Phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp đổi mới
Các Website khác - 04/11/2005
Trong bài viết sau, GS Vũ Đình Cự trình bày một số nét chủ yếu của sự phát triển khoa học, công nghệ (bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ) qua 20 năm đổi mới.
Trong quá trình đổi mới gần 20 năm qua (1986 - 2005), nền kinh tế nước ta tăng trưởng liên tục ở mức khá cao. Ðó là do đường lối và các chính sách đúng đắn của Ðảng lãnh đạo với sự nỗ lực phấn đấu sáng tạo của toàn thể nhân dân, trong đó có đội ngũ khoa học, công nghệ.

Dưới đây, trong phạm vi một bài viết, trình bày một số nét chủ yếu của sự phát triển khoa học, công nghệ (KHCN) (bao gồm khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ), một bộ phận quan trọng của lực lượng sản xuất, góp phần phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN. Sự phát triển các ngành khoa học xã hội và nhân văn... trong đổi mới được đề cập đầy đủ và sâu sắc trong các bài viết khác.

Chính sách phát triển KHCN trong thời kỳ CNH, HÐH

Mở đầu thời kỳ đổi mới, nhận thức rằng "những bước tiến kỳ diệu và những thành tựu to lớn của khoa học và công nghệ tác động sâu sắc đến sự phát triển của xã hội loài người" (26-NQ/T.Ư), năm 1991, Ðảng ta đã có Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư của Bộ Chính trị về khoa học và công nghệ trong sự nghiệp đổi mới. Trong nghị quyết này đã nêu rõ: những mặt tích cực và các yếu kém của KHCN nước ta; những nhiệm vụ quan trọng của KHCN nước ta trong sự nghiệp đổi mới; những biện pháp chủ yếu để đẩy mạnh phát triển KHCN; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, cải tiến sự quản lý của Nhà nước đối với KHCN.

Ðến kỳ họp thứ hai của Trung ương Ðảng khóa VIII (tháng 12-1996), sau khi đã rõ hơn nhiều vấn đề của quá trình đổi mới và nhất là những kinh nghiệm thực tiễn về kết quả thực hiện Nghị quyết 26-NQ/T.Ư trong đổi mới, đã ra Nghị quyết về "Ðịnh hướng chiến lược phát triển khoa học - công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000" (sau này viết tắt là NQT.Ư 2).

NQT.Ư 2 có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển KHCN nước ta trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của đổi mới; phù hợp tính chất của thời đại. Trong nghị quyết nêu rõ phải sớm có luật pháp về khoa học và công nghệ để kịp thể chế hóa mọi mặt hoạt động KHCN, phải nhanh chóng đổi mới cơ chế quản lý KHCN phù hợp cơ chế thị trường định hướng XHCN, phải đầu tư thỏa đáng, bước đầu tối thiểu 2% chi ngân sách, cho KHCN, v.v...

Ðến Hội nghị Trung ương VI (khóa IX), trong báo cáo kiểm điểm việc thực hiện NQT.Ư 2, đã đánh giá tương đối toàn diện các thành tựu và khuyết điểm thực hiện nghị quyết này, và nêu ra những nhiệm vụ cho giai đoạn tới của KHCN.

Có thể thấy trong suốt quá trình CNH, HÐH các đồng chí lãnh đạo T.Ư Ðảng có mối quan tâm đặc biệt đối với KHCN để phát triển kinh tế, xã hội. Ðội ngũ KHCN đã nhận thức ngày càng rõ về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình.

Những đổi mới bước đầu

Ðể thực hiện các chính sách đổi mới cho KHCN, việc đầu tiên phải là chuyển đổi công tác quản lý KHCN từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN.

Nền khoa học nước ta vốn được xây dựng theo cơ chế kế hoạch hóa và bao cấp, theo kiểu như của Liên Xô (trước đây). Cụ thể là chỉ có các tổ chức KHCN của Nhà nước, được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí hằng năm theo kế hoạch. Những nhiệm vụ nghiên cứu cũng được Ủy ban Kế hoạch Nhà nước giao. Những kết quả nghiên cứu có giá trị về lý thuyết thì được công bố trên các tạp chí khoa học, các thành tựu công nghệ được chuyển cho cơ quan kế hoạch xem xét để đưa vào sản xuất. Tóm lại là giữa nghiên cứu và sản xuất không có mối quan hệ trực tiếp, mà phải thông qua cơ quan kế hoạch.

