Tiền công càng rẻ, tuổi vàng càng thấp?
Hiện nay, khách hàng nữ đang có xu hướng thích mua vàng trắng. Với loại này, có nơi tính đơn vị là gram chứ không tính theo chỉ. Giá của các lò bán cho quầy khoảng 8-9 USD/gram. Quầy bán cho khách khoảng 10-11 USD/gram. So với hàng nhập từ Hồng Công giá 16,5 USD/gram, bán ra 18 USD/gram, vàng trắng trong nước rẻ gần phân nửa. Do độ tinh xảo tương đương với hàng nhập, nên khách hàng rất khó phân biệt, bởi cả hai đều in "Italy 18K". Vì vậy, khách hàng phải lệ thuộc vào lòng tin với chủ quầy.
Một tiểu thương bán vàng ở chợ Bến Thành cho biết, 30% khách hàng của chị là Việt kiều, 10% là khách nước ngoài, vì độ tinh xảo của nữ trang chế tác trong nước không thua hàng nhập, giá lại thấp do tiền công rẻ. Thí dụ, một vòng chạm của Mỹ nặng khoảng 5 chỉ giá bán 700USD, trong đó tiền công chiếm 500USD. Vòng chạm tương tự trong nước giá chỉ có 3,3 triệu đồng, trong đó tiền công chỉ có 120.000 đồng. Đối với vàng 14K, giá bán tính theo giá trị món hàng chứ không tính theo cân lượng.
Vàng nữ trang trong nước chia làm hai loại. Loại cung cấp cho thành phố có tuổi vàng cao hơn - từ 6,8 - 7,2 - trong khi vàng bỏ mối các tỉnh miền tây có khi tuổi vàng chỉ còn 6,0. Vì thế, giá vàng 18K ở TP Hồ Chí Minh luôn cao hơn các tỉnh từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/chỉ. Người mua không thể đoán tuổi vàng qua mầu sắc, vì tỷ lệ hỗn hợp bạc, đồng, thau, nicken và... phụ gia sẽ quyết định mầu. Do thị hiếu của mỗi vùng, thợ bạc đã chế vàng nữ trang cho TP có mầu vàng đỏ hoặc mầu vàng trắng, còn nữ trang cho các tỉnh có mầu vàng xanh.
Những người có kinh nghiệm buôn bán nữ trang vàng cho biết, khách hàng nữ thích trả treo tiền công thấp, coi chừng vàng bị mất tuổi, bởi tiền nào của nấy! Do giá gia công một sản phẩm nữ trang của Việt Nam quá thấp, thợ bạc đã ngầm trừ chênh lệch hao hụt (vàng) vào tuổi vàng. Vàng 18K, tuổi vàng chỉ có 6,8, phải bán theo giá vàng 7,0 mới có lời. Phổ biến trên thị trường là vàng 18K chỉ còn 60% - 63% - 65% hàm lượng vàng, nhưng được bán với giá của vàng 7,0-7,5: Vàng trắng còn tệ hơn, có nơi tuổi vàng chỉ còn 2,5 - 3,0, mầu càng trắng, hàm lượng vàng càng thấp. Người tiêu dùng mua một chỉ vàng trắng, coi như bị mất đứt... một nửa tiền!
"Hạ chuẩn" tuổi vàng, người tiêu dùng thua thiệt!
Các doanh nghiệp trong nước đã chế tạo được cân điện tử kết nối với máy tính được cài đặt phần mềm thử tuổi vàng, giá khoảng 1.000USD/cái, các tiệm kinh doanh vàng bạc lớn có trao đổi vàng nhiều đều trang bị để phục vụ khách. Tuy nhiên, nhược điểm của cân điện tử là chỉ thử vàng khối đặc, không thử được vàng nữ trang rỗng ruột như kiềng, ống điếu... Cân điện tử cũng không thử tuổi được vàng có cẩn hột và chỉ chính xác với vàng y.
Các thợ bạc lão thành cho biết, cách thử vàng 18K theo kiểu truyền thống bằng dung dịch cường toan (acid nitric và acid chlorhydric) là chính xác nhất. Khi quét dung dịch này lên mẫu vàng thử, vàng biến mất chậm là tuổi cao, biến mất nhanh là tuổi thấp. Nếu là vàng mạ, thợ bạc có thể nghi vấn về độ không tương đồng giữa thể tích và trọng lượng mà khoan sâu hoặc bẻ gãy để thử vàng trong ruột.
Các thợ bạc lão thành cho biết, là do tiền công quá rẻ. Làm một món hàng càng kỹ lưỡng thì càng tiêu hao nguyên liệu, nhưng chủ tiệm giao 1 lượng vàng nguyên liệu, thì thợ phải trả lại đúng 1 lượng vàng nữ trang. Nếu gia công một sợi dây chuyền 100.000 đồng, hao hụt một phân vàng, tức 63.000 đồng, tiền công chỉ còn 37.000 đồng/ngày. Do giá vàng cao, một ly vàng trước mất 4.000 đồng - 5.000 đồng, nay sẽ mất 8.000 đồng. Vì vậy, thợ bạc buộc lòng phải hạ tuổi vảy hàn xuống.
Hiện các công ty vàng bạc lớn đều nhập máy chế tác vàng, nhưng chỉ những món dây và lắc là có thể làm hoàn toàn bằng máy; các nữ trang nhận hột, cẩn, chạm, đều phải gia công bằng tay. Do nghề thợ bạc không sống nổi bằng tiền công, tuổi vàng nữ trang không bị Nhà nước bắt buộc kiểm định, nên tuổi vàng nữ trang sẽ mãi là ẩn số!
Không chỉ có những thợ bạc, tiệm kim hoàn nhỏ "ăn bớt" tuổi vàng, mà cả công ty lớn nhận làm vàng nữ trang 18K theo đặt hàng của các chủ tiệm kim hoàn chỉ còn... 65% vàng! Trước tình hình này, công ty nào không chịu "hạ chuẩn" tuổi vàng thì coi như... mất bạn hàng!
Bà Cao Thị Ngọc Dung - Tổng giám đốc Công ty cổ phần VBĐQ Phú Nhuận (PNJ) cho biết: "Gia công vàng nữ trang cho nước ngoài, tiền công tính luôn cả phần hao hụt vàng. Loại 75% vàng, ngoài tiền gia công, được tính thêm tiền hao hụt vàng từ 2%-6%. Vì thế, giá tiền công của một món trang sức mang nhãn hiệu nước ngoài là rất cao. Còn vàng nữ trang trong nước, giá công hiện rất thấp, nên thợ bạc có khuynh hướng tính thêm giá công bằng cách "bớt" tuổi vàng.
Hiện trên thị trường đã có công ty chấp nhận "hạ chuẩn" tuổi vàng theo yêu cầu của bạn hàng sỉ. Chúng tôi đang phải đứng trước sự lựa chọn rất đau đầu này. Mong Hiệp hội kinh doanh vàng có ý kiến về vấn đề này. Khi hạ chuẩn tuổi vàng, nghĩa là làm vàng 18K chỉ còn 65% vàng, chúng tôi sẽ lấy đúng giá của tuổi vàng 6,5, nhưng vấn đề nằm ở chỗ: người bán lẻ sẽ không nói thật với người tiêu dùng, mà lại bán với giá của vàng 7,5! Như thế, chính người tiêu dùng sẽ bị thiệt!.
|