Giao thừa "không lo âu" trên xích lô Sans-Souci
Các Website khác - 29/01/2006

(VietNamNet) - "Cả năm cặm cụi làm ăn, giao thừa bỗng chễm chệ trên cái xe căng bạt đỏ loong coong dạo phố vắng, giữa đất trời tinh khiết, thấy mình đích thực là người Hà Nội; lòng thanh sạch, vui bâng khuâng như thuở mới lớn".

Soạn: AM 690655 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Xích lô Sans Souci chờ phục vụ từ trước giao thừa

Giao thừa năm nay, anh Phạm Văn Thiệu (quê ở xã Hùng Cưòng, huyện Kim Động, Hưng Yên) và khoảng 30 đồng nghiệp khác trong Công ty TNHH du lịch xích lô Sans Souci lại đỗ xe chờ khách tan lễ bắn pháo hoa.

Cũng như mọi năm, các anh tới điểm tập trung từ 7h tối (khi người qua lại còn thưa), chôn bánh xe trên các góc hè khuất gần đền Bà Kiệu và tượng đài Cảm tử, để không bị trôi theo dòng người nườm nượp đổ về các con phố quanh hồ Hoàn Kiếm.

Khách gọi xích lô đêm giao thừa không nhiều, thường là các gia đình mang theo con trẻ, các ông bà cao tuổi, vài ba người nước ngoài muốn thong dong phố xá, thưởng hương xuân trên đường trở về nhà hoặc đi lễ chùa sớm.

Tiếng gọi "Xích lô!" đầu năm mới bao giờ cũng khác ngày thường, thư thả, ấm và thân. Mối giao cảm thiêng liêng với Đất, Trời trong những thời khắc đầu tiên của năm kéo người gọi xe và người đạp xe xích gần nhau hơn; lời chúc năm mới "Vạn sự như ý" cùng trìu mến bật trên môi, khi xe vừa lăn bánh. Tuyệt nhiên không nghe lời nói thách hay thấy câu mặc cả, bởi người đạp xe ra đường giờ này chủ yếu để được mở hàng lấy may, người gọi xe lại sẵn sàng trả công rộng rãi lấy phước.

Khoe niềm vui "mở hàng" xích lô trong năm mới, ông Phạm Ngọc Hiển (64 tuổi, ngõ 12 Hoè Nhai) nói: "Chục năm nay, giao thừa nào vợ chồng tôi cũng xem bắn pháo hoa ở hồ Gươm rồi gọi một cuốc xích lô đến chùa Trấn Quốc thắp hương cầu may, trước khi về xông nhà. Cả năm cặm cụi làm ăn, giao thừa bỗng chễm chệ trên cái xe căng bạt đỏ loong coong dạo phố vắng, giữa đất trời tinh khôi, thấy mình đích thực là người Hà Nội; lòng thanh sạch, vui bâng khuâng như thuở mới lớn".

Niềm hạnh phúc của khách lan sang cả các "xế" xích lô. Dưới ánh sáng lung linh của đèn nến hắt ra từ những mâm cúng với xôi gà, hoa trái, vàng hương đặt san sát dọc phố, trước cửa mỗi nhà, những gương mặt hằn sâu nét bươn chải sáng lên nụ cười. Cả khách và xế cùng sung sướng tận hưởng không khí yên bình thiêng liêng của đêm giao thừa Hà Nội.

Người đạp xích lô đặc biệt

Soạn: AM 690657 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Ông đỗ Anh Thư (áo trắng, trên xe giữa) - người đạp xích lô đặc biệt ở Hà Nội.

Để được dạo phố thênh thang đêm giao thừa trên một chiếc xích lô, vợ chồng ông Hiển có thể không biết phải cảm ơn một người đàn ông đã giữ lại thành công những chiếc xích lô cho Hà Nội. Đó là ông Đỗ Anh Thư (57 tuổi), người gắn bó 20 năm nay với nghề đạp xích lô, hiện là Giám đốc Công ty TNHH du lịch xích lô Sans Souci, vừa được tạp chí của Ngân hàng Phát triển châu Á bình chọn là một trong 10 người nghèo vượt khó thành công nhất Việt Nam.

