Đổ xô thi lấy bằng ôtô trước kỳ sát hạch tự động
Các Website khác - 16/03/2006
Thi lái xe trong sân. Ảnh: Đ.L.

Từ 1/4, học viên lái xe ôtô trên toàn quốc sẽ phải dự thi sát hạch theo hệ thống chấm điểm tự động cả lý thuyết và thực hành, thay cho cách chấm điểm thủ công trước đây. Trước giờ G, các trung tâm sát hạch khá sôi động vì số thí sinh dự thi tăng đột biến.

Tại cơ sở thi cấp giấy phép lái xe thuộc Trường dạy nghề số 10 (huyện Thạch Thất, Hà Tây) ngày 15/3, hàng trăm thí sinh bồn chồn, lo lắng chờ đợi dự thi. Khi thi xong, họ lại mang tâm trạng khác, người vui vì đậu, kẻ buồn khi biết đã bị đánh trượt.

Anh Nguyễn Việt, một thí sinh Hà Tây, cho hay, anh đến điểm thi từ 7h sáng để chờ đợi phần thi lái xe trong sân. Khi đến cũng có nhiều người từ Hà Nội lặn lội lên. "Tôi quyết tâm thi tốt lần này, nếu thi lại sang tháng sau thì khổ. Nghe nói thi chấm điểm tự động sẽ khó hơn nhiều", anh Việt nói.

Trước đây, mỗi ngày tại cơ sở sát hạch có 100-130 người dự thi, nhưng những ngày này có tới 150-200 người đăng ký. Cá biệt đợt thi ngày 15/3 có 260 người dự thi phần thực hành trong sân. Theo ông Hồ Ngọc Công, chỉ huy sân sát hạch, chưa hết tháng 3 mà đã có 1.600 người đến dự thi, trong khi các tháng trước chỉ khoảng 1.300 người.

Để có được tấm bằng, học viên phải đóng 2,1 triệu đồng tiền học phí, chưa kể tiền thuê xe học thêm và tốn thời gian đến lớp trong 3,5 tháng. Học xong, họ phải chờ 4-5 tháng để được dự sát hạch lấy bằng. Khi sát hạch, ngoài lệ phí 380.000 đồng, thí sinh mất 1 ngày để dự thi. Nếu thi trượt thì phải thi lại.

Chờ đợi đến lượt thi. Ảnh: Đ.L.

Lý do đổ dồn đến cơ sở thi trong thời gian này là do các trường đạo tào ngừng đưa học sinh đi sát hạch sau dịp Tết. Ngoài ra, tâm lý lo ngại thi trên hệ thống điện tử khiến nhiều người đổ xô thi sát hạch. Trong đó, nhiều người đã thi trượt các tháng trước cũng cố thi lại trong thời điểm này. Anh Việt Hồng, một thí sinh Hà Nội, cho hay, anh thi trượt phần thực hành vào tháng 12/2005. Khi biết tháng tới sẽ phải thi lại trên hệ thống tự động, anh nộp đơn dự thi trong tháng 3. "Mấy hôm trước, tôi phải vượt 50 km lên đây thuê xe tập với giá 120.000 đồng trong một giờ", anh Hồng nói.

Ông Hồ Ngọc Công cũng thừa nhận, đang có tình trạng thí sinh đổ xô dự thi trước ngày 1/4. Số thí sinh tăng cao, song cơ sở này vẫn đáp ứng. Tuy nhiên, thời gian thi sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa thí sinh phải chờ đợi lâu hơn mới đến lượt mình.

Theo ông Công, lý do thi trên hệ thống chấm điểm tự động sẽ khó hơn là không có cơ sở. Bài thi vẫn như trước đây, chỉ khác là người chấm thi sẽ chuyển sang máy. Khi thí sinh lái xe trong sân sẽ được đánh giá theo bộ phận cảm ứng đặt trong xe và đường đi. Nếu thí sinh lái xe đè lên vạch sơn, hệ thống điện tử sẽ trừ điểm.

Theo ông Nguyễn Xuân Tân, Trưởng phòng quản lý phương tiện giao thông, Sở Giao thông công chính Hà Nội, thí sinh Hà Nội sẽ không phải đi ra các tỉnh khác dự thi sát hạch. Hai cơ sở lớn thuộc Sở Giao thông công chính đang đầu tư trang thiết bị chấm điểm tự động đạt tiêu chuẩn trung tâm sát hạch loại 2, đáp ứng nhu cầu của hơn 2.000 thí sinh trong mỗi tháng hiện nay. Việc sát hạch tự động trên máy tính tại Hà Nội sẽ áp dụng từ 15/4.

Ngoài ra, phần thi lái xe đường trường khoảng 2 km sẽ không thay đổi, nghĩa là vẫn có cán bộ chấm thi giám sát. Theo ông Công, khoảng 70% thí sinh đã đỗ trong lần thi lái xe trong sân sẽ đỗ tại phần thi này. Do vậy, khó có khả năng tiêu cực tại phần thi đường trường.

Trong trường hợp máy chấm thi có trục trặc, cơ sở sát hạch sẽ huỷ bỏ kết quả và tổ chức thi lại ngay trong ngày. Trường dạy nghề số 10 đã đầu tư 4 tỷ đồng cho hệ thống chấm điểm tự động.

Ông Nguyễn Viết Tuấn, Hiệu trưởng Trường dạy nghề số 10, cũng khẳng định, giáo trình học lái xe không thay đổi bởi vẫn thích ứng tốt với phương pháp thi mới. "Còn việc thí sinh phải thuê xe thực hành thêm là do năng lực của từng người. Trước khi thi, các cơ sở đã kiểm tra chặt chẽ để cấp chứng chỉ cho thí sinh nên đầu ra đã đảm bảo", ông Tuấn nói.

Đoàn Loan