(VietNamNet) - Thực dụng như chính các tín chủ, thông điệp Hán Nôm dâng "chư Phật" 10 phương có đủ các từ ngữ "đương đại": "Tiền vào như nước, tiền ra từ từ", xây nhà, tậu xe, trúng mánh, thăng chức..., được viết bởi nhiều "thầy" vốn liếng chưa đầy dăm chục chữ.
![]() |
Ông Hạnh nắn nót khai bút "mở hàng" sáng mồng 1 Tết. |
Mấy ngày đầu năm, các bàn viết sớ, xem sao giải hạn dọc đường vào các đền, chùa, phủ (đặc biệt là Phủ Tây Hồ) đông nghịt; người đi lễ chùa đứng vòng trong, vòng ngoài đợi đến lượt. Những lá sớ được viết theo "văn phong" của khách vội vàng hơn, nên nghệch ngoạc hơn; hầu như không có trao đổi, thoả thuận nào về nội dung như thường lệ. Giá sớ cũng tăng, từ 5.000 đồng lên 7.000 - 10.000 đồng/lá.
"Thầy" hành nghề viết sớ, xem sao lâu năm nhất trước chùa Hà (P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội), ông Nguyễn Văn Hạnh (78 tuổi, ở làng Áng Phao, Cao Dương, Thanh Oai, Hà Tây) nói thật: những ngày này, khách thập phương đi lễ rầm rập, không nhanh tay thì mất khách. Nên cánh viết sớ không dại mà nhiều lời giải thích này nọ, cứ lẳng lặng phục vụ, kể cả những chữ viết khó ngang "lên giời" như "lên ghế" (thực ra là tấn tài), thoát "bẫy" làm ăn (tai qua nạn khỏi). Người nhiều chữ thì gắng ghi đủ ước nguyện của khách. Dân "nghèo" vốn chữ thì viết bừa cho xong.
Thế nên, không ít lá sớ ghi thiếu địa chỉ, sai tên, họ tín chủ, thậm chí nhầm năm (Bính Tuất thành... Ất Dậu!). Còn những lời khẩn cầu của tín chủ có trong giấy này hay không, có giời mới biết! Tờ sớ chưa ráo mực đã được tín chủ không biết lấy một Hán tự bẻ đôi mang vào chùa, rồi hoá thành tro; chữ nghĩa thế nào, chỉ chư Phật 10 phương mới có thể kiểm chứng!
Ông Hạnh nói, may mắn là Tết năm nay chưa xảy ra đôi co nào giữa người viết sớ và khách hàng. Năm ngoái, ở bàn đầu phố, một ông khách kỹ tính đã đòi nghe lại tất cả những chữ viết trong sớ và nổi xung vì bị từ chối. May mà ông này chưa phát hiện sự thật phũ phàng của sớ Tết, do các thầy "kém" chữ viết: Hầu hết các chữ giống hệt nhau, người giỏi Hán tự cũng không dịch nổi!
Với người đi lễ, đây là hành động báng bổ thần thánh không thể dung tha, nhưng với dân "trong nghề", sự "phạm huý" này có thể chấp nhận bởi "văn" sớ (gồm "đối tượng" nhận, ước nguyện) đã được in sẵn trên các lá sớ, chỉ thiếu tên tuổi, địa chỉ gia chủ (mà những chi tiết này có sai thì Đức Phật từ bi hỉ xả vẫn chứng giám được lòng thành gia chủ).
Theo UBND phường Dịch Vọng, trong "đội quân" làm dịch vụ lễ chùa (bán hương hoa, bánh trái, dịch vụ đổi tiền lẻ, cho thuê mâm bày lễ, khấn thuê, trông xe...) trước chùa Hà, có 13 người dựng biển viết sớ, đến từ nhiều tỉnh: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh... Đa số đều "có chữ", nhưng vốn liếng, bút pháp đến đâu không ai biết.
"Dâng một đồng, trông một nén"?
Ông Nguyễn Văn Hạnh làm nghề viết sớ đã gần nửa thế kỷ (trong đó 17 năm trước cổng chùa Hà, vào các ngày rằm, mồng 1), nhưng chỉ vài năm nay mới gặp những người đi lễ cuồng tín đến khó tin. Có người trước Tết đặt ông viết đến gần trăm lá sớ xin giải hạn để dâng ở nhiều đền, chùa suốt 30 ngày của tháng Giêng. Có người cũng từng mua đến 30 lá cầu tài, đặt ban thờ Đức chúa Ông ở chùa Hà (vị thánh được dân "ghiền" đi lễ Hà Nội cho là có quyền năng tối cao về phù trợ làm ăn, kinh doanh) suốt tháng đầu năm.
