Thời gần đây, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất. Nhiều người sau khi sử dụng MTTH bị rối loạn tâm thần, sống trong trạng thái ảo giác - hoang tưởng dẫn tới những hành vi nguy hiểm cho bản thân và xã hội.
 |
Lực lượng công an khống chế đối tượng ngáo đá |
“Ngáo đá” - Hậu quả khôn lường
Theo Bộ Công an, năm 2016 tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. Trong đó, tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH) có xu hướng gia tăng cả về quy mô và tính chất. Các lực lượng chức năng trong nước đã phát hiện, thu giữ 839,63 kg + 427.655 viên MTTH... Tính đến hết năm 2016 cả nước có 210.751 người nghiện ma túy, trong đó trên 60% người nghiện sử dụng MTTH.
Hiện nay giới trẻ đang tìm đến MTTH và các chất gây nghiện mới như một trào lưu, nó không chỉ hủy hoại sức khỏe, đe dọa tính mạng người nghiện mà còn gây nguy hiểm cho cộng đồng. Hầu hết người sử dụng MTTH thấy có cảm giác hưng phấn, chơi "phê" hơn hoặc tỉnh táo trong thời gian dài để làm việc lâu hơn. Tuy nhiên, sử dụng loại ma túy này lâu dài sẽ dẫn đến lệ thuộc, làm con người không thể duy trì được các hoạt động hàng ngày. MTTH có khả năng kích thích khiến cơ thể luôn ở trong tình trạng hoạt động tăng tốc hết công suất nên dễ gây kiệt sức ở các bộ phận, gây đột quỵ, suy gan, suy tim. Nếu ngưng sử dụng chất này, người nghiện không thể cảm thấy bất kỳ một thứ niềm vui nào trong cuộc sống, bị hoang tưởng, điên dại trong vài tuần và mất hẳn trí nhớ.
Trong thời gian gần đây, có rất nhiều vụ việc nguy hiểm do người “ngáo đá” gây ra như: Trèo lên cột điện, nhảy múa trên nóc nhà, tự dìm mình đến chết, giết người, gây tai nạn giao thông, khống chế người khác…gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
Chỉ từ đầu năm 2017 đến nay đã có nhiều vụ án do các đối tượng sử dụng MTTH gây ra. Điển hình là ngày 15/2/2017, đối tượng Nguyễn Thanh Tuấn (26 tuổi, trú tại phường 5, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) có biểu hiện “ngáo đá”, liên tục la hét cầm thanh sắt đập vỡ nhiều cửa kính của các hộ dân ven đường Đoàn Thị Nghiệp (thuộc phường 5, TP. Mỹ Tho). Tiếp đó, Tuấn đập vỡ kính xe bán bánh mì bên đường rồi lao vào đập phá bàn ghế và đốt tấm nệm trong một quán cà phê. Khi lực lượng Công an tiếp cận hiện trường đã bị Tuấn dùng dao chém vào xe mô tô và gây thương tích cho 1 cán bộ Công an.
Hay vụ việc xảy ra đêm 7/2/2017, tại xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang. Do sử dụng ma túy “đá”, bị ảo giác và nghĩ vợ con mình bị bắt cóc nên Hồ Trung Kiên (27 tuổi, trú thôn Thái Thông, xã Vĩnh Thái) đã la hét, đập phá toàn bộ cửa kính của gia đình rồi cầm rựa rượt đuổi mẹ ruột và những người xung quanh đòi thả vợ con….
Nghiêm trọng và đau lòng hơn là trường hợp bà Trương Thị Nhịnh (trú tại TP. Hải Phòng) tử vong ngày 31/1/2017 do thương tích quá nặng. Bước đầu điều tra xác định nghi can là Phạm Văn Cường (SN 1986, cháu nội bà Nhịnh) đã ra tay sau khi sử dụng ma túy “đá”.
