Đổi mới công tác cai nghiện tại Nam Định
Báo Tiếng chuông - 15/03/2017
Thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy, trong những năm qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện, bao gồm điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và điều trị nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện.

Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở điều trị nghiện

Ông Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nam Định cho biết, tính đến ngày 31/12/2016, toàn tỉnh Nam định có 3.520 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Số người được cai nghiện bằng các hình thức là 2.437 người  (chiếm 75% số người có hồ sơ quản lý). Trong đó, số người được cai nghiện tại các cơ sở trên địa bàn là 2.137 người (1.800 người đang điều trị bằng Methadone, 250 người cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án là 87 người), còn lại là cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.

 

Ông Đỗ Đức Nguyên, Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Nam Định

 

Từ năm 2013, Nam Định có 2 Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội thực hiện chức năng cai nghiện bắt buộc. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Nam Định, đã giải thể một Trung tâm cai nghiện bắt buộc và bổ sung nhiệm vụ, chuyển đổi Trung tâm còn lại thành cơ sở cai nghiện ma túy đa chức năng. Hai trung tâm cai nghiện ma túy cấp huyện cũng được chuyển đổi thành cơ sở điều trị đa chức năng bao gồm điều trị nghiện bằng thuốc thay thế Methadone. Toàn tỉnh cũng đã thành lập 7 cơ sở điều trị Methadone và xây dựng 1 điểm tư vấn điều trị nghiện.

Ông Đỗ Đức Nguyên cho biết, khi chuyển đổi mô hình cai nghiện, Nam Định cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu kinh phí để xây dựng, chuyển đổi cơ sở vật chất (đặc biệt với các cơ sở đa chức năng); kinh phí hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện; trình độ cán bộ y tế chưa đáp ứng được nhu cầu.

Tuy nhiên, nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi để đáp ứng thực tế, tỉnh Nam Định đã tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính. Đầu tiên là tận dụng các cơ sở vật chất sẵn có và có hướng để đầu tư trên nguồn kinh phí từ Trung ương để tiếp tục chuyển đổi và hoàn thiện cơ sở vật chất. Tiếp đến, tập trung nguồn lực để đào tạo lại cho các cán bộ ở các cơ sở theo chuẩn mới của ngành lao động, y tế. Đồng thời phối hợp tuyên truyền cho người dân, người nghiện, gia đình người nghiện và chính cán bộ cơ sở về việc chuyển đổi để cam kết triển khai. Bên cạnh đó, huy động nguồn lực xã hội từ chính gia đình người nghiện cũng như từ các tổ chức xã hội trên địa bàn.

Ông Đỗ Đức Nguyên cho biết, Nam Định phấn đấu đến năm 2020, 90% người nghiện sẽ được điều trị bằng các hình thức khác nhau.

Hiện người điều trị nghiện tự nguyện tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định được hỗ trợ toàn bộ tiền thuốc, tiền khám và chữa bệnh và 50% tiền ăn hàng ngày. Đối với người thuộc đối tượng chính sách, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí thuốc điều trị, tiền ăn.

Tăng cường cai nghiện tại gia đình, cộng đồng

Tại Nam Định, tất cả các xã, phường, thị trấn của huyện có người nghiện ma túy đã thành lập Tổ công tác cai nghiện. Trong đó, công an địa phương cùng với các cán bộ xã hội, Hội cựu chiến binh là lực lượng tích cực đi đầu trong các hoạt động của Tổ công tác cai nghiện.

 

Học viên cai nghiện tại một cơ sở

 

Quá trình tổ chức cho người nghiện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng của Tổ công tác cai nghiện thực hiện qua 5 nội dung: tiếp cận cộng đồng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, vận động đối tượng tự giác cai nghiện, tư vấn lập hồ sơ cai nghiện; điều trị cắt cơn giải độc; giáo dục phục hồi hành vi nhân cách; tạo việc làm, kết nối các dịch vụ dạy nghề tạo việc làm.

Tùy từng người nghiện cụ thể, Tổ công tác phân công thành viên tiếp cận lần đầu. Người được phân công là người dễ dàng tiếp cận với người nghiện, thấu cảm với người nghiện, đưa ra được cách giải quyết vấn đề của người nghiện, được gia đình họ đồng thuận với cách giải quyết và cam kết hợp tác thực hiện.

Quá trình cai nghiện, đầu tiên là điều trị cắt cơn giải độc. Gia đình có trách nhiệm bố trí phòng cách ly, trong đó có sẵn các đồ dùng sinh hoạt, vệ sinh cho người cai nghiện; kiểm tra kỹ các đồ dùng cá nhân của họ, loại trừ các chất ma túy. Trạm y tế xã cung cấp thuốc hỗ trợ cắt cơn làm cho người cai đỡ đau đớn và ngủ sâu, sau đó theo dõi tình hình sức khỏe người cai trong suốt thời gian cắt cơn (1-3 tuần).

Người thân trong gia đình thường xuyên bên cạnh người cai để động viên người cai, quan tâm chăm sóc về dinh dưỡng, thực hiện các biện pháp tâm lý, vật lý trị liệu giúp người cai bớt đau đớn, lo âu, vượt qua hội chứng cai.

Cán bộ Tổ công tác cai nghiện và các hội, đoàn thể phân công có mặt thường xuyên để động viên người cai và gia đình. Trường hợp gia đình không thể bố trí được phòng riêng, có thể liên hệ với xã, phường đã đưa người nghiện đến cơ sở tập trung để cắt cơn, sau đó đưa về gia đình.

Tùy điều kiện cụ thể của địa phương và từng người, Tổ công tác cai nghiện tổ chức cho người sau cai tham gia các hoạt động thể dục thể thao, vui chơi giải trí.

Sau đó, gia đình, bản thân người sau cai nghiện chủ động quyết định chọn nghề và hình thức học nghề phù hợp. Tổ công tác cai nghiện tham gia góp ý để người cai nghiện chọn nghề, hình thức học phù hợp với bản thân người sau cai, đảm bảo yêu cầu quản lý, giám sát và cách ly họ với môi trường có ma túy.

Chính quyền địa phương, các cơ quan, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã tạo điều kiện thuận lợi cho người sau cai tìm việc làm. Nếu gia đình người sau cai có nhu cầu vay vốn được ưu tiên vay từ ngồn vốn tín dụng giải quyết việc làm của các hội, đoàn thể. Nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn đã ưu tiên tiếp nhận, tạo điều kiện ủng hộ những người có nhu cầu tìm việc làm tại cộng đồng (trông xe, bảo vệ; sửa chữa xe đạp..).

Công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi nhờ nhận thức của xã hội về vấn đề nghiện ma túy. Điều trị nghiện ma túy và tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nam Định đã tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội trong công cuộc phòng, chống ma túy, cùng tạo điều kiện để giúp đỡ người nghiện từ bỏ ma túy để làm lại cuộc đời, tái hòa nhập cộng đồng.

Công tác điều trị nghiện ma túy đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Những năm qua, các tụ điểm nóng về ma túy được triệt phá, tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, tạo môi trường trong sạch cho các học viên cai nghiện ma túy trở về tái hòa nhập cộng đồng…

Từ năm 2011, Nam Định đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho hơn 1.500 lượt người tương đương 32% tổng số người nghiện ma túy được điều trị, trung bình mỗi năm tổ chức cai nghiện cho 304 người. Kết quả này đã góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn trật tự an ninh-chính trị trên địa bàn tỉnh.