Điều phân vân của Chủ tịch Quốc hội Đình Chúc Phát biểu tại phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư (ĐT) sáng 5.11, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã đặt một câu hỏi: "Cơ quan soạn thảo nói luật này thông thoáng, cởi mở hơn luật cũ, thậm chí ưu đãi hết mức, nhưng tại sao các nhà ĐT lại thích luật cũ hơn luật mới?". Rồi Chủ tịch đặt vấn đề: "Ta nói là do dịch thuật không tốt thành ra các nhà ĐT không hiểu mình, nhưng tôi nghĩ nhà ĐT họ nghiên cứu kỹ lắm, tôi chỉ lo mình không hiểu hết ý người ta!". Và Chủ tịch Nguyễn Văn An đề nghị: "Trước khi thông qua luật này phải hỏi ý kiến trực tiếp các nhà ĐT ". Quả là một cách đặt vấn đề hết sức dung dị nhưng không kém phần sâu sắc và thấm thía. Chúng ta làm luật là để phục vụ các đối tượng bị điều chỉnh là chính (cụ thể ở luật này là các nhà ĐT) chứ không chỉ phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước. Luật mới chắc chắn phải thông thoáng cởi mở hơn luật cũ. Vậy nếu thực sự luật mới thông thoáng hơn thì chả có cơn cớ gì các nhà ĐT lại mong giữ mãi trên đầu mình cái "vòng kim cô"- những thứ luật lệ, giấy tờ phiền phức từ luật cũ mang lại. Mặc dù Bộ trưởng Bộ KH & ĐT Võ Hồng Phúc đã giải trình khá thuyết phục một số vấn đề nổi cộm mà các nhà ĐT (đặc biệt là các nhà ĐT nước ngoài) tỏ ra "không hiểu", nhưng trong phần thảo luận dự án luật này vào chiều 4 và sáng 5.11, không ít ĐBQH vẫn tỏ ra băn khoăn khi đặt các câu hỏi: Vì sao dự án vẫn chưa dứt bỏ suy nghĩ "nhất cử nhất động mọi dự án đều phải đăng ký"? Tại sao còn quy định chưa rõ ràng, còn những quy định trái với Luật Doanh nghiệp? Không chỉ có các ĐBQH, nhiều nhà kinh tế, nhà nghiên cứu cũng tỏ thái độ không đồng tình. Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - bà Phạm Chi Lan - thẳng thắn: "Dự thảo luật không đáp ứng được yêu cầu huy động tối đa mọi nguồn lực, nó vẫn làm tăng thêm thủ tục với các nhà đầu tư, tăng thêm "quản lý nhà nước" với mọi loại hình ĐT ". Song quan ngại hơn là không phải những bất cập này các cơ quan soạn thảo và cơ quan quản lý nhà nước không biết. Vẫn theo bà Phạm Chi Lan, thì hơn 1 năm qua, các hiệp hội, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu các dự thảo và tài liệu liên quan, trao đổi, phân tích các ý kiến, viết nhiều bản đóng góp gửi các cơ quan có trách nhiệm, vậy mà đáng tiếc phần lớn những ý kiến đó đã không được xem xét nghiêm túc. "Không biết phải hỏi cử tri - cử tri ở đây là các nhà đầu tư, cử tri cái gì họ cũng biết, người này không biết thì người kia biết"- Cũng vẫn là lời đề nghị giản dị của Chủ tịch QH Nguyễn Văn An. Và Chủ tịch nói như tâm tình: "Những điều luật mà mình bàn đều điều chỉnh đến họ, nên mình phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của họ". Cầu thị lắng nghe là điều thực sự cần để bất cứ điều luật nào đều có sức sống và tạo được tác động tích cực đối với đời sống xã hội. |
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Người dân mất cảnh giác (04/11/2005)
▪ Chim cảnh trước "cơn bão" cúm gia cầm (04/11/2005)
▪ Sốt thuốc Tamiflu ở TP Hồ Chí Minh (04/11/2005)
▪ Tuổi vàng nữ trang hạ chuẩn, khách hàng thiệt (05/11/2005)
▪ Nguyễn Thái Học, phố văn hóa đêm ở Hà Nội (05/11/2005)
▪ Phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp đổi mới (04/11/2005)
▪ Về định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong xây dựng đất nước ta hiện nay (04/11/2005)
▪ Công tác cứu hộ nhìn từ Huế (05/11/2005)