Ông Thư kể: "Năm 2001, Hà Nội chỉnh trang đô thị, ra quyết định cấm xích lô trên toàn thành phố, tôi và 6 anh em khác của nhóm Sans Souci (do tôi lập ra năm 1998 để cùng đạp xe phục vụ khách du lịch, người đi lễ chùa, các đám ăn hỏi...) phải đem xe đi giấu. Thỉnh thoảng lại thấy một chiếc xe tải chở đầy xích lô chạy về hướng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên mà ứa nước mắt. Người Hà Nội cũng hẫng hụt, bởi không phải lúc nào xe máy, xe đạp cũng tỏ ra đắc dụng nhất. Hàng vạn xế xích lô nằm bẹp, không tìm nổi kế mưu sinh.

Tôi học Sử, Đại học sư phạm Hà Nội ra, nên được người thân động viên đi dạy học. Nhưng tôi không được chọn nghề (tôi từng đến Sở Giáo dục Hà Nội xin việc theo giấy giới thiệu của trường ĐH mãi không thành); nghề xích lô cứ chọn tôi".

Nghề xích lô dứt khoát chọn ông Thư vào một ngày cả trăm xế xích lô tìm đến ông, nước mắt lưng tròng, đồng thanh: "Trăm sự nhờ bác cứu gia đình em, tìm cách cho xích lô quay trở lại!".

Thế là cùng với việc bỏ công tìm hiểu Luật Doanh nghiệp, ông Thư "gõ cửa" khắp nơi, để cuối năm 2002 cho ra đời một công ty có một không hai ở Hà Nội, Việt Nam và có thể là khắp thế giới: công ty kinh doanh xích lô du lịch, với cả giám đốc và nhân viên đều đạp xích lô!

"Thực ra trước đó vài năm, chúng tôi đã cải tạo phương tiện kiếm sống vốn thô kệch, hoen gỉ, thực dụng, chỉ hợp với việc phục vụ thời chiến thành xích lô du lịch thời bình. Sau các chuyến chở khách, chúng tôi cùng góp tiền trang trí xe, cải tạo thành những chiếc xích lô nhỏ, gọn, khung mạ crôm trắng, vách inox in chữ Sans-Souci (tiếng Pháp có nghĩa Đừng lo âu), đệm bọc da, mui căng bạt đỏ lộng lẫy ngày nay. Bản thân người đạp xích lô cũng phải học ngoại ngữ để không chỉ nói "Sans-Souci!" làm yên lòng khách nước ngoài giữa phố đông, mà còn phải biết giới thiệu sơ các danh thắng Hà Nội" - ông Thư nói về "đội quân" 200 xe mui đỏ của mình như vậy.

Đến giờ, Hà Nội không chỉ có khoảng 200 xích lô Sans-Souci. Các công ty chuyên cung cấp dịch vụ xích lô du lịch khác như Huy Phong, khách sạn Métropole và Công ty du lịch văn hoá cũng đã ra đời, với gần trăm đầu xe dọc ngang Hà Nội.

Nhưng hễ thấy xích lô, dù trong các đám rước ăn hỏi hay tour thăm phố cổ dành cho khách du lịch, người ta vẫn nghĩ ngay đến cái tên Sans-Souci!

Duyên xích lô Hà Nội

Ông Thư bảo, các "xế" Sans-Souci nhiều năm đạp xe phục vụ những đoàn khách du lịch ngay từ 2h sáng mồng một Tết. Khách thường hớn hở với Hà Nội, với hoa tươi và tiền lì xì "xế" xích lô trao tặng, không hay người đạp xe chở mình, trong lúc ngồi chờ, run lập cập cắn những miếng bánh chưng đem theo trong gió buốt Hồ Tây.

Người "chịu" chạy xe đêm giao thừa và các ngày Tết thường có gia cảnh khó khăn, tâm tư uẩn khúc muốn tìm một đêm thư thái, hoặc cố tình xuất hành sớm để đón vận may trong năm mới. Nên dù công đạp xe 10 năm nay không đổi, 20.000 đồng/giờ, vẫn có anh em vui vẻ ở lại Thủ đô "kiếm" Tết.

Ông Thư là người Hà Nội đời thứ 6, nhưng "đồng nghiệp" đạp xe Sans-Souci của ông lại đến từ nhiều tỉnh; người trẻ nhất khoảng 20 tuổi, "lão niên" nhất đã ngoài 60. Nhiều người đã gắn bó với Sans-Souci cả chục năm nay. Có gia đình tới 5 - 7 người đạp xe Sans Souci. Trước khi chính thức hành nghề, họ đều được ông Thư phát "cẩm nang đạo đức xích lô" ghi 17 điều cấm kỵ, từ vòi xin tiền khách, tham lam khi khách quên đồ đến "tưới cây". Các việc thiện buộc phải làm cũng được quy định rõ, như khi gặp tai nạn giao thông, phải đưa nạn nhân vào bệnh viện cấp cứu và bảo vệ tư trang cho họ, đưa người già và trẻ em qua đường, gặp cướp phải đuổi bắt. Tất cả các vi phạm đạo đức xích lô đều phải "trả" bằng tiền, để sung vào Quỹ vì người nghèo Hà Nội.