Như vậy, việc đầu tiên của đổi mới là phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp giữa tổ chức KHCN và doanh nghiệp. Tuy nhiên cả ba "nhà" đều rất lúng túng; "nhà" khoa học, công nghệ không biết "tiếp thị" kết quả nghiên cứu của mình; "nhà" sản xuất không biết mua công nghệ và thiết bị trực tiếp từ các nhà khoa học như thế nào, thuế và thanh quyết toán ra sao; các "nhà" quản lý không có quy chế làm việc về sự môi giới.

Sau một thời gian ngắn, Nhà nước ta với sự đồng thuận của đội ngũ KHCN đã đi đến hình thức quản lý phù hợp thực tế, đa dạng và có hiệu quả hơn.

Chính phủ sử dụng một hội đồng tư vấn quốc gia, thành lập trong kế hoạch năm năm khoảng mười chương trình trọng điểm cấp nhà nước, bao gồm các nhiệm vụ KHCN rất cần thiết cho kinh tế - xã hội trước mắt và trong thời gian gần. Các nhiệm vụ này được thực hiện bằng các đề tài và được ngân sách cấp một phần hay toàn bộ kinh phí qua một hợp đồng tuyển chọn (hình thức đấu thầu theo Luật Khoa học và Công nghệ). Các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản cũng được ngân sách cấp kinh phí sau một sự thẩm định chặt chẽ.

Các bộ, ngành và địa phương (tỉnh, thành phố) cũng có ngân sách để đặt hàng nghiên cứu cho các nhà khoa học về các nhiệm vụ cần thiết cho sản xuất ở đơn vị mình.

Ngoài đơn đặt hàng của Nhà nước, các tổ chức KHCN còn ký hợp đồng nghiên cứu với các doanh nghiệp và hình thức này ngày càng phát triển.

Nhà nước còn khuyến khích các nhà khoa học thành lập các tổ chức KHCN hoạt động tự chủ không phụ thuộc bao cấp của Nhà nước. Từ khi bắt đầu đổi mới, chỉ có khoảng 100 tổ chức KHCN của Nhà nước. Ðến cuối năm 2004, cả nước có 1.220 tổ chức KHCN, trong đó 684 thuộc khu vực Nhà nước và 536 thuộc tập thể và tư nhân. Ðây là một xu thế rất hợp lý và rất đúng hướng của cơ chế kinh tế.

NQT.Ư 2 cũng khuyến khích hội nhập quốc tế với các hình thức hợp tác quốc tế đa dạng. Qua đây, chúng ta có điều kiện tốt để học hỏi các công nghệ mới và đào tạo cán bộ.

Các điểm trình bày trên đây chưa kể được hết những hình thức rất năng động của đội ngũ KHCN. Vì khó khăn, nên có một số ít chuyển nghề, nhưng đại đa số trong đội ngũ khoa học, công nghệ nước ta đều rất tự hào và say mê với nhiệm vụ.

Với các chính sách đổi mới cụ thể trên đây nền KHCN nước ta đã nhanh chóng vượt qua trì trệ, tiếp tục phát triển và có những đóng góp xứng đáng phục vụ thắng lợi quá trình đổi mới. Một số thành tựu quan trọng sẽ trình bày dưới đây.

