Gần mười năm làm tổ trường dân phố, ông Vĩnh Cư, tổ 9, phường Phú Hậu, TP Huế quá thành thạo với công tác PCLB. Không quản vất vả, ông lặn lội đến từng hộ dân để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về PCLB, nhất là đối với các hộ dân sống ven sông Hương.
Ông Vĩnh Cư kể: Cách đây 20 năm, cũng vào tháng 10, bão số 8 năm 1985 gây thiệt hại nặng nề đối với người dân TP Huế. Hầu hết các hộ nằm trong vùng ngập lụt đều phải di dời đến nơi an toàn. Dân tổ 9 chủ yếu là người lao động nghèo, làm ngày nào ăn ngày ấy, lấy đâu ra tiền để xây nhà kiên cố. Nhưng chúng tôi vẫn thương yêu, đùm bọc nhau vượt qua hoạn nạn.
Năm 1999, khi xảy ra mưa, bão, gia đình anh Ðào Văn Rô, tổ 9, đã giúp 25 người ở vùng ngập lụt lên tránh bão. Bà con ở nhà anh cả tuần, vợ chồng anh vẫn vui vẻ cơm nước, thuốc men giúp bà con. Anh Rô cho biết: Trong lúc mọi người gặp khó khăn, là hàng xóm, láng giềng mình sẵn sàng giúp đỡ.
Ông Vĩnh Cư và anh Ðoàn Văn Rô dẫn chúng tôi tới thăm một số hộ dân sống ven sông Hương. Hầu hết các hộ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, mưa lũ năm nào cũng chịu cảnh ngập lụt.
Cháu Ðoàn Văn Dân, con anh Ðoàn Minh Huy kể: "Cơn bão vừa qua làm nhà cháu bị ngập. Nếu không có chú Rô giúp đỡ thì gia đình cháu không biết ở đâu. Bố cháu đạp xích-lô, mẹ cháu và các anh đều đi làm thuê kiếm sống, nhà chẳng có điều kiện xây được nhà kiên cố. Năm nào vào mùa mưa, bão, bà con trong khu phố cũng đều giúp đỡ tận tình gia đình cháu".
Phú Hậu, Phú Cát, Phú Hiệp, Thúy An, Kim Long, Vỹ Dạ... (TP Huế) là các vùng xung yếu có nguy cơ ngập úng và dễ sạt lở khi có mưa bão. Trước khi bão số 8 ảnh hưởng trên địa bàn thành phố, các phường đã sớm tổ chức di dời dân vùng vũng đến nơi an toàn, nhờ vậy bão số 8 chỉ gây thiệt hại 12 ha rau màu, không gây thiệt hại về người.
Mỗi lần đối mặt với thiên tai, cùng với sự trợ giúp của nhân dân cả nước, người dân TP Huế đều nêu cao tinh thần "lá lành đùm lá rách", giúp bà con vùng ngập lụt vượt qua khó khăn.
Phú Lộc là huyện bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Thừa Thiên-Huế trong cơn bão số 8 vừa qua. Do có sự chuẩn bị chu đáo và rút kinh nghiệm từ cơn bão số 7, toàn huyện chỉ chết một người và bị thương tám người. Nhưng đến nay, con số thống kê nhà sập là 67; 801 nhà tốc mái, xiêu vẹo; ba trụ sở cơ quan bị hư hỏng; 24 km đường giao thông nông thôn và nhiều đoạn đê, kênh mương, cầu cống... sạt lở nghiêm trọng.
Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tập trung mọi lực lượng giúp người dân dựng lại nhà, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi hư hỏng. Các lực lượng công an, quân sự, biên phòng cũng triển khai về giúp dân. Trung tâm Y tế huyện chuẩn bị một số lượng lớn thuốc chữa bệnh, các thiết bị y tế để phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường sau bão.
Ở xã Lộc Vĩnh, chúng tôi nhận thấy cuộc sống của người dân đã trở lại bình thường. Bên ngôi nhà do bà con giúp đỡ dựng tạm, anh Ngô Văn Thảo, ở xóm Phú Hải 1 cho biết, 21 giờ ngày 1-11, mưa lớn quá, gió quật ầm ầm cuốn bay mấy tấm lợp mái nhà. Anh dắt mẹ già 92 tuổi cùng vợ và ba đứa con chạy ra trường học trú. Sáng hôm sau trở lại, ngôi nhà chỉ còn đống đổ nát. Sau đó, gia đình anh được xã cứu đói một thùng mì tôm. Căn nhà mới dựng tuy đơn sơ với tôn, gỗ cây, bặt chắp vá nhưng thể hiện đầy tình làng nghĩa xóm.
Có lẽ gia đình anh Thảo còn khá hơn nhiều gia đình khác. Ở thôn Bình An 2, nằm sát bờ biển, chị Nguyễn Thị Hồng và ba đứa con nhỏ vẫn chẳng có chỗ ở, chạy ăn từng bữa. Bốn ngày qua, từ khi nhà bị bão đánh sập, chị mới nhận được một thùng mì của xã và hôm rồi, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trợ cấp 800 nghìn đồng. Bế đứa con nhỏ trên tay, chị mếu máo: Từ hôm nớ tới giờ cả nhà vẫn đi ở nhờ. Chồng em đi làm thuê rồi. Mong có ít tiền về mua cây dựng lại nhà. Nghe nói xã giao cho thôn giúp mà chưa thấy. Nhìn chung quanh, chỉ cách đó vài chục mét, hàng cây dương (phi lao) bị gió quật đổ khá nhiều, vậy mà người dân vẫn không thể có gỗ dựng nhà tạm?
Trong khi đó, ngày 2-11, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 48/CT-UBND gửi các đơn vị trong tỉnh, nêu rõ "... hỗ trợ kịp thời cho những gia đình gặp khó khăn, mất mát do lụt, bão, không để xảy ra trường hợp thiếu đói. Giải quyết chính sách theo quy định đối với các gia đình có người chết, người bị thương, nhà cửa bị sụp đổ...". Chỉ thị đã vậy mà ngày 3-11, UBND huyện Phú Lộc lại có báo cáo 42/BC-UB gửi lên tỉnh đề xuất, kiến nghị xin giúp, trong đó cứu đói cho các hộ có nhà sập từ ba đến năm triệu đồng/nhà, 10 kg gạo/người/tháng trong thời gian ba tháng; từ 15 đến 20 tấm lợp tôn hoặc brô-xi-măng. Vậy bao giờ người dân mới ổn định cuộc sống?
Quay trở lại UBND xã để tìm câu trả lời cho những điều nhìn thấy khi xuống các hộ dân, chúng tôi vẫn gặp cuộc hội nghị diễn ra từ sáng, giờ đã gần trưa vẫn chưa kết thúc. Nên chăng, lúc này cần những việc làm cụ thể của chính quyền địa phương để những hộ dân như gia đình chị Hồng sớm ổn định cuộc sống.
|