Đem lại niềm tin cho những cuộc đời không may mắn
Các Website khác - 06/01/2010
Ông Cao Thế Kỷ hướng dẫn cho
chị Bùi Thị H. nghề đan rút nhựa.

Ðảng viên là những công dân gương mẫu, song với ông Cao Thế Kỷ, Bí thư Chi bộ xóm Ðá Bạc, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) còn nhận một trách nhiệm khác là giúp đỡ những người nhiễm HIV trong những lúc khốn khó nhất có việc làm, ổn định cuộc sống gia đình. Ông đã thắp lên niềm tin và hy vọng cho nhiều số phận không may mắn ở xóm núi nghèo khó này.

 

Cũng như bao chàng trai khác ở xóm Ðá Bạc ngày ấy, anh thanh niên Cao Thế Kỷ lên đường nhập ngũ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, vinh dự được gia nhập hàng ngũ của Ðảng trong những ngày cầm súng chiến đấu. Năm 1976, khi đất nước không còn tiếng súng, anh trở về quê hương, xây dựng gia đình và tham gia công tác ở địa phương. Năm 1980, ông Kỷ được tập thể chi bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm Ðá Bạc. Cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, đã có lúc ông định chuyển cả nhà vào nam sinh sống với hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo. Nhưng rồi nghĩ lại: Mình là cán bộ, đảng viên đã từng đứng vững trong khói lửa chiến tranh nay lại đầu hàng đói nghèo, bỏ bà con quê nhà mà đi, sao đành! Sau nhiều ngày đêm trăn trở, ông quyết định ở lại quê nhà cùng bà con tìm cách thoát nghèo.

 

Xóm Ðá Bạc tuy cách Hà Nội không xa nhưng là vùng khó khăn của huyện Lương Sơn. Ðất chật người đông. Ðất ruộng cấy lúa thì mỗi gia đình chỉ có một, vài sào, còn lại chủ yếu là núi đá. Ngoài làm ruộng thì chẳng có nghề phụ nào kiếm sống. Phải chăng cái tên "xóm Ðá Bạc" có xuất xứ từ đấy? Do không có việc làm, phần lớn thanh niên trong xóm phải tha phương đi làm ăn xa, hy vọng tìm vận may ở những bãi đào vàng các tỉnh phía nam. Trước tình trạng này, ông Cao Thế Kỷ đã động viên, khuyên nhủ các cháu ở lại quê nhà, chịu khó làm ăn rồi sẽ thoát nghèo, nhưng không được. Có người còn nói như "tát nước": "- Tôi ở nhà, ông có lo nổi bát cơm cho vợ con tôi được không?". Nghe vậy, ông không giận mà chỉ buồn vì chưa nghĩ ra cách gì để bà con trong xóm có thêm việc làm, ổn định cuộc sống gia đình. Mãi đến năm 2004, dù đã bước sang tuổi 52 nhưng khi nghe tin ở Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Tây cũ) có nghề mây tre đan xuất khẩu đang phát triển mạnh, có thể tạo việc làm cho nhiều người trong lúc nông nhàn, ông đã khăn gói lên đường học nghề.

 

Sau một thời gian học nghề thành thạo, lại được cơ sở nhận bao tiêu sản phẩm, ông Kỷ phấn chấn trở về quê nhà với bao hy vọng. Nhưng rồi cũng vào thời điểm đó, cơn bão "ết" (AIDS) đã tràn đến xóm Ðá Bạc quê ông. Hàng chục thanh niên trong làng đi làm ăn xa vì nhiều lý do khác nhau đã nhiễm HIV. Rồi nhiều người cũng vô tình truyền bệnh cho vợ và lặng lẽ ra đi để lại người vợ bệnh tật cùng những đứa con thơ dại. Cả xóm Ðá Bạc như có "đại tang", mọi người hoang mang, ngơ ngác chẳng hiểu sự thể ra sao. Nhưng tội nghiệp vẫn là vợ, con những người nhiễm HIV, họ bị kỳ thị, cô lập dẫn đến mặc cảm, buông trôi cho số phận. Không nỡ để họ sống trong cô đơn, tuyệt vọng, ông Kỷ tự nhủ, phải tìm cách giúp họ lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Qua tìm hiểu trên sách báo, ông Kỷ biết được nhiễm HIV không đến mức "khủng khiếp" như mọi người trong xóm vẫn hiểu. Ðiều quan trọng nhất là phải biết cách phòng chống, không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Cuộc sống của những người nhiễm HIV không chỉ khó khăn về kinh tế mà luôn bất ổn về tinh thần. Vì vậy, tạo thêm việc làm cho họ là cực kỳ quan trọng. Vì chỉ có như vậy mới giúp họ xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. Từ đó, trong các buổi họp chi bộ ông chủ động đề xuất việc giúp đỡ những người nhiễm HIV. Trong khi mọi người còn phân vân chưa tìm được cách giúp đỡ sao cho có hiệu quả, ông Kỷ lại lặn lội tìm đến những cơ sở làm mây tre đan ở Phú Nghĩa trình bày lý do và xin nhận thêm hàng cho người nhiễm HIV cùng làm. Hầu hết các cơ sở đều ủng hộ ý tưởng tốt đẹp của ông, nhưng vẫn yêu cầu sản phẩm phải bảo đảm đúng yêu cầu kỹ thuật.

 

Có hàng rồi nhưng lại nảy sinh một khó khăn mới. Ðó là nhiều người vẫn còn hoài nghi về việc làm của ông với nhiều lý do. Mặc dù ông đã đến từng nhà có người nhiễm HIV để vận động họ đi học nghề, nhưng vẫn có người bảo: - Toàn những người ốm đau, bệnh tật như thế này thì học và làm nghề này sao được. Mà học xong rồi liệu có việc làm không? Song không vì thế mà ông nản, bởi ông hiểu được tâm trạng của họ. Ông huy động những người trong gia đình làm trước. Kết quả, sau mỗi đợt trả hàng, mỗi hộ có thu nhập bốn, năm trăm nghìn đồng là chuyện thường. Ðược thuyết phục bằng thực tế, nhiều người nhiễm HIV đã đến xin việc làm và được ông tận tình dạy nghề, cho đem hàng về làm ở nhà. Thời gian đầu chưa quen nên sản phẩm có lỗi phải sửa lại, thậm chí hỏng, bị chủ hàng trả lại không có tiền công và còn phải đền giá trị nguyên liệu. Không nỡ "bắt vạ" những người làm, ông cố gắng sửa lại. Không sửa được thì bỏ tiền túi ra đền. Những lúc như vậy ông thường động viên vợ con: - "Làm vậy, bát cơm của nhà mình chỉ vơi đi một chút, nhưng với người đang mắc bệnh nếu bị trừ tiền công, họ chẳng biết trông cậy vào đâu, có thể họ sẽ bỏ nghề rồi lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn không lối thoát!". Cảm động trước tấm lòng của ông, gần 20 gia đình có người nhiễm HIV ở Ðá Bạc đều "đến bác Kỷ xin việc làm", ổn định cuộc sống gia đình.

 

Gần đây nghề đan mây tre xuất khẩu có xu hướng giảm, ông Kỷ lại chủ động tìm nghề đan rút dây nhựa vào khuôn sắt (một loại bán thành phẩm để làm bàn ghế ngoài trời) về cho chị em. Chị Bùi Thị H. năm nay 25 tuổi, bị nhiễm HIV từ chồng, tâm sự:

 

- Chồng mất đã mấy năm nay, cuộc sống của hai mẹ con rất cơ cực. Cũng may được bác Kỷ dạy nghề đan lát, tạo việc làm ngay tại nhà nên cuộc sống cũng bớt khó khăn. Bản thân mình cảm thấy tự tin hơn. Với em, nguồn thu nhập như thế cũng tạm đủ trang trải cho hai mẹ con qua ngày. Tương tự, chị Nguyễn Thị Th. Ở cuối xóm có chồng vừa mất vì AIDS cách đây chưa đầy tháng cho biết, cả hai anh chị đều làm hàng cho bác Kỷ. Công việc này mỗi tháng chị cũng kiếm thêm được cho gia đình 700 -800 nghìn đồng. Anh mất để lại cho chị hai đứa con nhỏ dại. Chị bảo, vài bữa nữa cho tinh thần ổn định thì em cũng học nhận đan rút nhựa của bác Kỷ. Bây giờ mình bị bệnh không có sức khỏe thì làm công việc như thế này là thích hợp.

 

Bí thư Ðảng ủy xã Liên Sơn Lưu Hữu Toán cho biết, đồng chí Cao Thế Kỷ là tấm gương tiêu biểu trong đảng bộ. Qua những việc làm đậm tính nhân văn của đồng chí Kỷ, đã làm chuyển đổi nhận thức và cách đối xử của người dân địa phương đối với những người có HIV. Từ đó huy động mọi lực lượng trong cộng đồng cùng chăm sóc, sẻ chia với những người không may mắn bị nhiễm HIV. Ðược sự tư vấn và hỗ trợ của Hội Phụ nữ xã, xóm Ðá Bạc đã thành lập câu lạc bộ (CLB) "Cùng chia sẻ", đến nay đã có hơn 60 thành viên tham gia bao gồm người có HIV, người thân của những người có HIV và bà con trong xóm. Với cương vị là Bí thư Chi bộ, đồng chí Kỷ luôn chủ động phối hợp với trưởng xóm duy trì CLB hoạt động có hiệu quả, làm cho CLB trở thành ngôi nhà chia sẻ tình thương và thắp lên niềm hy vọng cho những người có HIV. Hoạt động của CLB được nhiều tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế đến thăm, tặng quà. Thông qua sự giúp đỡ của các lực lượng trong xã hội, CLB đã tổ chức xây bốn ngôi nhà tình thương cho ba anh Thịnh, Tuấn, Kiều và chị Quyết, là những thành viên có khó khăn về nhà ở. Những thành viên khác được hỗ trợ máy tuốt lúa, máy khâu, bò giống... để sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Tháng 8-2008, em Bùi Thị Hiền là thành viên của CLB được chọn đi tham dự Hội nghị toàn cầu về AIDS tại Mê-hi-cô. Sự kiện đó càng làm cho những người nhiễm HIV ở xóm Ðá Bạc thêm vững tin vào cuộc sống. Bởi họ không chỉ được trang bị những kỹ năng phòng, chống bệnh an toàn mà còn được hòa nhập cộng đồng. Những cố gắng của họ dù còn khiêm tốn nhưng được xã hội trân trọng.

 

Bài, ảnh: NGỌC OANH và VIỆT LÂM