Giải pháp nào phát triển hệ thống siêu thị
Các Website khác - 27/03/2006
Cho đến nay, siêu thị và trung tâm thương mại đã chiếm khoảng 15-20% trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội. Tuy số lượng siêu thị tăng nhanh nhưng quy mô còn nhỏ và phân bố chưa hợp lý.
Cuộc họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu về giải pháp phát triển hệ thống siêu thị ở nước ta trong giai đoạn hiện nay” của Viện nghiên cứu Thương mại (Bộ Thương mại) đã được các nhà chuyên môn bàn luận sôi nổi. Đề tài phần nào cho thấy bức tranh hoạt động của hệ thống siêu thị hiện nay.

Số lượng siêu thị tăng nhanh, nhưng quy mô nhỏ

Cả nước đã có 265 siêu thị tại 32 tỉnh, thành phố, nhiều gấp 26,5 lần so với cách đây 10 năm, trong đó, trên 70% tập trung ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, các TP. Hải Phòng và Đà Nẵng, Thanh Hóa, Cần Thơ, và tỉnh Kiên Giang cũng là những nơi có số siêu thị đáng kể.

Hiện Hà Nội có 101 siêu thị, chiếm 38% số lượng siêu thị của cả nước. So với cả nước, quy mô siêu thị của Hà Nội nhỏ hơn, tỷ lệ siêu thị loại III cao hơn mức trung bình của cả nước. TP. Hồ Chí Minh hiện có 88% siêu thị các loại đang hoạt động, trong đó có nhiều siêu thị tổng hợp của các nhà phân phối trong nước đạt tiêu chuẩn siêu thị loại I và II.

Riêng Saigon Co.opMart có hệ thống chuỗi 11 siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có một siêu thị đạt tiêu chuẩn loại I là Co.op Mart Nguyễn Kiệm, với diện tích kinh doanh là 6.000 m2, có bãi đỗ xe có thể chứa 1.500 xe, doanh thu đạt 1 tỷ đồng/ngày, chín siêu thị khác đạt tiêu chuẩn siêu thị hạng II với diện tích kinh doanh chỉ đạt 600m2. Chuỗi Maximart có một siêu thị loại I và hai siêu thị loại II, Citimart cũng có hai siêu thị đạt tiêu chuẩn loại II…

Ngoài siêu thị kinh doanh tổng hợp, còn có loại siêu thị chuyên doanh. Điển hình là chuỗi 18 siêu thị chuyên hàng thời trang của TCT Dệt may (Vinatex) trên phạm vi cả nước. Ngoài ra còn có những siêu thị chuyên doanh khác như siêu thị sách, siêu thị nội thất, siêu thị hàng điện máy…

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, cũng đã xuất hiện các siêu thị điện tử hay siêu thị ảo. Siêu thị Cyber-Mall là siêu thị ảo trên mạng điện tử VNN do Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng (VASC) của Công ty Điện toán và truyền số liệu xây dựng. Trong siêu thị này có khoảng 500 mặt hàng và hiện có hơn 3.000 khách hàng trong và ngoài nước đã đặt mua thiết bị viễn thông, tin học, ôtô, hàng tiêu dùng…

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự có mặt của một số tập đoàn phân phối lớn trên thế giới như: tập đoàn Metro Cash and Carry (Đức), tập đoàn Bourbon (Pháp) với những trung tâm thương mại có lượng hàng hóa lưu chuyển rất lớn.

Cho đến nay, siêu thị và trung tâm thương mại đã chiếm khoảng 15-20% trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội. Tuy số lượng siêu thị tăng nhanh nhưng quy mô còn nhỏ và phân bố chưa hợp lý.

Theo tiêu chuẩn trong quy chế siêu thị do Bộ Thương mại ban hành, hiện cả nước có khoảng 33% số lượng siêu thị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn phân hạng của siêu thị, 44,7% số lượng siêu thị thuộc tiêu chuẩn hạng III, 11,7% thuộc hạng II và chỉ có khoảng 10,6% đạt tiêu chuẩn siêu thị hạng I. Số lượng siêu thị ở Việt Nam 10 năm qua tăng rất nhanh nhưng lại phát triển tự phát, thiếu quy hoạch cụ thể, thiếu sự quản lý và điều tiết phù hợp của Nhà nước.

Sẽ là cuộc cạnh tranh không cân sức

Theo đề án quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh, dự kiến đến năm 2010, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng thêm từ 12 đến 15 khu dân cư mới theo đúng tiêu chuẩn của đô thị hiện đại. Ở Hà Nội, mỗi năm hàng loạt các khu công nghiệp được xây dựng, các khu đô thị mới cũng mọc lên rất nhanh không chỉ ven đô mà còn mở rộng cách trung tâm thành phố tới 20-25km. Các tỉnh thành phố khác cũng có tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, với nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định, thu nhập đầu người tiếp tục được cải thiện, quy mô dân số lớn và sự thay đổi phân bổ dân cư theo hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa, lượng dân cư sống ở nông thôn giảm..., Việt Nam đang là địa điểm hấp dẫn bất cứ nhà đầu tư kinh doanh siêu thị xuyên quốc gia nào.

