Đại nhạc hội...
Ngửa cổ dốc một hơi hết nửa chai bia Sài Gòn, mồ hôi nhễ nhại, Tài Hai lao vào giữa bốn cái chân của hai anh bạn đang cắm đầu xuống đất trong thế trồng cây chuối theo điệu nhạc ráp. Một anh bạn khác thì đang oằn người cố giữ ngang cơ thể bằng một cánh tay trước nhữnh xì xào thán phục của bọn trẻ con. Đó là cảnh đang diễn ra trong đám cưới anh bạn tôi ở ấp Tân Trung, xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh. Anh phụ trách loa đài mà chú rể thuê mướn cũng phải giật mình bởi nhóm thanh niên này có cái đĩa nhạc ráp đập rất bốc, khác hẳn mấy nhóm bên xã Tân Phú hay Thanh Tân. Khoảng hè rộng chừng 3m2 vừa làm sân khấu cho mấy anh trung niên xóm hát vọng cổ mấy phút trước nghiễm nhiên trở thành sân khấu biểu diễn hip-hop. Không khí náo động hẳn từ khi nhóm của Tài Hai xuất hiện. Vui đến mức mấy chú Hai, anh Năm, cậu Bảy... đang "chén chú chén anh" nhiệt tình phía dưới cũng bỏ "chốt" lóp ngóp bò lên vây quanh cổ vũ. Thấy vẻ ngỡ ngàng, chú rể ghé tai tôi: "Mấy đứa này toàn ở trong ấp trong xã hết, chúng tự đến chứ chẳng phải thuê mướn gì đâu. Đám cưới nào ở mấy ấp trong xã này tụi nó chẳng đến nhảy biểu diễn, cứ xem đi, mấy cái màn cuối mới hay". Thảo nào từ tối đến giờ chỉ toàn thấy người nhà chú rể và các vị cao niên đến dự. Nhưng từ lúc nhóm của Tài Hai dựng mấy con "cánh én" phành phạch ngổn ngang ngoài cổng hoa, thì mới thấy lũ trẻ con xuất hiện. Các bà, các chị hàng xóm cũng bắt đầu kéo đến cổ vũ rất nhiệt tình y như fan hâm mộ của bất cứ ca sĩ nổi tiếng nào trên thành phố. Tuy còn trẻ, nhưng "phong cách biểu diễn" của nhóm khá "chuyên nghiệp", như đã có cả một buổi tổng duyệt rất quy mô. Không ai nói một lời, sau mỗi pha nhào lộn tiến lại bàn, nốc một ngụm bia, một hơi thuốc lá và nhảy tiếp.
"Ai bảo người nhà quê không nhảy được hip-hop..."
Nhóm nhảy xã Tân Hưng (tên do các thành viên tự đặt) gồm 10 thành viên, người già nhất là nhóm trưởng Tài Hai chưa đầy 20 tuổi nhưng có gương mặt khá đanh. Vì toàn là dân "có máu mặt" trong cả xã nên nhóm rất có uy tín với đám choai choai khác chưa biết nhảy và là thần tượng của bọn trẻ con. Ngoài việc đảm nhiệm những cú nhảy quyết định và nguy hiểm, Tài Hai còn phải có uy tín để liên kết và lãnh đạo anh em. "Ai bảo người nhà quê không nhảy được hip-hop. Có khó gì đâu, tụi em chỉ cần mua mấy cái đĩa nhảy về, học theo chừng hai tháng là thuộc hết", Tài Hai thản nhiên trả lời thắc mắc của tôi. Một thành viên khác còn khoe, vừa học được điệu nhảy rô-bốt từ cái đĩa mua tận trên thị xã của một nhóm nào đó bên Hồng Công. Điệu này không cần lộn chỉ cần giật giật cơ thể theo điệu nhạc. Mỗi khi có đám cưới là anh em lại tụ họp hẹn giờ, chuẩn bị nhạc, quần áo và lên đường. Có cả một số điện thoại của trưởng nhóm để các thành viên dễ bề liên lạc.
