Tiến sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Ðức, cho biết: đối với chúng tôi ngày lễ, ngày Tết cũng như ngày thường, 24/24 giờ đều có bác sĩ và nhân viên hoạt động. Kế hoạch, phân công ca trực, tua trực trong mấy ngày Tết được thông báo đến từng khoa, phòng, bộ phận từ ngày 25 tháng Chạp, bệnh viện tiếp tục mổ phiên đến ngày 28 Tết. Năm nay còn khoảng 200 người bệnh nặng ở lại bệnh viện, đêm giao thừa, bệnh viện tổ chức chúc Tết cán bộ, nhân viên, thăm hỏi người bệnh.
Tết này, Bệnh viện Việt-Ðức tặng 100 suất quà (trị giá 50 nghìn đồng/suất) cho các trường hợp người bệnh nghèo, khó khăn phải ở lại Tết. Ngoài việc bố trí hơn 120 cán bộ, nhân viên trực hằng ngày, hai đội cấp cứu lưu động ngoại viện cũng được tổ chức, phân công người cụ thể và sẵn sàng đáp ứng khi có tình huống xảy ra.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Cao Ðộc Lập, Chủ nhiệm Khoa khám bệnh, cấp cứu cho biết: Ngày thường khoa phải tiếp nhận và xử lý hơn 150 ca cấp cứu các loại chấn thương, riêng ngày mồng 2, mồng 3 Tết năm nay, tuy ít hơn chúng tôi cũng phải cứu chữa hơn 100 trường hợp, trong đó phần lớn do tai nạn giao thông từ các địa phương chuyển về.
Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, chiều 31-1 (mồng 3 Tết), bác sĩ Nguyễn Viết Tiến, giám đốc bệnh viện, chuyên gia về lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm, trao đổi: năm 2005, cùng với việc tiếp nhận khám và tư vấn nạo hút thai cho hơn 400 người/ngày, bệnh viện phục vụ, chăm sóc cho khoảng 40 - 50 trẻ sơ sinh chào đời/ngày đêm (trong đó không ít ca phải mổ cấp cứu); riêng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, chúng tôi thực hiện được 700 trường hợp (tỷ lệ thành công đạt khoảng 30%).
Mọi hoạt động ở đây diễn ra như ngày thường. Một bác sĩ ở phòng đẻ cho biết: đêm 30 Tết cũng có hơn mười sản phụ "vượt cạn", còn ngày mồng một, mồng hai Tết, trung bình có 30 trẻ cất tiếng khóc chào đời tại đây. Người thầy thuốc ở bất cứ bệnh viện nào cũng đều vất vả vì sức khỏe và tính mạng người bệnh nhưng vất vả hơn vẫn là cán bộ, điều dưỡng viên phục vụ ở các phòng đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh. Xác định được như vậy nên ngày Tết, dù phải vắng mặt trong không khí sum vầy bên mâm cỗ gia đình, nhưng người bác sĩ, hộ lý ngành sản khoa lại phấn chấn, mừng vui khi trao tay nhau những đứa trẻ đang cất tiếng khóc chào đời.
Tại Bệnh viện Giao thông vận tải 1 - Hà Nội (thuộc Bộ Giao thông vận tải), từ năm 2000 trở lại đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự năng động của Ban giám đốc bệnh viện, hoạt động của đơn vị khởi sắc nhờ có trang thiết bị hiện đại, nhất là từ khi Khoa Thận nhân tạo ra đời.
Tiến sĩ Nguyễn Tất Thắng, Phó Giám đốc kiêm Chủ nhiệm Khoa Thận nhân tạo, cho biết: Do khó khăn về diện tích mặt bằng, bệnh viện chỉ kê được 20 máy, phục vụ gần 120 người bệnh lọc máu. Ngày Tết, tạo điều kiện cho các trường hợp ở xa, khoa ưu tiên cho chạy trước, còn những người ở lân cận Hà Nội thì chạy ca cuối. Vì đặc thù công việc, bác sĩ, kỹ thuật viên và nhân viên Khoa Thận nhân tạo ở đây chỉ được nghỉ ngày mồng 1 Tết, còn các ngày sau hoạt động bình thường.
Anh Nguyễn Khắc Lạc, con trai bà cụ Vời, thổ lộ: gia đình chuyển cụ từ một bệnh viện khác về chạy thận ở đây đã ba tháng. Máy móc, thiết bị mới, cộng với thái độ ứng xử niềm nở của các cán bộ, nhân viên bệnh viện nên sức khỏe của mẹ tôi tiến triển tích cực. Gia đình ở Thái Bình, nên khoa bố trí cho cụ chạy thận vào ngày 29 tháng Chạp, chúng tôi đón cụ về cùng con cháu mấy ngày Tết, mồng 2 Tết lại tiếp tục đưa bà lên đây điều trị...
Ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, theo bác sĩ Hồ Ðức Hải, Giám đốc bệnh viện, trong ba ngày Tết vẫn còn hơn 160 người bệnh nặng ở lại. Ðêm giao thừa, lãnh đạo bệnh viện đi chúc Tết các khoa, phòng; đồng thời tặng quà các trường hợp bệnh nặng và gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn (50 nghìn đồng/suất). Nhân lực của bệnh viện chỉ giảm 30% so với ngày thường, số còn lại ở 27 khoa, phòng đều được phân công vào các ca trực. Ðêm giao thừa cũng như ngày mồng 2, mồng 3 Tết, đội ngũ thầy thuốc ở đây đã xử lý hơn 40 ca cấp cứu do tim mạch, tai nạn giao thông, ngộ độc rượu. Ngoài ra, bệnh viện cũng dành 30 giường trong tư thế sẵn sàng cho công tác phòng, chống bệnh cúm A/H5N1 ở người.
Xuân về, đội ngũ thầy thuốc trong các bệnh viện, cơ sở y tế vẫn âm thầm, lặng lẽ vì sức khỏe người bệnh, góp phần làm yên lòng cho bao gia đình đón Tết, vui xuân...
|