Việc các nhà phân phối nước ngoài thâm nhập vào thị trường trong nước đã đem đến những cơ hội không nhỏ cho sự phát triển hệ thống siêu thị ở Việt Nam. Đó là những bài học kinh nghiệm về quản lý kinh doanh siêu thị hiện đại, là những cơ hội giảm chi phí, tiếp thu công nghệ, thông tin và tri thức bán lẻ của thế giới cho các nhà kinh doanh Việt Nam. Thông qua hội nhập, hệ thống siêu thị của Việt Nam không những có cơ hội ở thị trường trong nước mà còn có thể thâm nhập thị trường bán lẻ nước ngoài, chia sẻ được rủi ro, mở rộng thị trường để phát triển nhanh hơn...

Bên cạnh những thuận lợi đó, việc phát triển hệ thống siêu thị trong nước cũng có không ít trở ngại phải vượt qua. Đó là cuộc cạnh tranh không cân sức giữa thương nhân Việt Nam với các tập đoàn bán lẻ xuyên quốc gia. Hiện nay ở nước ta đã có Metro, Bourbon, sắp tới sẽ có Parkson, Dairy Farm… Tốc độ và số lượng các nhà đầu tư ngày càng tăng theo đà mở cửa của tiến trình hội nhập.

Trong khi đó, chúng ta chưa có những công ty phân phối quy mô lớn, có đủ sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường. Thời gian từ nay tới năm 2007, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường phân phối, các DN kinh doanh siêu thị còn rất ít thời gian để tiến hành xây dựng và tổ chức các hệ thống siêu thị hiện đại đủ sức cạnh tranh với các siêu thị nước ngoài trong quá trình hội nhập sắp tới…

Sự thâm nhập của các tập đoàn phân phối xuyên quốc gia sẽ là những đối thủ cạnh tranh đầy ưu thế, tạo ra những thách thức rất lớn đối với các thương nhân làm phân phối ở Việt Nam từ hình thức bán lẻ truyền thống như các chợ truyền thống, các cửa hàng tới các DN lớn kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại.

Cần một quy hoạch tổng thể

Một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển siêu thị đến năm 2010 là xây dựng quy hoạch siêu thị thống nhất trên phạm vi cả nước, phát triển siêu thị phải bảo đảm đủ không gian như: bán kính mặt bằng, số lượng dân cư phục vụ trung bình của các siêu thị… Để đạt được những tiêu chí trên, Nhà nước cần dành nhiều ưu đãi về tín dụng, thông tin, đào tạo, trợ giúp kỹ thuật cho các DN kinh doanh siêu thị trong nước, khuyến khích các DN vận hành theo mô hình chuỗi siêu thị nhằm tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Việc tăng số lượng siêu thị mới phải được xem xét một cách hợp lý: tăng bao nhiêu, mở ra ở đâu, quy mô như thế nào để bảo đảm hiệu quả hoạt động, đồng thời phải cải thiện chất lượng hệ thống siêu thị. Tới năm 2010 sẽ không còn siêu thị không thể phân loại, đưa chúng trở về cửa hàng tự chọn.

Phấn đấu để có tỷ trọng hợp lý hệ thống siêu thị văn minh hiện đại, trong đó siêu thị loại vừa và lớn (loại I và II) sẽ tăng tỷ trọng từ 22% hiện nay lên ít nhất là 50%, còn siêu thị loại nhỏ sẽ duy trì ở tỷ trọng hiện nay. Hệ thống siêu thị phải phát triển để trở thành xương sống của hệ thống phân phối bán lẻ hàng tiêu dùng ở Việt Nam và kích thích sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình bán lẻ khác, kể cả chợ truyền thống.

Để đạt được mục tiêu này, Nhà nước cần xây dựng các cơ chế chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển siêu thị. Thứ nhất là, chính sách hỗ trợ mặt bằng kinh doanh siêu thị, đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại nội địa, ưu tiên và hỗ trợ cho thuê mặt bằng kinh doanh; cần dành quỹ đất thích hợp cho phát triển hệ thống siêu thị, và chính sách đối với quỹ đất dành cho siêu thị cũng được ứng xử như chính sách đối với quỹ đất dành để phát triển các chợ đầu mối, vì trên thực tế, siêu thị cũng chính là một đầu mối tiêu thụ hàng hóa lớn.

Về chính sách tài chính tín dụng, do đặc thù của kinh doanh siêu thị là vốn đầu tư lớn nhưng lợi nhuận ban đầu thấp. Vì thế, DN trong nước cần được hưởng các chế độ ưu đãi về vốn và thuế từ các quỹ tín dụng. Song song với việc quy hoạch mạng lưới, cần đầu tư xây dựng hệ thống siêu thị hiện đại theo quy trình khép kín từ công tác thu mua, chế biến, bảo quản, hệ thống kho tàng, vận chuyển, hệ thống trang thiết bị và các công cụ bán hàng. Xây dựng siêu thị có quy mô phù hợp với số lượng khách hàng đến siêu thị, tránh tình trạng quá tải về chỗ gửi xe, về công suất phục vụ hoặc xây dựng quá lớn gây lãng phí.

Để có thể phát huy được sức mạnh, các siêu thị cần duy trì mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, cùng chia sẻ rủi ro, không được chèn ép, vòi vĩnh các nhà cung cấp; cần tạo dấu ấn về dịch vụ của siêu thị qua việc xây dựng phong cách riêng hay nét văn hóa độc đáo như: chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh và phương thức phục vụ văn minh, hiện đại.

Theo Thương mại