Đã có cúm gia cầm ở 4 tỉnh, thành
Các Website khác - 07/11/2005

(VietNamNet) -  Những địa phương đầu tiên xác định đã có ổ dịch cúm gia cầm là Bắc Giang, Quảng Nam, Thanh Hoá, Hà Nội. Người mắc cúm gia cầm đã xuất hiện trở lại.

>> Diễn biến cúm gia cầm

Soạn: AM 611845 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Phòng hộ tốt khi tiếp xúc với gia cầm.

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp với của Chính phủ với đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí quán triệt triệt khai kế hoạch hành động khẩn cấp phòng chống dịch cúm gia cầm và cúm A/H5N1 ở người chiều 7/11.

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa khẳng định: Nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm và dịch H5N1 trên người là rất cao.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông lương Thế giới, việc xảy ra nguy cơ đại dịch trên toàn cầu là rất lớn.

Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều khả năng xảy ra đại dịch. So với cùng kỳ 2004, năm nay dịch cúm gia cầm đã xảy ra trên diện rộng hơn, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định: ''Chính phủ đảm bảo tối đa nguồn lực trong nước cũng như hợp tác chặt chẽ với quốc tế ngăn chặn xảy ra địa dịch. Nếu dịch lớn xảy ra, cũng sẽ làm hết sức mình để kiểm soát để giảm thấp nhất thiệt hại cho nhân dân, đặc biệt về sức khoẻ, tính mạng''.

Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: “Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong việc nâng cao nhận thức cho người dân. Khuyến khích các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch cúm, tham gia kiểm tra và phản ánh kịp thời những địa phương làm tốt cũng như chưa tốt công tác phòng chống dịch cúm gia cầm''.

Phụ cấp cho cán bộ thú y

Tại cuộc họp, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết: ''Từ ngày 7/11, tất cả các hộ chăn nuôi phải nuôi nhốt gia cầm ở nơi có định, nhốt riêng từng loại gia súc, nghiêm cấm nuôi gà thả rông, vịt chạy đồng; khuyến khích giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là các loài thuỷ cầm, đặc biệt là ngan... Trứng thuỷ cầm trước khi bán phải ngâm Chloramine B hoặc xông Fomaline có sự giám sát của thú y. Các xã giáp ranh giữa các tỉnh thiết lập các điểm kiểm soát việc vận chuyển gia cầm 24/24 giờ. Đặc biệt yêu cầu các địa phương không dấu dịch hoặc báo cáo sai về tình hình dịch bệnh.

Ngày 7/11, Bộ NN&PTNT đã có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt chế độ phụ cấp đặc thù cho cán bộ ngành thú y tham gia phòng chống dịch cúm gia cầm. Theo đó,  mức phụ cấp chống dịch sẽ được hưởng 60.000đồng/ngày/người đối với trường hợp trực tiếp tham gia dập các ổ dịch. Người trực chống dịch 24/24 tại các chốt kiểm dịch được hưởng 50.000đồng/người/phiên trực. Người lấy mẫu bệnh phẩm được phụ cấp 3.000đồng/mẫu bệnh phẩm.

 Bắc Giang khẩn cấp dập dịch cúm gia cầm

Ngày 7/11, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang Lê Đắc Tá cho biết: tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện ngay những biện pháp khẩn cấp dập các ổ dịch cúm gia cầm ngay sau khi phát hiện tại 3 xã.

Bắc Giang đã tập trung tiêu hủy ngay toàn bộ số gia cầm tại 6 thôn có dịch và toàn bộ thuỷ cầm tại 3 xã có dịch; tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khắp địa bàn các xã trên.

Bắc Giang cũng nghiêm cấm việc giết mổ, sử dụng gia cầm tại các xã này và thuỷ cầm trên phạm vi toàn tỉnh; đồng thời tiến hành tiêm phòng vaccine cúm gia cầm, trước hết tại các xã có dịch.

Cho đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm ở Bắc Giang vẫn được khống chế trong phạm vi 6 thôn nói trên và chưa có thêm gia cầm, thuỷ cầm chết do dịch. Tỉnh đang tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người nhằm dập dịch trong thời gian nhanh nhất và khống chế không cho lây lan rộng thêm.

  • Hà Yên

  • Lệ Hà