch đánh giá như thế nào về kết quả vận động, giúp đỡ người nghèo thời gian qua?

- Kể từ khi phát động "chiến dịch" ủng hộ Ngày vì người nghèo (từ năm 2000), có thể nói mọi tầng lớp nhân dân, kể cả những người xa Tổ quốc, đều có tấm lòng cưu mang giúp đỡ cho người nghèo. Tình cảm này ngày càng sâu sắc và được phát triển thêm. Thời gian trước, Quỹ người nghèo cấp T.Ư chỉ tiếp nhận khoảng 20 tỷ/năm, thì trong năm 2005 này đã tiếp nhận trên 50 tỷ đồng. Tất cả những đóng góp của doanh nghiệp, người dân, kiều bào ta... dù lớn, nhỏ đều được trân trọng.

* Vấn đề nhiều người còn băn khoăn là những đóng góp đó sẽ được sử dụng như thế nào?

- Năm năm vừa qua, quỹ Vì người nghèo bốn cấp đã thu được hơn 1.300 tỷ đồng. Với số tiền này, chúng ta đã làm mới và sửa chữa được gần 330.000 ngôi nhà dột nát cho người nghèo. Mỗi ngôi nhà có trị giá từ 10 - 15 triệu đồng. Với kết quả này, chúng ta không có điều gì phải băn khoăn cả.

* Mặc dù vậy, trong bối cảnh tham nhũng, lãng phí còn xảy ra, với cương vị của mình, Chủ tịch có những biện pháp nào để giám sát nguồn vốn xóa đói giảm nghèo?

- Quyết tâm của cá nhân tôi và của Ban vận động Ngày vì người nghèo Trung ương là không để xảy ra sai sót và thẩm lậu một đồng nào cả. Đáng mừng là năm năm vừa qua, chưa có nơi nào phát hiện thấy có khuyết điểm về quản lý quỹ Vì người nghèo. Biện pháp chủ yếu của chúng tôi là thẳng thắn công khai, dân chủ; phân cho tỉnh nào đều công khai cho cả tỉnh biết. Quỹ ba cấp (tỉnh, huyện, xã) ở dưới tôi cũng yêu cầu làm như vậy. Chúng tôi hoan nghênh những ai phát hiện thấy thất thoát và đối với những nơi có biểu hiện tham nhũng vào quỹ Vì người nghèo, chúng tôi sẽ xử lý ngay.

* Vậy đến thời điểm nào, chúng ta sẽ xóa được hộ nghèo trong cả nước?

- Xóa đói giảm nghèo là quyết tâm của cả Đảng và Nhà nước. Dự kiến, đến hết 2010, Việt Nam sẽ ra khỏi nước kém phát triển và hơn 22% số người nghèo theo tiêu chí mới sẽ được giải quyết về cơ bản. Như vậy, mỗi năm phải phấn đấu giảm từ 2-3% tỷ lệ nghèo; riêng số nhà dột nát của người nghèo hiện còn gần 420.000 cái, tôi tin rằng với kinh nghiệm như những năm vừa qua đến năm 2010 sẽ giải quyết xong.

* Xin cảm ơn Chủ tịch!

Tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất
Bắt đầu từ 1-1-2006, Việt Nam sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới cao gấp 2 lần so với chuẩn nghèo cũ. Nếu tính theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo ở nước ta sẽ tăng từ 7% lên khoảng 22%. Như vậy cả nước sẽ có trên 4 triệu hộ nghèo. Đối với hộ nghèo, muốn thoát nghèo lâu dài và không tái nghèo, vấn đề không chỉ là tiền vốn mà một yếu tố quan trọng không kém là hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, về cung cách làm ăn. Muốn có hiệu quả, các ngành phải có sự hướng dẫn về kỹ thuật, xây dựng dự án, xây dựng vùng kinh tế. Phải có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, phải có sự quan tâm và tạo điều kiện để người nghèo có khả năng phát triển sản xuất.

(Ông Lê Hồng Phong - Phó Tổng Giám đốc
Ngân hàng Chính sách XH Việt Nam)


Theo Nông thôn ngày nay