Tiếp thụ và làm chủ công nghệ tiên tiến

a) Khi bắt đầu quá trình đổi mới, nền kinh tế nước ta còn lạc hậu, trình độ công nghệ còn khá thấp. Bởi vậy, tiến hành CNH, HÐH trong điều kiện đó phải: "Lấy ứng dụng, chuyển giao công nghệ là chính. Tạo được khả năng lựa chọn, thích nghi và làm chủ các công nghệ nhập; đi thẳng vào các công nghệ tiên tiến nhất, trước hết ở những ngành, những lĩnh vực có tác động chi phối nền kinh tế quốc dân, những ngành có giá trị gia tăng cao..." (NQT.Ư 2). Lúc đó chúng ta ở trong tình thế là lĩnh vực nào cũng cần phát triển nhanh, nhưng ai cũng thấy rằng lương thực là quan trọng hàng đầu. Khoán 10 đã mở đầu cho sự giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp và tiếp theo là các bước tiếp tục đổi mới công nghệ. Các nhà khoa học nông nghiệp (bao gồm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thủy lợi) kết hợp chặt chẽ với nông dân, đã đạt những thành tựu xuất sắc trong việc ứng dụng và phát triển công nghệ các giống cây trồng, vật nuôi với năng suất và chất lượng cao, kỹ thuật canh tác tiên tiến với hệ thống thủy lợi khá phát triển, công nghệ sau thu hoạch và chế biến có bước tiến rõ rệt... Một số công nghệ rất hiện đại của sinh học phân tử, như công nghệ tế bào, công nghệ tái tổ hợp gen, v.v... cũng đã bắt đầu được nghiên cứu ứng dụng. Ðến nay nhìn lại, kết quả thật là to lớn. Từ một nước phải nhập lương thực, chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới (năm 2005 này có thể xuất khẩu hơn 4,5 triệu tấn gạo) với năng suất khá cao, hiện nay đạt trung bình 4,86 tấn/ha. Năm 2004 đã đạt 39,3 triệu tấn lương thực gần với ngưỡng an ninh lương thực (500 kg/người/năm). Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua, đã nhấn mạnh: Ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp có đóng góp rất rõ vào tăng trưởng (báo Nhân Dân ngày 15-10). Ðó cũng là lời khen ngợi tính sáng tạo của nông dân nước ta và đặc biệt là sự đánh giá cao 15 công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực nông nghiệp được xét trong ba đợt vừa qua (1996, 2000, 2005), những công trình khoa học, công nghệ đã góp phần mang lại niềm tự hào của đất nước đã chiến thắng giặc đói.

b) Cùng với vấn đề lương thực việc phục hồi và phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, bao gồm năng lượng, xây dựng và giao thông, thông tin liên lạc, cũng là nhiệm vụ hàng đầu. Khoa học, công nghệ phải ra sức tiếp thụ và phát triển hàng loạt công nghệ tiến tiến mà chúng ta đã bị tụt hậu nhiều thập kỷ.

Năng lượng điện, than, dầu khí đều có bước tiến vọt về công nghệ trong 20 năm qua. Thủy điện, nhiệt điện than và nhiệt điện khí đã phát triển mạnh, từ mức lúc bắt đầu CNH, HÐH chỉ khoảng 100 kwh/người/năm, đến nay đã đạt 600 kwh/người/năm với tổng sản lượng điện hơn 46 tỷ kwh trong năm 2004. Công nghệ tiên tiến tua-bin khí chu trình hỗn hợp ở các nhà máy điện Phú Mỹ, công nghệ đập bê-tông trọng lực cho thủy điện Sơn La sắp tới, cùng với mạng hệ thống điện toàn quốc, v.v. là những bước tiến công nghệ khó hình dung nổi trước đây. Ngành khai thác than nhảy vọt từ 5,7 triệu tấn (1994) đến 26,3 triệu tấn (2004) nhờ đổi mới quản lý và ứng dụng hàng loạt công nghệ tiên tiến; tỷ lệ cơ giới hóa trong khai thác hầm lò, trong vòng sáu năm gần đây đã tăng nhanh từ 10% lên 80%. Ngành dầu khí nước ta ra đời cùng với CNH, HÐH, nên có điều kiện ứng dụng ngay các công nghệ tiên tiến trong tìm kiếm, thăm dò, phân tích và tổng hợp số liệu địa chất - địa vật lý, công nghệ khoan ngang, bơm ép nước duy trì áp suất vỉa... làm cho sản lượng dầu khí liên tục tăng: năm 2004 đạt 26,7 triệu tấn (trong đó dầu thô đạt 20,1 triệu tấn). Với sản lượng như trên và còn tiếp tục tăng nữa, người ta bàn đến việc xếp nước ta là một nước dầu khí. Ðể vượt qua thách thức năng lượng toàn cầu trong thời gian tới, chúng ta cũng đang nghiên cứu ứng dụng thử nghiệm một số loại năng lượng tái tạo có triển vọng và tính toán cả việc làm nhà máy điện hạt nhân.

c) Ngành xây dựng và giao thông đã tiếp thụ và phát triển hàng loạt công nghệ tiên tiến phục vụ việc nhanh chóng xây dựng lại đất nước đàng hoàng, to đẹp hơn, với hệ thống cầu, đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế.