Những lời cầu khẩn mà các khách hàng đặc biệt này đòi ghi trong lá sớ mới thật khôi hài; luôn luôn là "xin lộc Ngài", gồm chức tước, tiền bạc và nếu được toại nguyện, xin cảm tạ bằng... tiền!
Nhiều tín chủ khác, tuy không bạo gan hứa hối lộ "đấng bề trên" trắng trợn như vậy, nhưng lại dùng tiền "đồng" để chen bằng được lá sớ cúng sao giải hạn của mình vào các chùa lớn. Để được nhà chùa phát sớ này, dự lễ cúng sao (thường tổ chức nhằm ngày mồng 8 Tết), các tín chủ không phải là phật tử "ruột" thường tới dâng lễ (trong đó không quên một chiếc phong bì) từ trước Tết. Tín chủ "có nhời" càng sớm, nhà chùa càng khó chối từ.
"Có kiêng, có lành", tốn vài trăm nghìn và mất vài giờ đồng hồ nhưng lòng nhẹ tênh suốt năm...(!?)
Sớ đẹp tự lòng người
30 Tết năm nay, để cây cối trong sân chùa Hà không bị khách thập phương bẻ cành, bứt lá, ông Hạnh lại lụi cụi buộc lên những cành thấp nhất các phong giấy đỏ. Trong đó, ông vẽ các chữ Phúc, Lộc, Thọ, An khang hoặc Thịnh vượng. Khoảng hai chục phong khác, ông dành tặng những khách mở hàng ông sáng mồng 1.
Ở làng Áng Phao của ông, khoảng gần chục ông già biết Hán tự cũng làm việc này để chúc tân xuân người đi lễ đêm giao thừa.
Ông bảo, làm sớ tuy là nghề mưu sinh, nhưng lại là nghề tâm linh, liên quan cái chữ, nên cần "đẹp, và "sạch". Sạch, là trung thực, quyết không lừa thiên hạ, báng bổ thánh thần, chỉ võ vẽ vài chữ đã dám dựng ô, sắp bàn ngồi hành nghề. Đẹp, là có tâm linh cúng Phật, lấy thiện nguyện (chứ không phải vật chất) làm đầu.
Nhưng để mọi lá sớ đều là thông điệp đẹp của người phàm trần dâng các đấng linh thiêng, ông Hạnh cho rằng "tâm linh" ấy cũng cần phải có trong những người bỏ tiền thuê viết sớ.
Nói về việc dâng sớ lễ chùa đầu năm, thầy Thích Tâm Thọ (trụ trì chùa Vạn Phước, đường Điện Biên Phủ, TP.Huế) cho biết, phần đông người đi lễ chùa, thậm chí các phật tử (hay một số tín đồ của các tôn giáo) đều cầu nguyện cho riêng mình, gia đình mình. Đa số cầu xin được khoẻ mạnh, bình an, được lợi lộc trong học hành, thi cử hoặc trong sự nghiệp công danh, làm ăn...
Theo thầy Thích Tâm Thọ, đây là sự vô minh, đồng nghĩa với mê tín, nên gắng tránh xa, bằng cách hiểu Đức Phật luôn từ bi, Tài tại Thân, An tại Tâm; mọi lời cầu khấn ích kỷ đều khó thấu tai đấng bề trên hơn ước nguyện bình an, no ấm cho thiên hạ; đặc biệt, cho những người khốn khó.
▪ Tết và nỗi lo về thực phẩm chứa hàn the (26/01/2006)
▪ 16 điều người cao tuổi nên tránh trong ngày Tết (26/01/2006)
▪ Người giữ “núi tiền” (27/01/2006)
▪ Sắc mầu món ăn ngày Tết (27/01/2006)
▪ Chó Phú Quốc: Quý và hiếm (27/01/2006)
▪ Lễ hội rước trâu đầu năm (27/01/2006)
▪ Lịch sử và những năm Tuất (27/01/2006)
▪ Chơi mai vàng phương nam (27/01/2006)
▪ Hương sắc lan rừng ngày Tết (27/01/2006)
▪ Những tục Tết lý thú ở các nước (27/01/2006)