Thành tựu đối ngoại năm 2005: Nhìn lại và suy ngẫm
Các Website khác - 31/12/2005
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng
phát biểu tại Đại hội đồng
UNESCO lần thứ 33 tại Paris.
Xin giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng về thành tựu đối ngoại Việt Nam trong năm qua.
Bước vào năm mới là dịp để chúng ta cùng nhau nhìn lại năm qua, suy ngẫm về những gì đã làm được trong năm 2005 và định hướng cho năm tới.

Năm 2005 là một năm rất quan trọng, năm cuối cùng hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội mà Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IX đã đề ra, làm tiền đề chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, với quyết tâm mới sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Năm qua, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đưa lại những thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn đối với an ninh và phát triển của nước ta. Quan hệ quốc tế và tập hợp lực lượng trên thế giới diễn ra đa dạng và phức tạp. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, tàn bạo; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thiên tai, môi trường... nổi lên, đã ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định ở nhiều nước và khu vực. Tăng trưởng kinh tế thế giới đang có xu hướng giảm dần, giá nguyên liệu và đặc biệt là giá dầu thường xuyên biến động ở mức cao; trong khi đó, xu hướng bảo hộ mậu dịch ở các nước phát triển cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Tuy nhiên, nước ta có những thuận lợi rất cơ bản đó là môi trường chính trị, an ninh tiếp tục giữ được ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, từng bước tăng cường tiềm lực của đất nước, các nước lớn và khu vực đều coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với ta. Trên thế giới, hòa bình và hợp tác để phát triển vẫn là xu thế lớn. Ðối với khu vực, các nước ASEAN tăng cường củng cố đoàn kết và đẩy mạnh hợp tác, hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN mạnh, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với bên ngoài, nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các cơ chế hợp tác trong khu vực.

Ðứng trước những khó khăn và thuận lợi đan xen nhau đó, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Ðảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hoạt động ngoại giao đã được tiến hành rất sôi động. Có thể nói, hiếm năm nào chúng ta có nhiều hoạt động đối ngoại với các chuyến thăm cấp cao của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội như năm qua. Chúng ta mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế cả về bề rộng lẫn bề sâu, góp phần quan trọng vào việc tiếp tục giữ vững và củng cố môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tạo những điều kiện quốc tế ngày càng thuận lợi để bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền; tranh thủ được nhiều hơn hợp tác quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển, tạo thêm tiềm lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế.

Thành tựu đối ngoại nổi bật nhất trong năm qua là chúng ta từng bước đưa quan hệ hợp tác của nước ta với các đối tác quan trọng, nhất là với các nước láng giềng khu vực, các nước lớn và trung tâm kinh tế chính trị của thế giới đi vào chiều sâu.

Nổi lên là quan hệ hợp tác với Trung Quốc tiếp tục phát triển sâu hơn, rộng hơn theo phương châm 16 chữ "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai". Các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước, đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Ðức Lương và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào đã góp phần tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trên nhiều lĩnh vực. Ðặc biệt, kim ngạch thương mại song phương năm 2005 theo dự kiến đạt hơn tám tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra ban đầu là 5 tỷ USD.

Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Ðảng, hai Nhà nước Việt - Lào tiếp tục được củng cố và tăng cường. Hợp tác, giao lưu giữa các bộ, ngành và địa phương không ngừng được thúc đẩy, thể hiện mối quan hệ truyền thống tốt đẹp và tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc.

Chuyến thăm Cam-pu-chia của Tổng Bí thư Nông Ðức Mạnh và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hun Sen đã đưa quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia có bước phát triển mới; đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới theo phương châm "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài". Nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác quan trọng đã được ký kết, đặc biệt là Hiệp ước bổ sung Hiệp ước biên giới năm 1985 đã được ký và được hai bên phê chuẩn. Với Hiệp ước này, hai nước đã giải quyết cơ bản những tồn tại chung quanh vấn đề biên giới lãnh thổ trên bộ, giúp ổn định khu vực biên giới, khai thác tối đa các điều kiện thuận lợi để phát triển các khu vực vùng biên, góp phần xây dựng đường biên giới hợp tác, hữu nghị và ổn định lâu dài giữa hai nước.

Quan hệ của Việt Nam với các nước ASEAN tiếp tục được củng cố và tăng cường. Nhiều cơ chế, khuôn khổ hợp tác đã hình thành và đang được triển khai có hiệu quả như cơ chế tham khảo chính trị cấp cao, Hiệp định khung về kết nối hai nền kinh tế Việt Nam và Singapore; cơ chế họp nội các chung hằng năm Việt Nam - Thái-lan và nhiều cơ chế hợp tác khác với các nước trong khu vực trên nhiều lĩnh vực.