Ông bạn chú rể của tôi bật mí, xã bên còn có nhóm chuyên nhảy nhạc Việt Nam hẳn hoi. Một thành viên được cử ra để hát, còn lại thay nhau nhảy, nhạc công chỉ cần mở lớn âm thanh một chút là được. Mỗi nhóm nhảy đều có lịch và nội dung "biểu diễn" đàng hoàng. Nhóm của Tài Hai thường tập luyện vào buổi tối và chỉ tập trung ở một chỗ thuận lợi nhất. Còn "biểu diễn" thì chỉ đến họ nhà trai, không đi họ nhà gái; chỉ đi tiệc trà buổi tối chứ không đến tiệc rượu trưa hôm sau vì ban ngày nhảy không có hứng và ai cũng phải đi làm. Buổi tối cũng chỉ tới khi người nhà hát xong 4 bài, nhảy chừng 30 phút rồi rút liền chứ không ngồi lâu. Chỉ cần một ít bánh kẹo, mấy chai bia hoặc vài xị rượu đế là đủ cho đội quân này khuấy động không khí.
Đằng sau những điệu nhảy
Chỉ khổ ông bạn tôi bởi sau khi rút quân, đội nhảy đã gửi lại gia chủ một bãi chiến trường toàn là... rác. Có khi ra cổng nhóm còn gây gổ đánh nhau vì đã giành mất pha độc quyền của mình trong lúc hăng nhảy. Trong nhóm chỉ có Lập đen là được theo bố làm nghề sửa xe trên huyện, còn Tý, Hiển làm nghề đào khoai mỳ mang bán, Đông, Long... làm lò vôi, đập đá rất cực khổ mà ngày cũng chỉ được 20.000 đồng. Nhưng vì muốn giống dân quậy thành phố, muốn sành điệu hơn bạn bè nên họ đã tìm cách học theo và mê luôn món hip-hop. Có trường hợp học trên ti-vi mãi mà không thành công, đành đòi bố mẹ bằng được 800.000 đồng/tháng đến các lò luyện trên huyện để học.
Tôi hỏi đến giá bộ quần áo mà Tý đang mặc trên người gấp bao nhiêu lần thu nhập 17.000 đồng/ngày đi đào khoai mỳ trên núi Bà (núi Bà Đen)? "Quần trăm hai, áo chỉ có tám mươi chín ngàn nhưng mũ len phải mất năm chục một cái. Giờ em chỉ còn thiếu mấy cái vòng chân và dây chuyền cổ nữa thôi. Thằng Lập đen mới mua một bộ gần trăm đã lắm...!". Được biết các em trong nhóm đều bỏ học sớm và hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bố Lập đen cho biết, từ ngày có thứ nhảy nhót này về quê, em không còn lo làm việc nhà như trước, suốt ngày chỉ lo mua đĩa, chọn nhạc. Tiền đưa bố mẹ nuôi em cũng không còn, làm cả năm cũng chỉ đủ mua quần áo.
Tài Hai kể lại lần bị gãy tay trong pha lộn ngược không thành công với vẻ mặt ấm ức bởi sau lần đó em đã bị đuổi khỏi nhà. Sống lang thang ở chỗ làm được hai tháng và không chịu nổi những cơn đói, cuối cùng Tài Hai đành phải xin lỗi bố mẹ với lời hứa không nhảy nữa. Thế nhưng công việc thuận lợi, thu nhập cao hơn nên Hai lại bỏ nhà đến chỗ làm và tìm lại niềm đam mê hip-hop ngày nào. Trong phút nói thật, Hai tỏ ra hối hận nhưng không dám về nhà bởi đây đã là lần thứ hai em bỏ đi theo hip-hop.
Phải dẹp bỏ ngay những đám cưới kiểu lố lăng này!
|