Nhiều ĐH dân lập TP HCM nâng mức học phí
Các Website khác - 20/09/2005

Niềm vui đỗ đạt của nhiều tân sinh viên đang nhanh chóng bị thay thế bằng nỗi lo buồn về học phí. Số tiền mà mỗi người phải đóng cho một năm học xấp xỉ 2 triệu đồng đối với trường thấp nhất, và nhiều nhất trên 4 triệu đồng. Trong khi đó các ĐH vẫn "kêu trời" vì thu khó bù nổi chi.

Cầm 2 giấy báo trúng tuyển của một Cao đẳng và một ĐH tại TP HCM, Nguyễn Văn Thiện, quê ở Hà Tĩnh, vẻ mặt rầu rầu. Thiện muốn học ĐH nhưng để có khoảng 600.000 đồng một tháng cho học phí, cùng nhiều chi phí khác cho sinh hoạt và học tập ở thành phố, gia đình em ở ngoài quê không biết lấy đâu lo cho đủ. "Cha mẹ và chị em làm ruộng, bán cả đàn lợn và vay thêm họ hàng mới được hơn 3 triệu cho em mang vào TP HCM. Nếu nộp cả năm ĐH thì không biết sắp tới ăn, ở bằng gì. Còn học Cao Đẳng, thời gian ngắn hơn song học phí cũng chẳng kém ĐH bao nhiêu mà ra trường xin việc chắc khó hơn", Thiện nói.

ĐH Mở Bán công TP HCM ngày đầu tiếp nhận sinh viên khoá mới. Ảnh chụp sáng 20/9.

Nỗi lo của Thiện cũng là nỗi lo chung của nhiều tân sinh viên hiện nay, khi mà hầu hết ĐH trên địa bàn đều có nhu cầu tăng thêm học phí.

ĐH Dân lập Công nghệ Sài Gòn tăng mức phí ngành Quản trị, Kế toán lên mỗi sinh viên 4 triệu đồng một năm, các ngành còn lại lên 4,2 triệu đồng. Hiệu trưởng Hồ Đắc Thọ lý giải, mức tăng chênh lệch do nhu cầu đầu tư trang thiết bị phục vụ đào tạo các khoa, ngành khác nhau.

Cũng theo ông Thọ, phí đã tăng cũng chưa phù hợp với thực tế các khoản chi của trường. Chỉ những khoản liên quan tới hoạt động học đường, ngoại khoá của sinh viên, trường đã chi 70-80% học phí. "Chúng tôi chưa lấy học phí của thí sinh để chi cho xây dựng cơ bản. Một trong những nguồn mà nhiều ĐH trông mong có được để bù chi là vốn chuyển giao nghiên cứu khoa học, công nghệ của trường cho các đơn vị, doanh nghiệp. Nhưng ở những ĐH công lập lâu năm, tỷ lệ thu từ nguồn này so với thu từ học phí còn không đáng kể, ĐH dân lập như chúng tôi chắc phải đợi rất lâu", ông Thọ bày tỏ.

ĐH Dân lập Bình Dương cũng tăng học phí các ngành khối C từ 3.600.000 đồng lên 3.800.000 đồng một năm, khối A từ 3.800.000 đồng lên 4.000.000 đồng. Theo ông trợ lý Hiệu trưởng Nguyễn Hồng Đào, mức học phí này vẫn chưa thấm vào đâu so với các khoản chi của ĐH Dân lập Bình Dương. "45% học phí chúng tôi trích để đầu tư cho xây dựng cơ bản và đầu năm học này, đã phải trả 4 tỷ đồng. Xăng lên giá, vật giá các loại trên thị trường lên giá. Chỉ tính riêng chi phí cho 2 ôtô đưa đón thày cô đến trường, ngày 4 lần đã là một khoản đáng kể rồi", ông Đào than.

Văn Hiến là một trong số ít các ĐH dân lập phía Nam giữ mức học phí dưới 2 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay trường này cũng tăng mức thu một số ngành, năm thứ 2 lên 100.000 đồng mỗi sinh viên một tháng, để bù phần nào khoản chi cho đầu tư trang thiết bị đào tạo mới.

Mức học phí ở hầu hết các ĐH công lập trên địa bàn không thể lên được nữa vì đã... chạm trần ít nhất từ 1-2 năm trước, với mỗi sinh viên 1,8 triệu đồng một năm.

Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM Nguyễn Văn Luyện, cho biết, mức học phí trên không đáng kể so với mức chi hàng năm của trường. "Kỳ tuyển sinh năm nào chúng tôi cũng phải bù 80-100 triệu đồng, bắt buộc lấy từ học phí ra. Những khoản cần chi khác phải hạn chế đi", ông Luyện nói.

Còn theo ông Nguyễn Chu Hùng, ĐH Quốc Gia TP HCM, quy định về mức học phí này được áp dụng cách đây hàng chục năm và không còn phù hợp với thực tế hiện nay. "Các trường trực thuộc ĐH Quốc gia không thể trông chờ vào chuyện lấy nguồn học phí để đầu tư cho trang thiết bị dạy và học", ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho biết, các trường thuộc ĐH Quốc gia đã mở thêm các lớp không chính quy, hệ tại chức... góp phần bù những thiếu hụt vì nhiều khoản phải chi, cải thiện thêm thu nhập cho cán bộ giảng dạy, Tuy nhiên, học phí những lớp này cũng giới hạn trong mức trần nhất định và để đảm bảo chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia cũng phải khống chế số lượng các lớp ngoài chính quy.

Đại diện các trường đều cho rằng, nếu không tăng học phí thì khó khăn cho việc đầu tư toàn diện của trường nhưng tăng lên quá thì sinh viên, đặc biệt là sinh viên nông thôn, vùng xa khó có điều kiện đáp ứng. Đại diện các trường cũng nhìn nhận, mức học phí không phải là yếu tố tiên quyết chất lượng đào tạo.

"Chất lượng đào tạo tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, như: chất lượng đội ngũ giảng dạy, đầu vào của sinh viên, điều kiện thực hành... Nhưng việc thu học phí cũng phải xem xét một cách thấu đáo nhất. Thu học phí mức nào và đầu tư vào đâu cho hiệu quả là vấn đề của mỗi trường và cần sự bàn bạc, thống nhất của tất cả các ban trong trường", Hiệu trưởng ĐH Luật TP HCM, nói.

Ý kiến của bạn

Thanh Lương