Trong khuôn khổ ASEAN, chúng ta đã phát huy vai trò chủ động, có những đóng góp thiết thực và quan trọng vào các hoạt động chung của Hiệp hội, góp phần tăng cường đoàn kết nội khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, phối hợp lập trường giữa các nước thành viên trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, từng bước nâng cao vị thế của chúng ta trong Hiệp hội.

Quan hệ của chúng ta với các nước lớn, các nước công nghiệp phát triển, các trung tâm kinh tế - chính trị thế giới cũng được mở rộng và có những bước phát triển nhanh. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải đã thiết lập được khuôn khổ quan hệ giữa hai nước "hữu nghị, đối tác xây dựng, hợp tác nhiều mặt, ổn định lâu dài trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi". Quan hệ kinh tế, thương mại Việt - Mỹ có bước phát triển nhảy vọt, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, quan hệ trên các lĩnh vực khác như giáo dục, đào tạo, khoa học - kỹ thuật, y tế... cũng được thúc đẩy.

Quan hệ kinh tế thương mại với Nhật Bản có bước phát triển nhanh, tích cực. Nhật Bản tiếp tục dành cho ta những khoản viện trợ, vốn vay lớn, với cam kết hơn 100 tỷ yên vốn ODA trong năm tới; các nhà đầu tư Nhật đang quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa nước ta với các nước EU không ngừng tăng. EU tiếp tục dành ưu tiên cao cho Việt Nam trong các chương trình viện trợ phát triển. Chuyến thăm chính thức Canada, Australia và New Zealand của Thủ tướng Phan Văn Khải đã thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác ổn định, lâu dài giữa nước ta với các nước này, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư... Ngoài ra, quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước khác ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ la-tinh, tiếp tục được củng cố và mở rọng.

Có thể nói năm 2005 cũng là năm hoạt động ngoại giao đa phương diễn ra sôi động và có hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội ta đã tham gia rất nhiều diễn đàn, hội nghị quốc tế và khu vực quan trọng như: Hội nghị Cấp cao Á - Phi, kỷ niệm 50 năm Hội nghị Bangdung tại Indonesia; Hội nghị cấp cao APEC 13 ở Hàn Quốc; Hội nghị Cấp cao ASEAN 11 và cấp cao Ðông Á lần thứ nhất, tại Malaysia; Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt về sóng thần tại Indonesia; Hội nghị cấp cao Tiểu vùng Mê-công mở rộng (GMS) lần 2, tại Trung Quốc; Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo Nghị viện tại New York; Hội nghị AIPO lần thứ 26 tại Lào; Hội nghị cấp cao kiểm điểm thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên Hợp quốc tại New York...

Sự tham gia tích cực của Việt Nam đã góp phần vào thành công của các diễn đàn, hội nghị và qua đó, chúng ta có thể chia sẻ, học hỏi từ bạn bè thế giới về những kinh nghiệm phát triển. Dự các hội nghị quốc tế với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo các nước cũng là dịp để lãnh đạo ta có nhiều cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, bàn những biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước.

Năm 2005 cũng là năm chúng ta đã từng bước chủ động đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Các cuộc đàm phán, gặp gỡ song phương và đa phương về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã được tiến hành ở nhiều nơi, với nhiều đối tác trên thế giới một cách chủ động và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ngành, các cấp, giữa trong và ngoài nước. Ðến nay, ta đã hoàn thành việc đàm phán gia nhập WTO với 23 trên tổng số 28 đối tác song phương và đang đẩy mạnh vận động để sớm kết thúc đàm phán với các đối tác còn lại.

Hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế có những tiến bộ mới. Nội dung kinh tế được thể hiện rõ nét trong mọi hoạt động chính trị đối ngoại. Các doanh nghiệp luôn là một bộ phận quan trọng trong tất cả các chuyến công tác nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo Ðảng và Nhà nước. Các hoạt động thúc đẩy đầu tư, thương mại, tranh thủ viện trợ, hợp tác lao động, quảng bá du lịch... được đẩy mạnh. Với những nỗ lực đó, số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2005 đã vượt mốc 5 tỷ USD là con số cao nhất trong vòng gần 10 năm trở lại đây. Số vốn ODA các nhà tài trợ vừa cam kết dành cho Việt Nam trong năm tới là 3,74 tỷ USD, một con số kỷ lục từ trước đến nay, phản ánh lòng tin của cộng đồng quốc tế vào sự thành công của Việt Nam trong quá trình đổi mới và phát triển. Ngoài ra, chúng ta cũng tranh thủ được sự giúp đỡ và hợp tác của các nước trong việc khống chế và đối phó với dịch cúm gia cầm.

