(VietNamNet) - Mực nước các sông năm nay tiếp tục xuống thấp khiến hai ngành: nông nghiệp, điện đứng ngồi không yên. Số phận gần 644.500 ha lúa vụ xuân đang treo trên sợi tóc. Nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng gây thiệt hại cho ngành điện đến 600 tỷ đồng đã cận kề.
Sông Hồng tại Hà Nội dự báo sẽ tiếu hụt nước 30-40%. Ảnh Hà Trường. |
Lại khát nước
Ông Nguyễn Đình Ninh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) cho biết, lượng dòng chảy của sông Lô, song Thao, sông Đà hiện đều hụt so với trung bình nhiều năm, như sông Đà (tại Hòa Bình) là 12-20%, sông Thao (tại Yên Bái) 20-25% và sông Lô (Tuyên Quang) 25-37%. Riêng sông Hồng tại Hà Nội hụt 30-40%, đặc biệt, đã có thời điểm sông Hồng chỉ còn 1,97m (ngày 27/12/2005), mức thấp nhất trong vòng hàng trăm năm lại đây.
Trong khi đó, ngoài một số hồ chứa có mức nước xấp xỉ thiết kế, một số hồ ở Bắc Giang đạt mức thấp như Cấm Sơn, Khuôn Thần; các hồ chứa nhỏ Đá Ong, Cầu Giễ, Tân Gia, Cầu Cháy... chỉ đạt 50 - 60% công suất... Với lưu vực nhỏ, mùa khô kéo dài, lượng nước sinh thủy bổ sung sẽ không đáng kể.
Tính đến 30/11/2005, các công ty thủy nông khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ còn nợ các công ty điện lực gần 68,6 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là Công ty Điện lực 1 với trên 60 tỷ, Công ty Điện lực Hà Nội 2,9 tỷ đồng, Công ty Điện lực Hải Phòng 302 triệu đồng, Công ty Điện lực Hải Dương 2 tỷ đồng, Công ty Điện lực Ninh Bình 2,9 tỷ đồng từ mùa khô hạn 2005. |
Theo ông Trương Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn (KTTV), các sông suối ở khu vực Đông Bắc có khả năng thiếu hụt từ 30 - 40% so với trung bình nhiều năm, tình hình khô hạn ở khu vực này sẽ gay gắt hơn nhiều so với khu vực phía Tây.
Như vậy, theo Cục Thủy lợi, hạn hán có thể sẽ tiếp tục xảy ra trên diện rộng; một số tỉnh buộc phải chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.
Sở NN-PTNT Hà Tây cho biết, có tới 40% trong số 95.000ha lúa của tỉnh có khả năng thiếu nước. 8.500/37.000ha lúa của Phú Thọ cũng có thể mất trắng vì thiếu nước. Tỉnh Thái Bình cũng có thể mất hàng trăm tỷ đồng do hạn hán có thể đe dọa nghiêm trọng đến 82.000ha lúa vụ xuân - vụ ít rủi ro nhất trong năm.
Hiện nay, hạn hán đã làm cho nước mặn với nồng độ cao lẫn sâu vào nội địa, hạn chế việc lấy nước tưới đầu vụ ở vùng ven biển, cửa sông; đồng thời, gây khó khăn rất lớn cho việc lấy nước tưới của nhiều cống và trạm bơm.
Căng thẳng thời gian đổ ải
Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình Đào Trọng Thuần cho biết, để có thể đưa nước vào đồng, tỉnh phải nạo vét 3,6 triệu m3 đất kênh mương, nay đã thực hiện dược 1,8 triệu m3. Đối với các sông, ao hồ ở xã, huyện, mỗi người dân phải dành ngày một nửa ngày công để đi nạo vét các công trình thủy lợi do tỉnh không có kinh phí. Tại Thái Bình, từ ông bí thư huyện ủy đến em học sinh cũng tham gia nạo vét. Cùng với đó, 3.000 - 4.000ha đất vùng đồi cao, khó lấy nước sẽ được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.
Vào thời điểm này, Cục chỉ đạo các địa phương đã và đang tiếp tục đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 295.000ha cây trồng vụ đông 2005; đồng thời đảm bảo nước tưới cho 644.500ha lúa xuân gieo cấy năm 2006. Do vậy, ngành đã khẩn trương sửa chữa, nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng, với tổng khối lượng ít nhất là 18 triệu m3 mới đảm bảo đưa nước tưới và dãn nước tưới trong vụ đông xuân này (với điều kiện mực nước sông Hồng tại Hà Nội ở mức thấp nhất thường xuyên là 2,3m trở lên). Công việc này dự kiến hoàn thành trong 1/2006.
Tại Hội nghị bàn biện pháp phòng chống hạn hán cho các tỉnh phía Bắc, diễn ra hôm nay (13/1) tại Hà Nội, lãnh đạo Cục Thủy lợi đã thống nhất với các địa phương quan điểm: ngoài việc tiến hành nạo vét, sửa chữa công trình, cần phải lên lịch sao cho rút ngắn nhất thời gian đổ ải, phấn đấu hoàn thành đổ ải trước 28/2, tránh để thời gian đổ ải kéo dài.