Một sự việc khác xảy ra vào rạng sáng 28/1/2017, sau khi sử dụng ma túy “đá”, đối tượng Nguyễn Khánh Duy (20 tuổi, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) đi xe máy tới chợ Long Trị, thị xã Long Mỹ thì có cảm giác bị nhóm người lạ rượt đánh nên tấp xe vào lề. Thấy nhóm thanh niên đứng bên đường, Duy lớn tiếng xúc phạm rồi bất ngờ rút dao tấn công làm 1 người tử vong.... Trước đó còn có nhiều vụ án đau lòng do đối tượng sử dụng MTTH bị “ngáo đá” gây ra như: Vụ dùng dao đâm chết người xảy ra ở quận Bình Thạnh, TPHCM ngày 27/11/2016; vụ giết 4 bà cháu xảy ra ở phường Phương Nam, TP. Uông Bí, Quảng Ninh ngày 24/9/2016....
Ngày nay y học thế giới khá phát triển nhưng lại chưa tìm ra được phương thuốc điều trị đặc hiệu cho người nghiện MTTH “ngáo đá”. Đây là khó khăn cho lực lượng chức năng và cơ quan quản lý nhà nước.
Giải pháp quản lý người sử dụng MTTH
Trong thời gian tới, để việc quản lý người sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” đạt hiệu quả hơn, Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy nói chung, MTTH nói riêng và cách phòng ngừa khi gặp người có biểu hiện “ngáo đá”... đến các tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung vào nhóm thanh thiếu niên. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người nghiện, người sử dụng MTTH và gia đình của họ tự nguyện khai báo tình trạng nghiện, tình trạng sử dụng ma tuý và cam kết không sử dụng ma tuý. Tích cực vận động người nghiện tham gia chương trình cai nghiện ma tuý tự nguyện tại các cơ sở chữa bệnh… Công tác tuyên truyền phải có sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn mới hiệu quả và tạo sự lan tỏa rộng khắp...
Đồng thời, tiến hành đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng; tập trung đấu tranh xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép MTTH; có biện pháp quản lý cụ thể với từng đối tượng sử dụng MTTH và các loại chất ma túy khác gây ra hiện tượng ảo giác, "ngáo đá" trên địa bàn.
Lực lượng công an cần tăng cường công tác quản lý hành chính nhà nước về ANTT, làm tốt công tác quản lý nhân, hộ khẩu; thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm (các quán bar, vũ trường, quán karaoke, nhà nghỉ...) có biểu hiện nghi vấn tổ chức sử dụng trái phép MTTH để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hiện tượng mua bán, sử dụng trái phép MTTH. Thường xuyên rà soát, lập danh sách, phân loại, đánh giá tình hình số người sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá”; gọi hỏi, cảm hóa, giáo dục đối tượng, thu thập tài liệu vi phạm để đưa vào diện quản lý của cơ quan Công an nhằm tập trung các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý... theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, lực lượng công an phối hợp chặt chẽ với Viện KSND, TAND cùng cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử lưu động, xét xử điểm các vụ án do đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện “ngáo đá” gây ra nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan chức năng khám, chẩn đoán, xét nghiệm, xác định tình trạng nghiện cho các trường hợp nghi vấn theo định kỳ và đột xuất để phân loại, theo dõi và áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng MTTH gây án và các hành vi nguy hiểm khác.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức, đoàn thể và gia đình để quản lý, giáo dục, giúp đỡ, vận động đưa người nghiện MTTH đi chữa bệnh. Trường hợp còn sinh sống tại gia đình, cộng đồng cần có biện pháp giám sát thường xuyên, cách ly người nghiện với các đồ vật có thể sử dụng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người khác. Đối với các trường hợp hoạt động, cư trú thường xuyên ở nhiều nơi khác nhau, cần chỉ đạo phối hợp rà soát, xác định cụ thể những nơi cư trú để thông báo cho các đơn vị Công an cơ sở tiến hành các biện pháp theo dõi, quản lý. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, phòng chống tái nghiện.
Ngoài ra, đẩy mạnh phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phát hiện, tố giác các đối tượng có biểu hiện nghi vấn mua bán, sử dụng trái phép MTTH, người có biểu hiện “ngáo đá”.... Công an các đơn vị, địa phương cần tổ chức tốt công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, tệ nạn ma tuý tại cơ sở gắn với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu dân cư tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm và tệ nạn ma tuý, người sử dụng ma túy có biểu hiện “ngáo đá”... Đồng thời, có biện pháp bảo vệ an toàn cho người cung cấp thông tin tố giác tội phạm để người dân thực sự yên tâm, tin tưởng giúp đỡ lực lượng công an.