(VietNamNet) - Nhiều cơ quan, tổ chức thậm chí chính quyền địa phương đứng ra xin phép sử dụng vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe rồi khoán trắng hoặc tổ chức đấu thầu, sau đó để tư nhân tự do hoạt động.
Theo Ban Thanh tra GTCC Hà Nội, Hà Nội chỉ có 88/294 điểm trông giữ xe có phép. 200 điểm trông giữ xe hoạt động trái phép nên rất phức tạp, bát nháo.
Đội Thanh tra GTCC quận Hoàn Kiếm cho biết, tình trạng trông giữ xe đạp, xe máy không phép là chuyện phổ biến ở quận. Điểm trông giữ xe đạp, xe máy ở phố Nguyễn Xí là một ví dụ điển hình về vi phạm. Phạt xong lại tái phạm. Đây là tình trạng chung của nhiều quận nội thành.
Việc phát hiện các điểm trông giữ trái phép thì dễ, nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Cơ quan chức năng không thể đem toàn bộ xe ở những điểm trông giữ vi phạm lên xe ôtô chở về bãi tập trung xử phạt. Nếu kiên quyết xử lý những điểm vi phạm, có thể phải "đối đầu" với chính quyền, công an địa phương. Đặc biệt, có không ít trường hợp, lực lượng chức năng phải "nịnh" chủ thể vi phạm để thu tiền phạt!
Có một thực tế, nhiều cơ quan, tổ chức đứng ra xin phép sử dụng vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe rồi khoán trắng hoặc tổ chức đấu thầu sau đó để tư nhân tự do hoạt động. Thậm chí, ở một số nơi, chính quyền địa phương còn tự cho mình quyền được cấp phép trông giữ xe. Để kinh doanh có lãi, người nhận thầu tuỳ tiện nâng giá trông xe, sử dụng vé không hợp lệ. Trong khi đó, Nhà nước thất thu thuế và người dân chịu mức phí cao hơn quy định từ 2-3 lần, nhất là vào các dịp Lễ, Tết có thể cao hơn đến 10 lần.
Bất lực?
Hiện nay, toàn TP.Hà Nội có hơn 1 triệu xe máy, hàng vạn xe ôtô. Số phương tiện sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi quy định hạn chế đăng ký xe máy đã được bãi bỏ và xe ôtô giá rẻ được phép nhập khẩu vào nước ta.
Về lâu dài, nhu cầu gửi xe ô tô, xe máy của người dân thủ đô sẽ tăng. Mới đây, thành phố cũng đã cho phép đầu tư xây dựng bãi đỗ xe hiện đại ở khu Hoàng Cầu. Tuy nhiên, đó không phải là chuyện một sớm, một chiều.
UBND TP. HN đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị lớn khi xây dựng cần tính toán diện tích để xe cho đơn vị mình, hạn chế việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để xe. Các đơn vị, cá nhân có điều kiện về diện tích được khuyến khích tham gia trông giữ xe. Thành phố cũng yêu cầu cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương kiểm tra, quản lý điểm trông giữ xe.
Trong thời gian tới, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, rà soát, xử lý các điểm trông giữ xe hiện nay. Trong đó, việc xây dựng tuyến phố văn minh thương mại được chú ý vì có chiều hướng quá tải nơi trông giữ xe, không sát với điều kiện thực tế.
Thượng tá Hoàng Thanh Bình, Trưởng phòng Cảnh sát trật tự (CA TP.HN) cho biết, sau đợt kiểm tra này, trên cơ sở đánh giá thực trạng, cần làm rõ trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức. Hơn nữa, các ban, ngành, địa phương cũng có những đề xuất cụ thể để xây dựng kế hoạch phối hợp đồng bộ giải quyết vấn đề bức xúc này.
Từ thực trạng hoạt động bát nháo của các điểm trông giữ xe ở Hà Nội cho thấy để quản lý tốt các điểm trông giữ xe, đặc biệt là trông giữ xe đạp, xe máy hiện nay, chỉ riêng ngành GTCC là không thể đủ. Nếu không có sự tham gia của lực lượng công an, việc xử phạt, quản lý, dẹp bỏ hầu như bất lực!
Thụy Du
▪ Tuần lễ ẩm thực Sa Pa tại Hà Nội (10/03/2006)
▪ Hạn chế tác hại trời nồm (10/03/2006)
▪ Những luận điệu sai trái và phi lý (10/03/2006)
▪ Ðến với những điển hình và nhân tố mới (10/03/2006)
▪ Chúng tôi in số báo Nhân Dân đầu tiên ở chiến khu Việt Bắc (10/03/2006)
▪ Báo Nhân Dân điện tử ngày càng đổi mới (10/03/2006)
▪ Sự khích lệ và những ý kiến phê bình thẳng thắn của bạn đọc (10/03/2006)
▪ Tự tin không phải là điều khó (10/03/2006)
▪ Tháng 5 sẽ khởi công xây dựng cầu chính Phú Mỹ (10/03/2006)
▪ Tuyển sinh đại học 2006 sẽ xiết chặt kỷ luật (10/03/2006)