Là già làng của người K’Ho Sre ở buôn Bù Liêng (thị trấn Đinh Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), Duôm Dai Bát cũng là “chủ chòm” trong đội cồng chiêng của huyện. Từng “vác chiêng đi đánh…” ở các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, rồi ra Thủ đô Hà Nội, về TP Hồ Chí Minh. Cái tên, con người của vị già làng khả kính ấy đã gắn với văn hoá cồng chiêng, văn hoá K’Ho. Vì lẽ đó, trong chuyến khảo sát, nghiên cứu văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để chuẩn bị hồ sơ trình lên UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, Viện nghiên cứu Âm nhạc đã mời Duôm Dai Bát làm cộng tác viên đặc biệt.
Dưới sự “cầm chịch” của ông, các nghệ nhân K’Ho Sre ở huyện Lâm Hà đã cũng đã có dịp tái hiện không khí của nhiều lễ hội truyền thống. Nào “tế thần ăn trâu” (Lơh Yàng nô sa rơpu), nào “Mừng lúa mới” (nhô r’he), nào “Múa kết bạn” (b’ya dăm klăc)…
Khi trở về góc nhà quen thuộc trong lòng thị trấn nhỏ, ông lại cần mẫn, say mê chế tác các nhạc cụ truyền thống như khèn Kơmbuat, khèn Rơret, GơlKhul, hay đàn ống tre (cêng kơrla), trống (sơgơr)…
Ngôi nhà của Duôm Dai Bát sát bên quốc lộ 27 từ Lâm Đồng đi Đác Lắc cũng là nơi tụ họp của những thành viên trong đại gia đình ông và của già trẻ, gái trai buôn Bù Liêng. Trong ngôi nhà ấy, có những phút Dum Dai Bát lắng lòng nhớ về một thời lầm đường lạc lối theo Fulro vào rừng. Thế nhưng, ông đã kịp hiểu thấu lẽ phải và cảm nhận được hơi ấm của tình kết đoàn, nhân ái giữa các dân tộc anh em trên mảnh đất quê hương. Dum Dai Bát đã bỏ hàng ngũ Fulro quay về với Cách mạng.
Cũng chính ông tình nguyện quay lại rừng sâu kêu gọi những người con của dân tộc mình đang lạc lối trở về với buôn làng, với chính quyền cách mạng. Duôm Dai Bát cùng một số già làng khác đã vận động được 160 người tham gia lực lượng Fulro quay về. Cái thị trấn Đinh Văn này từng là “lãnh địa” Fulro nhưng bằng sức hút của những người như Duôm Dai Bát nó đã trở thành đất lành.
Vùng đất đó hôm nay càng chan hòa niềm hạnh phúc bởi cuộc sống của đồng bào K’Ho và người Kinh đã khá giả hơn nhiều, trong đó có sự góp sức của già làng Duôm Dai Bát. Ông không chỉ là nghệ nhân xuất sắc, người cao tuổi mẫu mực mà còn là nông dân sản xuất giỏi của huyện Lâm Hà trong nhiều năm liền. Già làng Duôm Dai Bát tích cực cùng với chính quyền trong công cuộc vận động bà con xoá đói giảm nghèo mà trước hết là sự thu phục bằng chính hành động của mình. Duôm Dai Bát trở thành người dân tộc K’Ho đầu tiên ở thị trấn Đinh Văn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích canh tác 4ha. Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn cho biết, hiện người nông dân K’Ho này có 2ha ruộng nước, 2ha cà phê và 4 gian ki-ốt cho thuê. Ông nhận thức, chỉ có áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thì mới thực sự đạt hiệu quả kinh tế cao và đổi đời được. Kết quả là thu nhập bình quân hàng năm của gia đình ông đạt từ 50 đến 70 triệu đồng.
Từ ông, mô hình trồng cây gì, nuôi con gì và cách thức chăm sóc cụ thể như thế nào đã được lan dần đến các hộ đồng bào K’Ho khác.
|