Trong xây dựng, những công nghệ tiên tiến như: Công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp (gạch ceramic, granit...), công nghệ thiết kế và thi công nhà cao tầng, cấu kiện bê-tông ứng suất trước trong các dàn không gian có nhịp lớn, kết cấu kim loại khẩu độ lớn, công nghệ khoan đường hầm lớn (đèo Hải Vân), v.v. đã đạt trình độ hiện đại quốc tế và đưa vào ứng dụng rộng rãi. Trong giao thông vận tải, những công nghệ tiên tiến như: Công nghệ thiết kế và thi công cầu dây văng nhịp lớn, công nghệ đúc hẫng cầu bê-tông, công nghệ thiết kế và thi công mặt đường ô-tô cao cấp và đường băng sân bay ít mối nối, công nghệ chống sụt trượt đường miền núi, hệ thống công nghệ thiết kế tự động và đóng tàu biển các loại (tàu chở dầu thô, tàu công-ten-nơ, tàu trọng tải lớn tới 53.000 DWT...), công nghệ thông tin mạng toàn cầu bảo đảm cho toàn ngành hàng không dân dụng điều hành, kiểm tra và thực hiện mọi loại dịch vụ hàng không, v.v. đã sớm được tiếp thụ, phát triển và ứng dụng có hiệu quả.

Ðể phục vụ xây dựng và giao thông việc sản xuất những vật liệu cơ bản như sắt - thép, xi-măng, gạch... dựa trên công nghệ tiên tiến đã phát triển mạnh. Năm 2004, đã sản xuất 25,3 triệu tấn xi-măng và 2,9 triệu tấn thép cán...

d) Trong quá trình CNH, HÐH trước kia chúng ta thường phải nhập khẩu thiết bị toàn bộ cho một công trình (thí dụ một nhà máy nhiệt điện khí) hoặc nhiều thiết bị lẻ để lắp thành dây chuyền, v.v. Ðó là những sản phẩm của ngành chế tạo máy (bao gồm cả máy cái), cơ - điện tử và cơ khí - tự động hóa...

Ðể giảm nhập siêu, chúng ta phải từng bước tự chế tạo lấy thiết bị dùng trong nước và xuất khẩu. Song, để chế tạo được các loại thiết bị này, ngoài công nghệ cơ khí thông thường chúng ta phải làm chủ được công nghệ thông tin áp dụng cho lĩnh vực điều khiển tự động các cơ cấu hoạt động phức tạp. Những chuyên gia KHCN nước ta trong lĩnh vực chế tạo máy đã nhanh chóng tiếp thụ công nghệ thiết kế nhờ máy tính điện tử (CAD), công nghệ chế tác tự động nhờ máy tính điện tử (CAM), công nghệ điều khiển số bằng máy tính điện tử (CNC). Kết quả là ở nước ta đã hình thành các ngành chế tạo máy cơ - điện tử, cơ khí - tự động hóa... sản xuất các thiết bị tự động hoặc nhà máy tự động hóa toàn phần với chất lượng tương đương hàng nhập khẩu mà giá thành thường thấp hơn 30%, việc bảo hành rất thuận lợi. Vừa qua, đã có hai công trình trong lĩnh vực chế tạo thiết bị được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (2005), với sự đánh giá cao ý nghĩa tạo ra các ngành sản xuất hiện đại có giá trị gia tăng lớn.

e) Kết cấu hạ tầng thông tin liên lạc ngày nay đều được các quốc gia coi là có tầm quan trọng bậc nhất vì nó quyết định sự phát triển của xã hội và tạo ra của cải nhiều nhất cho nền kinh tế. Ngành công nghệ chủ yếu của hạ tầng thông tin liên lạc được gọi chung là công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT hoặc viết tắt tiếng Anh là ICT) và đây là ngành công nghệ cao dẫn đầu của KHCN ngày nay. ICT bao gồm công nghệ cả phần cứng và phần mềm của hệ thống thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền tải thông tin trên cơ sở các thiết bị điện tử và vi điện tử, mà chủ yếu là máy tính điện tử, nối mạng bằng sóng vô tuyến hoặc tia la-de cáp quang hoặc qua vệ tinh trong một phạm vi xác định của không gian hoặc mở rộng toàn cầu. Bắt đầu quá trình CNH, HÐH, những chuyên gia ngành ICT của nước ta đã lựa chọn phương án đi thẳng vào công nghệ cao, tức là công nghệ số hóa - la-de - cáp quang - vệ tinh cho truyền tải thông tin và công nghệ mạng máy tính (điện tử), in-tơ-nét cho các ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác.