Ngoài 17 điều quy định đạo đức xích lô, các "xế" Sans-Souci còn được "quán triệt" quyết tâm tạo dựng hình ảnh xích lô Hà Nội: từ tốn, nhẹ nhàng, thong dong dạo phố, không xô bồ, vội vã, phải như người Hà Nội!

"Tôi muốn thay đổi cách nhìn về cái nghề mà lâu nay nhiều người gọi là culi, hay phu xe, thậm chí "ngựa người". Hồi tôi tốt nghiệp đại học, không tìm được việc làm, phải mua xích lô để chạy, bị gia đình phản đối kịch liệt, chính tôi cũng nghĩ chỉ để kiếm sống tạm thời. Nhưng giờ thì chúng tôi thấy vui với những cuốc xe và tự hào với hình ảnh đẹp của xích lô giữa lòng Hà Nội" - ông Thư bộc bạch.

Ông Thư không giấu niềm tự hào là người làm nghề phục vụ thiên hạ, từ bà bán rau tới các nguyên thủ quốc gia (Sans-Souci từng chở thủ tướng nước Cộng hòa Séc Milos Zeman, đoàn tuỳ tùng của tổng thống Pháp Jacques Chirac...). Và tự hào bởi ai đến Hà Nội cũng tìm ngay phố cổ, nhưng nói tới phố cổ, lại nghĩ ngay tới những chiếc xích lô...

Thế nên, dù thời nay rất ít người dân Hà Nội gọi xích lô, Sans-Souci vẫn phục vụ, suốt Tết. Để đêm giao thừa Hà Nội đầy đủ: rừng người hồi hộp chờ khoảnh khắc chuyển vần thiêng liêng của vũ trụ quanh hồ Hoàn Kiếm, chuông đồng hồ bưu điện điểm, pháo hoa nở rộn rã và xích lô chờ.

Dưới bầu trời rực rỡ pháo hoa, những chiếc xích lô mui đỏ lọt thỏm giữa rừng người nao nức quanh hồ Hoàn Kiếm. Một phút lặng để rồi thư thả lăn bánh phục vụ ngay trong đêm trừ tịch, trên đường xuân thơm ngát, giữa đất trời tinh khôi.

Đi x ích lô, người nước ngoài nghĩ gì?

"Đi xích lô thăm phố cổ Hà Nội, sẽ thấy cảm giác rất lạ kỳ không phương tiện giao thông nào có thể mang lại. Ban đầu rất sợ; thấy đỡ hơn khi người đạp xe mỉm cười "Sans-Souci!". Sau thú vị vô cùng, được ngắm kỹ đường phố và thấy sinh hoạt của các gia đình, cửa hiệu hai bên đường. Nhất là dịp này, khi người dân đổ ra đường mua sắm, đi chơi Tết... " (Bernard Rousseau, khách du lịch Pháp)

Du lịch vòng quanh Hà Nội, phương tiện thân thiện và thoải mái nhất là xích lô. Trên xích lô, tôi thấy thoải mái như ngồi trên một chiếc ghế salon, được thoả sức ngắm nhìn những phố nghề, khu chợ sầm uất của "Hà Nội ba sáu phố phường". (Giusepo Ciampi, khách Ý)

"Đi xích lô trong trung tâm Hà Nội là tiện nhất. Xe gọn nhẹ nên có thể luồn sâu khám phá từng con ngõ nhỏ, tránh được tắc đường. Chúng tôi thoải mái yêu cầu dừng xe tại bất cứ nơi nào để tản bộ, ngắm cảnh, chụp ảnh và mua sắm" (Sylvie Lafont, từ Canada).

Thú vị nhất là người đạp xích lô biết rất rõ những nơi nên đến, như các cửa hàng mua sắm và quán ăn uống bình dân. Họ lại còn có thể giải thích bằng "tay, chân" mọi thắc mắc của tôi (Hélène Lacom, Pháp).

  • Bài: Quảng Hạnh
    Ảnh: Phạm Hải