"Thương quyền" và ứng xử
Các Website khác - 20/09/2005

"Thương quyền" và ứng xử
Đình Chúc

Chiều ngày 19.9, Bộ Thương mại đã có công văn gửi Hiệp hội Thép VN, trả lời kiến nghị của hiệp hội và một số DN ngành thép về "Quy chế kinh doanh thép xây dựng" - đã được bộ này ban hành trước đó hơn 1 tháng.

Chả là ngay sau khi quy chế nói trên ra đời, nhiều DN ngành thép đã coi đó là một cái "vòng kim cô" trói buộc DN, rằng Bộ Thương mại đã vượt quá thẩm quyền, ban hành quy chế vi phạm nhiều bộ luật khác...

Đáp lại, tại công văn nói trên, Bộ Thương mại khẳng định: Việc ban hành quy chế này hoàn toàn đủ căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền, dựa trên các quy phạm pháp luật hiện hành, thống nhất và đồng thuận với các quy phạm pháp luật đó. Công văn cũng còn đưa ra một loạt chứng lý để khẳng định quy chế này không áp đặt, trói buộc và can thiệp sâu hay làm khó DN, mà thực sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của họ.

Chưa biết "cuộc chiến" pháp lý giữa Bộ Thương mại và hiệp hội cùng các DN ngành thép có chấm dứt, sau khi văn bản nói trên của Bộ Thương mại được đưa ra mổ xẻ tại cuộc đối thoại giữa bộ với các DN ngành thép - dự kiến diễn ra vào ngày 23.9 tới hay không? Song qua sự việc này ngẫm thấy một số điều.

Thứ nhất, các DN VN (trong đó có DN ngành thép) đã bắt đầu ý thức rất rõ về "thương uyền" (quyền sản xuất, kinh doanh) của mình trong cơ chế thị trường. Mọi cơ chế điều hành theo kiểu mệnh lệnh, hành chính đã trở nên lạc lõng và sẽ vấp phải sự phản ứng quyết liệt của họ.

Thứ hai, các DN đã khá "chịu khó" học luật và vận dụng luật. Và để bảo vệ cho "thương quyền" của mình, họ đã dẫn ra những quy định để minh chứng là các cơ quan quản lý nhà nước đã vi phạm luật, thậm chí cho mình cái quyền đứng trên cả luật. Đó là những tín hiệu đáng mừng (ít nhất là về mặt cảm nhận) của các DN VN đang tiếp cận tới một môi trường "kinh doanh theo luật pháp".

Tuy nhiên, luật pháp không hoàn toàn vô tình. Chưa biết những chứng lý mà Bộ Thương mại đưa ra nói trên có độ chính xác và tin cậy đến mức nào, nhưng nhìn lại chính bản thân ngành thép và rộng hơn là thị trường thép trong cơn sốt hồi giữa năm ngoái thì thấy, các DN ngoài việc đòi cho mình cái quyền tự do kinh doanh còn cần phải nghĩ đến lợi ích người tiêu dùng, lợi ích cộng đồng và cao hơn là lợi ích quốc gia.

"Một thị trường hỗn loạn, mua bán vòng vèo qua nhiều tầng nấc, tuỳ tiện nâng giá, đầu cơ găm hàng, làm méo mó giá cả..."- đó là bức tranh của thị trường thép những ngày nước sôi lửa bỏng năm ngoái. Nó trở nên căng thẳng và nhốn nháo đến mức đích thân Thủ tướng Chính phủ đã phải hai lần ra văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng thiết lập lại trật tự, ban hành quy chế kinh doanh thép để ổn định thị trường.

Cơ chế thị trường có quá nhiều ưu điểm, nhiều động lực, nhưng cũng sinh ra không ít điều tệ hại. Tôn trọng tự do kinh doanh của DN, nhưng dù là ở những thị trường tự do nhất thế giới, người ta vẫn nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức, lương tâm của các doanh nhân. Nói như vậy không có nghĩa là coi "đạo đức, lương tâm" đứng trên luật pháp, mà trong bản thân luật pháp đã bao hàm "đạo đức, lương tâm" rồi. Vấn đề còn lại là thái độ ứng xử của nhà doanh nghiệp mà thôi.