Các đại biểu tập trung góp ý vào các vấn đề xây dựng giai cấp công nhân, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động, củng cố và tăng cường liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng.
Thành tựu 20 năm đổi mới là to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử
Trong ý kiến phát biểu của mình, các đại biểu đều cho rằng thành tựu đạt được qua 20 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng là quan trọng, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Theo GS Nguyễn Đức Bách (Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh), Tạ Đăng Mạnh (Chủ tịch Công đoàn giao thông vận tải Việt Nam) và nhiều đại biểu, dù còn khó khăn, hạn chế, nhưng đất nước ta đã có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Các đại biểu đề nghị thêm chữ “toàn diện”, vì trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội, an ninh, quốc phòng... đều đạt thành tựu to lớn.
Kinh tế có sự tăng trưởng khá, sự nghiệp CNH, HĐH, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN được đẩy mạnh, đời sống của nhân dân và CNVC-LĐ được cải thiện. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Những thành tựu ấy không chỉ được người dân trong nước ghi nhận mà còn được dư luận quốc tế cũng đánh giá cao, nhất là trong các lĩnh vực phát huy mọi tiềm lực để phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói, giảm nghèo và giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng nêu, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH còn chậm, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn lúng túng. Quản lý chưa chặt chẽ, để thất thoát và lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa xã hội chưa đồng đều giữa các ngành, các khu vực, vùng, miền. Các vấn đề về CNH,HĐH nông nghiệp, nông thôn chưa được cụ thể hóa rõ ràng. Chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế... còn thấp. Môi trường sinh thái ô nhiễm, tài nguyên thiên nhiên quản lý chưa tốt, khai thác không hợp lý và sử dụng lãng phí. Tình trạng tham nhũng, một số tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, đời sống của người lao động ở các khu công nghiệp tập trung sa sút... Đề nghị Đảng, Nhà nước cần có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.
Xây dựng giai cấp công nhân đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đỗ Đức Ngọ phát biểu cho rằng, trong dự thảo viết: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân (GCCN), đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của GCCN, nhân dân lao động và của dân tộc. Nhưng chưa đề cập bản chất của Đảng.
Đây là vấn đề vừa có tính nguyên tắc vừa là vấn đề cực kỳ quan trọng để phân biệt Đảng ta với các đảng khác, mà trên thế giới ngày nay, có nhiều đảng phái chính trị, hơn thế nữa, các thế lực thù địch đang âm mưu chuyển hóa Đảng ta, từ đó làm lệch hướng mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Đồng chí Đỗ Đức Ngọ cho rằng, vấn đề bản chất GCCN và cũng là bản chất của Đảng Cộng sản đã được các nhà kinh điển khẳng định.
Trong lịch sử 76 năm tồn tại và phát triển, Đảng ta đã công khai nói rõ bản chất, tính chất, lập trường và mục tiêu lý tưởng của Đảng, nhưng vẫn được các giai cấp, tầng lớp và tuyệt đại đa số nhân dân thừa nhận, tin yêu và theo Đảng làm cách mạng, vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vì Đảng ta có đường lối, chính sách đúng đắn, có đội ngũ cán bộ trung thành, tận tuỵ và có năng lực tổ chức thực tiễn, thích ứng với từng giai đoạn cách mạng, đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân.
Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, đặc biệt trước yêu cầu hội nhập với những thời cơ và thách thức đan xen, đòi hỏi Đảng ta phải đổi mới tư duy, phải có sách lược phù hợp để tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo xã hội và tập hợp mọi lực lượng cho sự chấn hưng đất nước. Nhưng vấn đề có tính nguyên tắc, những vấn đề thuộc về bản chất cũng không thể thay đổi, mà phải tiếp tục được khẳng định. Với bản chất khoa học, sáng tạo và cách mạng của mình, với truyền thống vẻ vang, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn là người lãnh đạo, là đại biểu trung thành không chỉ cho quyền lợi của GCCN, mà còn của nhân dân lao động và toàn dân tộc.
