"Đẻ sạch" - xa lạ và xa xỉ
Các Website khác - 20/09/2005
Do những phong tục và sự khó khăn trong tiếp cận với y tế, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn có thói quen sinh nở tại nhà. "Gói đẻ sạch" được coi là giải pháp tạm thời nhằm nâng cao tỉ lệ làm mẹ an toàn, được áp dụng từ nhiều năm ở Nghệ An. Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, vẫn còn ít thai phụ được biết mặt hoặc nghe nói đến khái niệm "đẻ sạch".

Mất con vì tự sinh ở nhà

Soạn: AM 553325 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Cạo một ít bột đất từ thành bếp lò và đắp vào rốn đứa trẻ - một cách làm khô cuống rốn mất vệ sinh

Mặc dù phụ nữ Mông và Khơ Mú ở Nghệ An đều thấy sự cần thiết phải đi khám thai, nhưng 95% cho biết, họ không đi khám khi mang thai đứa con đầu tiên.

Đã có người dân tìm tới y tế thôn bản nhờ đỡ đẻ, nhưng điều này chỉ thấy ở phụ nữ Thái hoặc Khơ Mú, chứ không có ở nhóm người Mông. Người dân chỉ tìm đến cán bộ y tế khi khó sinh, cơn đau đẻ kéo dài. Do vậy, bộ dụng cụ "gói đẻ sạch" đầy đủ kéo, bông, băng, gạc dùng khi đỡ đẻ cho thai phụ, đã được thiết kế và cung cấp cho phụ nữ dân tộc thiểu số, thông qua y tế cơ sở tại một số tỉnh, thành. Theo kết quả tổng kết dự án JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) về chăm sóc sức khoẻ sinh sản ở Nghệ An vừa qua, "gói đẻ sạch" với họ cũng là một khái niệm xa lạ.

Một phụ nữ Khơ Mú trung niên sinh 7 lần, nhưng chỉ còn 4 đứa con. Khi mang thai đứa con thứ tư, như mọi lần chị không đi khám thai hoặc tiêm phòng, nên không biết là thai đôi. Chị sinh vào tháng chạp, trời rét, đứa đầu tiên đã ra nhưng chị chưa dám cắt rốn, vì chờ nhau thai bong ra ngoài. "Tôi sợ cắt dây rốn trước, nó sẽ tụt vào trong". Đứa bé đã tím bầm cả lại, tôi cứ ngồi như thế cho đến khi đứa thứ hai ra. Nhưng nó đã chết, sau đó, đứa thứ nhất cũng không sống được".

Chữa nhiễm trùng bằng đất sét

Thanh tre, nứa là những dụng cụ cắt cuống rốn khá phổ biến mà phụ nữ Thái, Khơ Mú ở Nghệ An dùng khi sinh con. Nếu không thì sẽ là dao hoặc kéo may. Một nhân viên y tế xã ở huyện Tương Dương cho biết: "Gói đẻ sạch chỉ được cung cấp cho những phụ nữ khám thai. Những người không đến khám sẽ không được nhận".

Khi được hỏi, các bà đỡ hay các bà mẹ chồng - người đã tham gia đỡ đẻ, chỉ một vài người nói rằng họ có rửa tay sạch bằng xà phòng. Một vài người còn thú nhận, họ không rửa tay vì cơn đau đẻ của sản phụ quá gấp. Một bà đỡ nói: "Không rửa kéo, cắt là cắt thôi, xong mới rửa kéo".

Thậm chí, một trong những cách làm khô khi rốn của đứa trẻ sơ sinh bị chảy nước do nhiễm trùng là... cạo một ít bột đất sét từ thành bếp lò, hoặc bột cuống chiếu đốt, chất mùn cạo ở vỏ cây cau... và đắp vào rốn đứa trẻ"(!).

Chuyện thay băng cuống rốn hằng ngày là rất xa lạ. Do đó, số thai phụ nhận được các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu, như khám thai hay tiêm phòng uốn ván cũng hạn chế. Chính vì vậy, trong 12 huyện thực hiện chương trình làm mẹ dựa vào cộng đồng ở Nghệ An, chỉ có 23% phụ nữ đã sinh nở an toàn. Tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong ở đây - cũng như các vùng miền núi cao gấp 2 - 3 lần so với đồng bằng.

(Theo Lao Động)