Đối với vùng thủy triều, cần tranh thủ lấy nước khi triều lên. Dự báo trong tháng 1-2/2006, có 5 đợt triều cường cần theo dõi để tận dụng lấy nước là từ 1-5/1, 11-19/1, 26/1-2/2, 8-15/2 và 23/2-1/3.
Đối với ngành điện, Bộ NN-PTNT kiến nghị để duy trì mức nước hạ du sông Hồng thường xuyên ổn định ở mức tối thiểu 2,3m trở lên từ ngày 15/1-28/2, tạo điều kiện cho các hệ thống thủy nông lấy đủ nước phục vụ đổ ải, tăng lượng xả trong kỳ triều cường.
EVN có thể thiệt hại 600 tỷ đồng
Ông Trần Văn Được, Phó Tổng Giám đốc EVN, nói rằng, nhu cầu điện trong sinh hoạt đặc biệt tăng cao vào dịp 5-6/2006. Năm 2005, phụ tải điện đã tăng 28%, với lượng điện tăng thêm 60 triệu kWh. Dự kiến năm nay, nhu cầu điện tăng 15% và lượng điện thiếu hụt lên tới 65-70 triệu kWh.
Do vậy, ngay từ cuối năm ngoái, EVN phải thực hiện các biện pháp điều hành khai thác nguồn điện hợp lý trong các tháng của mùa khô 2006. Theo đó, bắt đầu từ 1/2006, các hồ thủy điện phía Bắc phải được khai thác, điều hành chặt chẽ theo kế hoạch.
Tuy nhiên, điều này lại phụ thuộc vào những cơn lũ tiểu mãn xuất hiện từ 5-20/5/2006, với lưu lượng nước trên 1.000m3/giây. Ông Được lo lắng rất có thể năm nay sẽ không có lũ tiểu mãn, các hồ chức sẽ không được bổ sung thêm nước.
EVN đã có văn bản chỉ đạo các Công ty Điện lực và Trung tâm Điều độ hệ thống diện quốc gia chủ động làm việc với các Sở NN-PTNT, Công ty khai thác công trình thủy lợi (CTTL) địa phương để nắm bắt lịch thời vụ, nhu cầu sử dụng điện cho việc bơm nước trong từng thời điểm để thống nhất kế hoạch và phương thức cấp điện. Bên cạnh đó, theo ông Được, cứ 2 ngày lại xả hết một mét nước cho việc cấp điện, do vậy, mục tiêu của ngành điện là giữ mực nước tối thiểu 105m để đợi lũ chính về (khoảng 15/6 hàng năm) mới đảm bảo nước cho cung ứng điện.
Ông Đặng Huy Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, lại cho rằng, mỗi tháng hồ Hòa Bình chỉ được xả 5m nước. Nếu ngành nông nghiệp đề nghị thời gian đổ ải từ 15-28/2 thì quá dài, tới 45 ngày. Với mực nước xả 1.000m3/giây, ngành điện sẽ mất tới 900 triệu kWh, tức 25 triệu kWh/ngày. Riêng việc này đã làm Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) thiệt hại tới 500-600 tỷ đồng. Vì thế, ông Cường kiến nghị cần giảm thời gian xả nước càng ngắn càng tốt.
Nếu xả nước thường xuyên, với mức cao trong vòng một tháng rưỡi thì rất có thể đến cuối tháng 6, hồ Hòa Bình chỉ còn dưới 90m nước, trên mực nước chết (80m) vài mét.
Giải tỏa lo lắng của ngành điện ông Phạm Đức Thăng, Giám đốc Công ty Công trình Thủy lợi Bắc Hưng Hải kiến nghị EVN và ngành nông nghiệp điều tiết nước theo lịch trình:
- Từ 15-25/1 xả nước, duy trì mực nước trên 2,3m.
- Từ 25/1 đến qua Tết, ngừng xả nước.
- Từ 4-18/2, tập trung xả nước mạnh, duy trì mức nước hồ Hòa Bình 2,2-2,4m.
Hà Yên
▪ Quan hệ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc (13/01/2006)
▪ Trưng bày tranh phục dựng hình ảnh Thăng Long cổ (13/01/2006)
▪ Căn bệnh học đường thời nay (13/01/2006)
▪ Xích lô trên thành phố biển (13/01/2006)
▪ Tết, đến Vân Phong "ở ẩn" (13/01/2006)
▪ Thất thoát hàng trăm tỷ đồng (13/01/2006)
▪ Tăng 6.000 tỷ đồng vốn phục vụ người nghèo (13/01/2006)
▪ Hy vọng mới về nhà ở cho người thu nhập thấp (13/01/2006)
▪ Người nhặt đinh trên quốc lộ 1A (13/01/2006)
▪ Người nhặt đinh trên quốc lộ 1A (13/01/2006)