Ông Đỗ Đức Ngọ đề nghị nên sửa đoạn mở đầu phần XIV trong Dự thảo là: Đảng Cộng sản Việt Nam mang bản chất GCCN, là đội ngũ tiên phong của GCCN, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là người lãnh đạo và đại biểu trung thành lợi ích của GCCN, nhân dân lao động và của dân tộc. Ông đánh giá cao trong dự thảo tiếp tục khẳng định “ Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh GCCN với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm cho thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”
Trong phát biểu của mình, GS Văn Tạo đề nghị làm rõ bản chất GCCN của Đảng. Ông cho rằng về mặt lý luận, còn lúng túng, khi hơn 30 năm thực hiện chỉ thị 167 của Bộ Chính trị mà chưa ban hành được Nghị quyết về xây dựng GCCN. Ông đề nghị, ở mục XIV, chỉ nên viết “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiền phong của GCCN và của dân tộc Việt Nam là đủ”. Mục 4 về công tác cán bộ, GS Văn Tạo kiến nghị cần có chính sách cụ thể về đào tạo nhân tài, vun đắp hiền tài.
TS Dương Văn Sao (Viện trưởng Công nhân và Công đoàn), TS Đặng Quang Điều (Phó trưởng Ban Kinh tế - chính sách,Tổng LĐLĐ Việt Nam) nêu: dự thảo chưa thể hiện rõ quan điểm của Đảng về GCCN, chưa đánh giá đúng vai trò GCCN là nguồn lực quan trọng nhất, lực lượng sản xuất hàng đầu đã, đang đóng góp to lớn vào quá trình thực hiện mục tiêu CNH,HĐH. TS Dương Văn Sao dẫn chứng: Quan điểm của Đảng về GCCN và sự quan tâm của Đảng về xây dựng GCCN và tổ chức công đoàn vững mạnh thể hiện trong Văn kiện Đại hội X còn mờ nhạt. Theo thống kê,tỷ lệ công nhân được kết nạp Đảng trong tổng số Đảng viên mới kết nạp bình quân hằng năm từ Đại hội VII đến nay chỉ chiếm 11%. Đại biểu dự Đại hội VIII, thành phần công nhân là 8,3%, đến Đại hội IX chỉ còn 6,42%. Số Uỷ viên trong BCH TƯ Đảng khoá VIII có 10% thành phần là công nhân, đến Đại hội IX, tỷ lệ này chỉ còn 4,6%.
Trong dự thảo,đoạn ghi về xây dựng GCCN, hoàn toàn chưa tương xứng với tầm của Văn kiện Đại hội Đảng, chưa thể hiện rõ tầm chiến lược của vấn đề xây dựng GCCN- một giai cấp chiếm 20% lực lượng lao động xã hội, nhưng hằng năm đã tạo ra hơn 40% tổng sản phẩm xã hội và 60 % ngân sách Nhà nước. Dự thảo mới nêu những vấn đề cụ thể, như có chính sách ưu đãi đối với công nhân bậc cao. Các đại biểu này cho rằng ghi như vậy vừa thừa lại vừa thiếu. Mà những vấn đề rất cần được thể hiện, như giữ vững, tăng cường bản chất GCCN của Đảng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ công nhân ưu tú và kết nạp đảng viên trong công nhân, thì lại không được đề cập.
Trong giai đoạn mới, khi mà toàn cầu hóa diễn ra như một xu thế khách quan, tình hình thế giới có những thay đổi, âm mưu diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch đối với nước ta vẫn còn phức tạp, tác động mặt trái của kinh tế thị trường và sự du nhập của các luồng văn hóa đang từng ngày, từng giờ tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo điều kiện cho những thói hư tật xấu, lối sống thực dụng len vào, nếu Đảng không có những giải pháp mạnh mẽ tăng cường bản chất GCCN của Đảng, thì sẽ tổn hại ngay đến uy tín, sức sống của Đảng và đề nghị sớm có Nghị quyết về xây dựng GCCN Việt Nam.
Các đại biểu: Tạ Đăng Mạnh, Dương Văn Sao, Đỗ Đăng Hiếu ( Chủ tịch Công đoàn Công nghiệp Việt Nam), Nguyễn Xuân Hồng ( Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp Việt Nam), cho rằng dự thảo chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn và sự đóng góp to lớn của Công đoàn Việt Nam -một tổ chức quần chúng rộng lớn của CNVC-LĐ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội. Đảng vẫn coi công đoàn cũng như bất kỳ tổ chức quần chúng nào khác, chứ không phải là tổ chức quần chúng của CNVC-LĐ, được hình thành trong quan hệ lao động và hoạt động cũng chủ yếu trong lĩnh vực quan hệ lao động. Cần giữ vững và tăng cường bản chất GCCN của Đảng, nếu không thì trình độ học vấn, chuyên môn nghề nghiệp của CNLĐ nước ta không thể đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp không thể cao, lập trường giai cấp, ý thức chính trị không thể vững vàng. Vấn đề quan trọng hơn là quan hệ lao động sẽ không ổn định, tranh chấp lao động và đình công sẽ xảy ra ngày càng gay gắt. Mặt khác, hiện nay ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người sử dụng lao động đã tổ chức thành lập hội lao động. Đây là mầm mống của sự đa nguyên công đoàn và sự phân hóa, chia rẽ CNLĐ.
