"Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 1975-2000 có 38.849 người chết và 65.852 người bị thương do các loại bom mìn và vật liệu chưa nổ khác nhau gây ra... Bộ Quốc phòng trích dẫn con số thương vong “trung bình” là “hằng năm có 2.000 nạn nhân... Tuy nhiên, con số (thực tế) có thể nhiều hơn rất nhiều lần”.
Do Việt Nam chưa có một cơ sở dữ liệu cấp quốc gia về tai nạn liên quan tới bom mìn sót lại (BMSL) nên rất khó có thể ước tính chính xác về con số thương vong ở đây.
Từ tháng 7-2003 tới tháng 6-2004, theo con số do các phương tiện thông tin đại chúng và các tổ chức phi chính phủ quốc tế công bố, BMSL đã gây ra tổng cộng 89 vụ tai nạn, làm 74 người chết và 145 người bị thương.
Gần như chắc chắn rằng số liệu này ít hơn con số thực tế, tuy nhiên rất khó có thể biết được con số chính xác. So với báo cáo cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, số vụ tai nạn do BMSL gây ra đã tăng lên.
Nhìn chung, BMSL ảnh hưởng tới các cộng đồng dân cư nhiều nhất vào cuối những năm 1970, đầu những năm 1980 - thời kỳ sau khi chiến tranh kết thúc. Các cuộc điều tra đã tìm ra mối tương quan chặt chẽ và trực tiếp giữa tình trạng ô nhiễm BMSL và đói nghèo.
Theo các quan chức chính phủ, trên phạm vi toàn quốc có tới 4.359km2 đất bị bỏ hoang do có chứa bom mìn, gây “ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế quốc gia”. Bên cạnh đó, người ta cũng đề cập tới ảnh hưởng về mặt tâm lý. Đó là nỗi lo ngại BMSL hạn chế khả năng làm việc của người lao động.
Sau khi gặp phải tai nạn do BMSL gây ra, các gia đình nghèo thường rơi vào tình trạng kiệt quệ do những ảnh hưởng về kinh tế cũng như tinh thần. Họ phải bán đất, vật nuôi và các tài sản khác để chi phí thuốc men.
Trẻ em phải nghỉ học để ở nhà chăm sóc các thành viên trong gia đình hoặc lao động để kiếm thêm thu nhập. Gần 1/3 các gia đình có nạn nhân sống sót hiện đang sống với mức 5.000 đồng/ngày (tương ứng với 0,3 USD Mỹ/ngày) hoặc ít hơn.
Tỷ lệ thất nghiệp đối với những nạn nhân sống sót nhiều gấp 3,5 lần so với khi họ chưa gặp phải tai nạn. Phải mất hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ họ mới có thể có lại các điều kiện sống như trước kia.
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh ở Việt Nam khiến ngày càng có nhiều người tới gần các khu vực còn BMSL. Hiện nay, các thành phố như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và nhiều nơi khác đang được mở rộng và ngày càng tiến gần hơn những khu vực thuộc các vành đai quân sự thời kỳ chiến tranh.
Hơn nữa, người dân dễ đến những vùng nông thôn hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi BMSL nhờ những con đường mới mở như đường Hồ Chí Minh dài 1.767km dọc biên giới phía tây.
Thu gom phế liệu và chất nổ đã trở thành một hoạt động kinh tế tại Việt Nam từ sau cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tuy nhiên, ngành kinh doanh này phát triển mạnh trong những năm gần đây do giá bán phế liệu tăng cũng như việc người ta ngày càng dễ tìm ra chúng.
Con số thương vong liên quan tới BMSL tăng mạnh trong năm 2003 - 2004 do việc tìm kiếm bom. Tính tới nay, đây là nguyên nhân của hơn phân nửa số vụ tai nạn liên quan tới BMSL.
Hơn 30 năm kể từ khi cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam kết thúc, đất nước này vẫn đang phải chịu ảnh hưởng sâu sắc từ BMSL. Theo ước tính của Bộ Quốc phòng Việt Nam, 5% trong số vật liệu nổ đó đã không phát nổ và hiện có 350.000 - 800.000 tấn bom mìn vẫn nằm trong lòng đất.
Chính phủ Việt Nam coi rà phá bom mìn là một việc quan trọng cần ưu tiên. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một chiến lược quốc gia hoặc cơ quan điều phối các hoạt động về bom mìn chưa nổ tầm quốc gia.
Các tổ chức quốc tế tham gia lĩnh vực hoạt động này đã tăng từ ba tổ chức vào cuối những năm 1990 lên 30 tổ chức vào năm 2003. Sự phối hợp giữa các bên nên tiếp tục vào những năm tới".
ANDREW WELLS DANG (*)
(Trích đoạn phần báo cáo về Việt Nam của công trình "Nghiên cứu toàn cầu về vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và mìn sát thương 2003-2004")
(*) Andrew Wells Dang, đại diện tại Việt Nam của Quỹ Hòa giải và phát triển (Mỹ), đồng tác giả "Nghiên cứu toàn cầu về vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và mìn sát thương 2003-2004" (*), được công bố cuối tháng tám. Nghiên cứu này là dự án do các tổ chức Landmine Action (Anh), Actiongroup Landmine.de (Đức) và Mines Action Canada phối hợp thực hiện.
|