Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với những nội dung cụ thể
Các Website khác - 26/09/2008

 
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường, vừa chịu sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN
Hanoinet - Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vừa được ban hành, đã đặt ra hàng loạt nhóm nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có hơn 30 đề án cụ thể được hoàn thành vào năm 2010.

Chương trình hành động xác định và phân công thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu nhằm triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 30/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Chương trình hành động đã nêu rõ các nhóm chủ yếu, gồm: Thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện thể chế về sở hữu, phân phối, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chủ thể trong nền kinh tế, hoàn thiện thể chế bảo đảm đồng bộ các yếu tố thị trường và phát triển đồng bộ các loại thị trường; hoàn thiện thể chế gắn kết tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển và bảo vệ môi trường.

Chương trình hành động cũng nhấn mạnh nhiệm vụ hoàn thiện thể chế nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và của nhân dân vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể hóa Chương trình hành động thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm

Trên cơ sở những nhiệm vụ, nội dung, công việc chủ yếu trong Chương trình hành động, người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương trực tiếp chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động của Bộ, ngành, địa phương mình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/10/2008; trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm.

Theo Chương trình hành động, có 56 nhóm nội dung công việc chủ yếu, trong đó có 31 đề án cụ thể trong đó chỉ rõ cơ quan chủ trì, thời gian hoàn thành và sản phẩm (luật, dự thảo luật, đề án...). Chẳng hạn, tháng 6/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành Đề án xây dựng và đưa vào thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích liên kết hỗn hợp giữa sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân để trình Chính phủ.

Tháng 6/2009, Bộ Tài chính cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hoàn thành đề án ban hành cơ chế, chính sách nhằm củng cố và mở rộng hơn nữa hệ thống an sinh xã hội.

Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, thực hiện cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước theo hướng thu hút được các đối tác chiến lược và giữ cổ phần chi phối của Nhà nước. Áp dụng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về quản trị và giám sát ngân hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính trình Chính phủ trong tháng 12/2008.

Ngoài ra, còn có các đề án về quản lý giá cả, thị trường, an sinh xã hội, việc làm... Việc bổ sung, sửa đổi luật pháp, chính sách về tiền lương, tiền công cũng nằm trong Chương trình hành động này.

Theo Chinhphu.vn