Các đại biểu này cũng cho rằng, nếu không xây dựng tổ chức công đoàn lớn mạnh,thì không thể có quan hệ lao động tiến bộ được, như vậy khó có thể ngăn chặn được sự quan liêu, tham nhũng và kinh tế, xã hội không thể phát triển ổn định. Về mặt chính trị, nếu công đoàn không mạnh, thì Đảng không có chỗ dựa vững chắc, Nhà nước không có người cộng tác đắc lực. Điều này sẽ tổn hại ngay đến sức mạnh của Đảng, Nhà nước, đến sự phát triển, tiến bộ xã hội và đến sự bền vững của hệ thống chính trị. Quan tâm đến CNVC-LĐ và tổ chức công đoàn,thực chất là quan tâm đến mặt xã hội của sản xuất, đến yếu tố đầu vào quan trọng nhất, quyết định nhất của quá trình sản xuất để bảo đảm cho sản xuất, kinh doanh phát triển, xã hội tiến bộ, chính trị ổn định.
Đây thực sự là vấn đề chính trị hàng đầu của Đảng, là vấn đề liên quan trực tiếp đến sự lớn mạnh của hệ thống chính trị, nhất là trong điều kiện hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo. Các đại biểu kiến nghị, cần đặc biệt quan tâm nghiên cứu đề ra những chủ trương, giải pháp thiết thực, đồng bộ và tập trung tổ chức chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những chủ trương, giải pháp để giữ vững, tăng cường bản chất GCCN của Đảng. Quan tâm hơn nữa đến CNVC-LĐ, nhất là đối với CNLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Coi xây dựng, phát huy vai trò GCCN là một chính sách quốc gia, một chương trình phát triển của quốc gia hướng vào đối tượng GCCN.
Tập trung đầu tư cả về vật chất, tinh thần, cả về kinh tế và văn hoá, trước mắt cũng như lâu dài, để tạo cho CNLĐ nước ta phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Đồng thời cũng cần coi trọng nhiệm vụ làm cho bản thân người công nhân vốn xuất thân từ các thành phần giai cấp khác cũng phải tự giáo dục bản chất GCCN. Cần có chủ trương và tăng cường chỉ đạo phát triển Đảng trong CNLĐ, nhất là ở khu vực ngoài quốc doanh và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ những công nhân ưu tú, nhằm từng bước tăng thành phần công nhân trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trong các doanh nghiệp chưa có tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên,đề nghị Đảng cho phép tổ chức công đoàn được giới thiệu CNLĐ ưu tú với Đảng bồi dưỡng, kết nạp. Sớm có một chương trình nghiên cứu tổng thể cấp Nhà nước về GCCN và tổ chức công đoàn. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện để công đoàn không ngừng lớn mạnh, có vị trí tương xứng trong hệ thống chính trị, thật sự là cầu nối giữa Đảng với quần chúng CNVC- LĐ, là tổ chức phản biện xã hội có hiệu quả của Nhà nước.
Anh Đặng Văn Mịch (công nhân Tổng công ty Điện lực Việt Nam) và một số đại biểu cho rằng, hiện nay ở nước ta còn xảy ra tình trạng tham nhũng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều vụ tham nhũng lớn. Việc chống tham nhũng xử lý chưa nghiêm. Các đại biểu đề nghị Đại hội X của Đảng cần xác định công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí là khâu đột phá, chống tham nhũng phải được thực hiện một cách quyết liệt từ trên xuống dưới, dựa vào CNVC-LĐ và các tầng lớp nhân dân. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, quy chế làm việc rõ ràng, rành mạch, tăng cường kiểm tra,giám sát chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, nhất là thực hiện quy chế dân chủ trong doanh nghiệp, cơ quan và ở cơ sở, công khai minh bạch các khoản thu, chi trong cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở để CNVC-LĐ giám sát, kiểm tra, phát hiện tham nhũng, lãng phí.
Về công tác xây dựng Đảng, các đại biểu nhất trí cao các vấn đề trong dự thảo đã nêu, đồng thời đề nghị cần thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng. Chăm lo xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực trí tuệ để hoàn thành có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
|