Công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ, khơi dậy những tình cảm sâu sắc hướng về Tổ quốc của bà con người Việt. Nhiều đoàn đại biểu của kiều bào ở khắp nơi trên thế giới đã về nước tham dự kỷ niệm các ngày lễ lớn ở trong nước, nâng cao lòng tự hào dân tộc. Lòng tin của bà con đối với chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Ðảng và Nhà nước ta ngày càng được khơi dậy và củng cố. Ngày càng có nhiều bà con Việt kiều về thăm quê hương, du lịch, hợp tác làm ăn, kinh doanh, đầu tư... Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả, tạo thêm cầu nối gắn bó Việt kiều với quê hương, đất nước.

Bên cạnh các hoạt động ngoại giao của Ðảng và Nhà nước, các hoạt động ngoại giao của Quốc hội, ngoại giao nhân dân, ngoại giao của các đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội và các địa phương cũng không ngừng được mở rộng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối ngoại, góp phần làm thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người Việt Nam, tạo ra sự đan xen trên nhiều tầng nấc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Công tác ngoại vụ địa phương của các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp biên với các nước láng giềng đã được đẩy mạnh, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ, hiểu biết lẫn nhau.

Công tác thông tin đối ngoại tiếp tục được cải tiến, đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, định hướng dư luận, giải tỏa những ý kiến không thuận và đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc. Chúng ta cũng chủ động ra Sách trắng về nhân quyền, nêu bật những thành tựu trong bảo vệ và phát huy quyền con người ở nước ta, góp phần đấu tranh chống các luận điệu vu cáo ta trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc. Tiếp theo Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, quần thể hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, nhã nhạc cung đình Huế, năm qua không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ðây chính là những lời giới thiệu vô giá với thế giới về thiên nhiên và văn hóa Việt Nam.

Tình hình quốc tế và khu vực trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ hội đan xen với khó khăn thách thức, tuy nhiên nhìn tổng thể chúng ta vẫn có được môi trường đối ngoại tương đối thuận lợi. Năm 2006 sẽ là năm diễn ra Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ X, và cũng là năm đầu tiên trong kế hoạch 5 năm phấn đấu để đến năm 2010 đưa nước ta sớm thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Hơn lúc nào hết, đối ngoại Việt Nam cần phải phát huy hơn nữa tính chủ động và phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, tranh thủ tối đa các thuận lợi từ bên ngoài. Theo đó, trong thời gian tới, công tác đối ngoại sẽ phải tập trung vào những nhiệm vụ chính sau:

Một là, phục vụ và triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại do Ðại hội Ðảng lần thứ X đề ra.

Hai là, không ngừng củng cố và hoàn thiện khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài với các nước láng giềng khu vực và các đối tác lớn, đưa các mối quan hệ đối tác đã được thiết lập ngày càng đi vào chiều sâu.

Ba là, cần đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế, đặc biệt là gia tăng nỗ lực đàm phán để sớm gia nhập WTO, tích cực chuẩn bị cho giai đoạn hậu gia nhập, để sẵn sàng tranh thủ thời cơ và đối phó với những thách thức. Tiếp tục phát huy vai trò và vị thế của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế và khu vực, bảo đảm lợi ích của ta đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Bốn là, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14, tại Hà Nội - sự kiện ngoại giao lớn nhất của nước ta năm 2006, tạo dấu ấn Việt Nam.

Năm là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đồng thời góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với nước có cộng đồng người Việt.

Sáu là, phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; chính trị đối ngoại và kinh tế đối ngoại; đối ngoại và quốc phòng, an ninh, tạo nên sự đan xen nhiều tầng nấc về quan hệ và lợi ích, góp phần tăng cường sức mạnh tổng hợp của công tác đối ngoại.

Nhìn lại hoạt động đối ngoại năm 2005 chính là để suy ngẫm cho năm tới, chúng ta càng củng cố thêm lòng tin vào bản lĩnh và sự chỉ đạo sáng suốt của Ðảng và tin tưởng rằng, ngoại giao Việt Nam sẽ phát huy vai trò và thế mạnh của mình để vượt qua mọi khó khăn thách thức, tiếp tục giành được những thành tựu mới, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại mà Ðại hội Ðảng X đề ra, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

LÊ CÔNG PHỤNG
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao