Làm gì để người lao động yếu thế tiếp cận được các dịch vụ xã hội ?
Các Website khác - 24/10/2009
 
Doanh nghiệp cần tiếp nhận và tích cực tham gia đào tạo nghề cho người khuyết tật (nhóm người yếu thế).
(VH)- Hiện nay, vẫn còn một bộ phận người lao động và nhóm người yếu thế chưa thật sự tiếp cận được sự tiến bộ của các dịch vụ xã hội như khám chữa bệnh, đào tạo nghề, giải quyết việc làm...

Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo “Các tiêu chuẩn Quốc tế về dịch vụ xã hội đối với người lao động và nhóm yếu thế - Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam” do Bộ LĐ, TB&XH và Cơ quan Hợp tác quốc tế Tây Ban Nha (AECI) vừa tổ chức tại TP.HCM.

Cần có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp

Được sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Tây Ban Nha (AECID), Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai dự án “Kế hoạch việc làm cho người khuyết tật và nhóm người dễ bị tổn thương khác tại các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên thông qua dạy nghề và hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật” đến các đối tượng người khuyết tật, phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số,... Tuy nhiên, theo ông Lê Gia Tiến - Phó ban Công tác xã hội Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, sau gần 3 năm triển khai dự án cho thấy việc đào tạo nghề cho nhóm người khuyết tật đã khó, giải quyết việc làm ổn định cho họ còn khó hơn. Bởi không ít doanh nghiệp quan niệm rằng, nhận người khuyết tật vào có thể ảnh hưởng không tốt đến việc kinh doanh sản xuất của mình, ngay cả những cơ quan hành chính sự nghiệp của Nhà nước còn có tâm lý do dự trong việc tuyển dụng người khuyết tật. Như vậy, người khuyết tật và nhóm người yếu thế một lần nữa bị phân biệt đối xử. Vì vậy, để giải quyết việc làm bền vững cho các đối tượng nói trên cần có sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể là kêu gọi các doanh nghiệp cộng tác dạy nghề, ký thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ. Ngược lại, Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng tiếp cận của người khuyết tật.

Chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo nghề cho nhóm người dễ bị tổn thương là người nghiện sau cai, người nhiễm HIV/AIDS. Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề cho người khuyết tật và nhóm người dễ bị tổn thương khác. Kết quả là đã thành lập được liên minh người sử dụng lao động cam kết tiếp nhận và sử dụng người lao động là người khuyết tật, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS đã qua đào tạo nghề. Chính sự liên minh của cộng đồng doanh nghiệp cam kết sử dụng lao động thuộc nhóm người yếu thế là cơ sở vững chắc để họ sớm hòa nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Đức Hoán - Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật, cũng cho rằng, cần thúc đẩy doanh nghiệp tiếp nhận lao động là người khuyết tật vào làm việc tại doanh nghiệp mình, hoặc nộp tiền vào Quỹ việc làm cho người khuyết tật đối với những doanh nghiệp nhận người khuyết tật ít hơn tỷ lệ quy định.

Những rào cản xã hội cần được xóa bỏ

Ông Lê Gia Tiến cho biết, sau gần 3 năm thực hiện, dự án chỉ đào tạo nghề cho 526 trường hợp, điều đáng nói ở đây là tỷ lệ người khuyết tật được đào tạo nghề chỉ chiếm 18%, trong khi đối tượng chính mà dự án hướng đến là người khuyết tật. Lý giải về vấn đề này, ông Tiến cho biết, trong quá trình vận động, tập hợp và tuyển chọn các đối tượng nói trên gặp rất nhiều khó khăn. Một phần do những người làm công tác nói trên còn hạn chế về năng lực, nhưng trở ngại lớn nhất là tâm lý tự ti, mặc cảm của chính các đối tượng nói trên. Bản thân họ muốn che giấu hoàn cảnh của mình, chưa thật sự đối mặt chấp nhận thực tế để phấn đấu vươn lên.

Chính vì thế, ông Tiến cho rằng, cần có sự tư vấn mạnh mẽ về tâm lý để xóa bỏ sự tự ti, mặc cảm và những định kiến trong xã hội. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ trang thiết bị đến những đối tượng nói trên không phải là dễ. Phần lớn trình độ nhận thức của họ còn hạn chế nên khó có thể tiếp cận được các trang thiết bị kỹ thuật.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Hoán cho rằng, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn kỹ thuật, sức khỏe và cả tâm lý xã hội là những rào cản thực sự đối với người khuyết tật, nhóm người yếu thế trong quá trình tìm việc làm, tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề,... dẫn đến những khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Ông Đỗ Văn Du - Tổ chức CRS cũng cho rằng sự phân biệt, kỳ thị trong đối xử đối với người khuyết tật và nhóm yếu thế ở Việt Nam còn nặng nề. Do đó, cần phải thay đổi  cách nhận thức và đối xử như hiện nay.

Hoàng Hải