Việc phát triển mạnh ICT kết hợp việc nhanh chóng đào tạo hàng nghìn chuyên gia trẻ cho lĩnh vực này đã làm cho nước ta bước đầu tiếp cận với xã hội thông tin, số hóa của nền kinh tế tri thức. Nhân dân ta đang sử dụng trên ba triệu máy vi tính cho sản xuất và các hoạt động xã hội khác. Nước ta đạt tỷ lệ 17 máy điện thoại/100 dân vào năm 2005 này (trước đổi mới, chỉ có 0,1 máy điện thoại/100 dân, tức là tăng 170 lần); tám triệu dân đang dùng in-tơ-nét (khoảng 10% số dân); đã bước sang giai đoạn máy thu hình số hóa và hàng chục báo điện tử; Nhà nước đang tích cực xây dựng nền hành chính điện tử...

Thành tựu và hiệu quả

Những thành tựu ứng dụng công nghệ tiên tiến, trình bày trên đây, chỉ là những nét chấm phá của bức tranh toàn cảnh KHCN nước ta phát triển trong 20 năm qua.

Ðó là cố gắng chung của đội ngũ KHCN và của công nhân, nông dân với nhiều sáng kiến có giá trị, làm cho lực lượng sản xuất phát triển mạnh, góp phần tăng trưởng nhanh và liên tục của nền kinh tế nước ta.

Ðồng thời, chúng ta cũng thấy rõ rằng KHCN nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, chưa tiếp cận được với nhiều công nghệ cao nên sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp. Cũng có ý kiến phê phán rằng: Ðề tài được nghiệm thu xuất sắc rồi cất đi, không đưa được vào sản xuất. Ðúng là có tình trạng đó, nhưng không phải là tất cả. Ðầu tư cho KHCN là một loại đầu tư rủi ro cao. Khi đã thành công và được đưa ngay vào sản xuất thì hiệu quả cực lớn. Thí dụ, cách đây khoảng mười năm sản xuất hạt điều sa sút nghiêm trọng vì giống kém và kỹ thuật canh tác sai. KHCN vào cuộc, giải quyết vấn đề giống và kỹ thuật canh tác thành công, đã dẫn tới kết quả là sản xuất hạt điều nước ta, hai ba năm gần đây đứng đầu thế giới về sản lượng điều và kim ngạch xuất khẩu năm 2004 là 415 triệu USD. Ðề tài nghiên cứu tự động hóa thiết kế tàu thủy và cắt, hàn tấm lớn tự động điều khiển nhờ máy tính thành công, đã mở ra hẳn một ngành chế tạo tàu biển cỡ lớn. Có những đề tài đã thành công khi nghiệm thu, nhưng triển khai và hoàn thiện công nghệ thì gặp khó khăn và chưa thành công ngay được.

Theo kinh nghiệm các nước công nghiệp phát triển, chỉ cần khoảng 1/3 số đề tài nghiên cứu thành công và đưa được vào sản xuất thì đã quá tốt đẹp.

Chúng ta có các đề tài nghiên cứu phần lớn đều không phải bắt đầu từ đầu, nên phải phấn đấu đạt tỷ lệ thành công và được đưa vào sản xuất ngày càng cao hơn.

Hiệu quả hoạt động KHCN luôn là vấn đề được Ðảng và Nhà nước rất quan tâm và đội ngũ KHCN trăn trở. Hiệu quả KHCN chưa cao phần lớn là do quản lý chưa đúng. Vì vậy, trong những năm qua đã có nhiều chính sách mới về quản lý KHCN được đưa vào thực hiện: Xây dựng thị trường khoa học và công nghệ; cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN nhà nước; hình thức doanh nghiệp KHCN; chợ công nghệ và thiết bị, v.v. Những chính sách này được đội ngũ KHCN hoan nghênh và chắc chắn rằng đã và sẽ nâng cao hơn hiệu quả hoạt động KHCN.

Trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội vừa qua, đã có nhận định: "Ðóng góp vào tăng trưởng gồm các yếu tố về vốn, lao động và tiến bộ khoa học công nghệ, trong đó đóng góp của khoa học công nghệ vào tăng trưởng trong thời gian qua là rất rõ..." (báo Nhân Dân ngày 15-10).

Có cơ sở để tin tưởng rằng hiệu quả của KHCN trong thời gian tới sẽ càng rõ hơn nữa. Trong công cuộc đổi mới đất nước KHCN nước ta đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao, và có bước phát triển lớn mạnh để đáp ứng tốt hơn sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HÐH.

Giáo sư VŨ ÐÌNH CỰ