Du xuân Ðà Lạt trên xe lửa
Các Website khác - 27/01/2006
Ga Đà Lạt.
Ga Đà Lạt đã được xây dựng gần 70 năm. Mới đây, ngành du lịch Lâm Đồng đã phục hồi sân ga này và đưa vào sử dụng phục vụ khách du lịch.

Năm 1908, dự án đường sắt Tháp Chàm - Ðà Lạt bắt đầu khởi công xây dựng. Năm 1922, kỹ sư Porter của Công ty thầu khoán châu Á được ủy nhiệm việc nghiên cứu làm đoạn đường xe lửa răng cưa Krongpha - Dran theo kiểu Thụy Sĩ.

Theo tạp chí Ðông Dương do nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Tranh sưu tập, đây là đoạn đường sắt độc đáo nhất Ðông Dương hồi đó, từ việc thiết kế, thi công cho đến thưởng ngoạn khi đã hoàn thành. Ðể có 16km đường răng cưa từ Krongpha đến Eo Gió, phải vượt lên độ cao 1.000km với độ dốc 12%, đục ba hầm xuyên núi vẫn ở độ dốc đó và những chiếc cầu thoát nước nằm ở trên... đầu đoàn tàu, hàng vạn công nhân mộ về từ khắp nơi trong nước cùng với đội ngũ kỹ thuật viên người Thụy Sĩ và Pháp đã phải thi công bằng phương pháp thủ công ròng rã trong mười năm trời. Rất nhiều năm sau đó, toàn bộ tuyến đường mới hoàn chỉnh với chiều dài 84km. Những tư liệu trên đã trở thành "hóa thạch" như những hồi ức đầy ý nghĩa về một thời quá vãng...

Nói đến đường sắt Tháp Chàm - Ðà Lạt mà nay là đoạn đường ngắn Ðà Lạt - Cầu Ðất dài 7km đã được phục hồi sử dụng, đầu tiên phải nói đến là nhà ga Ðà Lạt. Ðây là một trong hai công trình kiến trúc ở Lâm Ðồng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Ga Ðà Lạt gắn liền với tên tuổi của kiến trúc sư người Pháp Moncet. Moncet, người chủ trì thiết kế và thi công cùng đồng nghiệp của ông là Revenron.

Công trình khởi công năm 1932, đến năm 1938 mới chính thức khánh thành. Nhà ga dài 66,5m, ngang 11,4m và cao 11m. Các kiến trúc sư đã mượn hình tượng dãy núi Langbian - biểu tượng của các dân tộc thiểu số Lâm Ðồng - làm điểm tựa cho những ý tưởng sáng tạo mang dấu ấn châu Âu của mình. Phong cách kiến trúc in đậm nét lên toàn bộ tòa nhà là bố cục đăng đối giữa các phần. Ba vòm mái của nhà ga với mái ngói nhô cao, tạo nên vẻ đẹp vừa cân đối, vừa hùng vĩ và đều nhìn được từ cả mặt trước và sau của nhà ga. Tất cả toát lên một vẻ khoáng đạt, thanh thoát.


Đầu máy xe lửa cũ.

Ga Ðà Lạt hiện còn lưu giữ là chiếc đầu máy hơi nước chạy bằng than củi, do Nhật Bản sản xuất năm 1936. Trước đây, nhà ga có ba đầu máy loại này nhưng cách đây hơn chục năm, hai chiếc đã được Bảo tàng Xe lửa của Thụy Sĩ, bảo tàng xe lửa duy nhất trên thế giới, mua lại. Hiện ga cũng còn hai đầu máy chạy bằng hơi nước do Liên Xô (cũ) sản xuất trước những năm 60 của thế kỷ trước đang được sử dụng vận chuyển hành khách.

Suốt một thời gian khá dài, ga Ðà Lạt dường như bị lãng quên trong hoang phế do việc vận chuyển khách đến và ở Ðà Lạt hầu hết đều bằng ô-tô. Mãi đến cuối thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi Công ty Du lịch Lâm Ðồng đưa nhà ga vào danh sách điểm khai thác du lịch của thành phố thì địa chỉ này mới được hồi sinh. Cách đây gần một năm, UBND tỉnh Lâm Ðồng lại có văn bản đồng ý cho ga Ðà Lạt được phép bán vé cho du khách vào tham quan.

Cùng với ga Ðà Lạt đã được đầu tư lại thì đoạn đường sắt Ðà Lạt - Cầu Ðất mới đây đã được phục hồi và sử dụng vận chuyển khách du lịch trên chặng đường chỉ 7km. Ngành đường sắt và ngành du lịch cùng vào cuộc để biến những hoài niệm xa xưa trở về và thu hút du khách đến với non ngàn cao nguyên, thưởng lãm những danh thắng nổi tiếng và đầy thú vị này.

Không thể nào tìm lại đầy đủ một nhà ga và tuyến đường sắt độc đáo hồi đầu thế kỷ trước, nhưng du ngoạn trên đoạn đường tàu hỏa leo núi này, khách cũng thỏa mãn phần nào những hoài niệm về thời xa xưa của xứ sở cao nguyên.

UÔNG THÁI BIỂU