- Theo quan sát của các ông, tình hình kinh tế VN hiện nay như thế nào?
Tổng thư kí UBCK và giao dịch Thái Lan Thirachai Phuvanatnaranubala
Ông Thirachai: VN là một đất nước phát triển rất nhanh. Trong tình thế đó, các nước thường có xu hướng bị mất cân bằng. Các nước đang phát triển như VN hay Thái Lan phải phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi cách thức kinh doanh... mà các nước phát triển đã phải tốn rất nhiều thời gian để thay đổi và tạo dựng. Hầu hết các nước phải xây dựng trong vòng 70 năm và từng bước hình thành và hoàn thiện trong quãng thời gian dài đó.
Những nước như VN, Thái Lan phải đuổi kịp và xây dựng trong một thời gian ngắn. Do đó, chúng ta có xu hướng tạo dựng những khoảng cách phát triển, mất cân đối. Đó là điều VN có thể học từ sai lầm của các nước để cải thiện. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng VN sẽ làm tốt.
Ông Bimal Jalan: Các chỉ số của VN tốt nếu xét về chỉ số công bằng xã hội, tăng trưởng. Có thể thấy Chính phủ VN đã làm tốt, trừ nửa năm gần đây với lạm phát cao.
Rõ ràng, tăng trưởng không chưa đủ, mà rất cần các chính sách đi kèm, chính sách xã hội, giáo dục. Chúng ta biết nền kinh tế cần đi tới đâu, trở thành nền kinh tế thị trường cạnh tranh, nhưng Chính phủ cũng cần có những hành động để chăm sóc người dân, đặc biệt là người nghèo, đảm bảo họ có thể có việc làm, tiếp cận những nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần.
VN có tiềm lực lớn để sớm phục hồi
- Tình hình VN so với Thái Lan trước khủng hoảng 1997 như thế nào?
Ông Thirachai: Tình hình hai nước không giống nhau. VN có cơ hội lớn hơn nhiều để khôi phục nhanh hơn. Vào thời điểm khủng hoảng của Thái Lan năm 1997, rất nhiều nước láng giềng cũng ở trong tình trạng tương tự. Indonesia, Hàn Quốc cũng đều tham gia các chương trình hỗ trợ của IMF. Ngay cả những nước không cần sự hỗ trợ của IMF cũng trong tình thế kinh tế suy giảm và rất khó khăn.
Trong khi đó, vào thời điểm này, các nước láng giềng châu Á của VN vẫn trong tình trạng tương đối tốt. Do đó, nhu cầu về dài hạn các sản phẩm và dịch vụ từ VN đến các nước này vẫn còn rất lớn. Đó là điều kiện để kinh tế VN phục hồi nhanh hơn.
Ông Bimal Jalan: Về cơ bản tình hình hai nước khác nhau, chỉ cùng gặp vấn đề về quản lý dòng tiền vào. Chắc chắn VN sẽ phục hồi nhanh. Các bạn có tiềm lực lớn: sản xuất, đầu tư lớn, vốn trong nước đảm bảo và một xã hội thống nhất.
Thỏa hiệp trong kinh tế
Nguyên Giám đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ Bimal Jalan
- Chính phủ VN đã tiến hành rất nhiều biện pháp, chuyển từ ưu tiên tăng trưởng sang ưu tiên chống lạm phát, để đưa đất nước vượt ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay nhưng tới thời điểm này vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn. Theo ông, điều gì VN cần đẩy mạnh hơn?
Ông Thirachai: Các biện pháp mà Chính phủ VN áp dụng là đúng đắn, cũng giống như tất cả các nước trong tình thế tương tự đưa ra và áp dụng. Nhưng chúng ta phải chấp nhận một thực tế rằng, dù là biện pháp gì chăng nữa thì cũng có độ trễ về thời gian để đạt hiệu quả và sẽ mất nhiều thời gian để kêu gọi các nhà đầu tư trở lại.
Trong tình trạng mất cân đối, chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng đây là thời điểm để mọi người thích ứng, ở khu vực tư cũng như khu vực công.
Ông Bimal Jalan: Việc VN chuyển từ ưu tiên tăng trưởng cao sang chống lạm phát là hoàn toàn đúng đắn. Khi dòng tiền vào quá lớn, VN không thể quản lý được dòng tiền chặt chẽ, biên độ tăng tín dụng quá nhanh, như cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan nói. Trong bối cảnh đó, lựa chọn tốt nhất là áp dụng chính sách thắt chặt. Đó là bước đi đúng và mọi người cần ủng hộ.
Trong nền kinh tế luôn có sự thỏa hiệp. Bạn không thể đạt được mọi thứ mà bạn muốn. Giống như khi bạn gặp tình trạng lạm phát cao, bạn không thể thực hiện được mong muốn tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế cao như trước. Bạn phải chấp nhận việc giảm mức tăng trưởng xuống một chút trong vài năm, lãi suất tăng lên, hoặc sẽ để lạm phát quá cao, thậm chí rơi vào khủng hoảng.
Những sự thỏa hiệp này đảm bảo cho sự ổn định. Sau 4-5 năm, tình hình sẽ được giải quyết triệt để. Ấn Độ đã từng ở trong tình trạng tương tự, chỉ khác về quy mô. Hiện nay, Ấn Độ cũng quan ngại về tình hình lạm phát cao, khoảng 11,5%, và mức tăng trưởng cao khoảng 9%. Chúng tôi cần áp dụng biện pháp thắt chặt. Tăng trưởng có thể giảm xuống nhưng nó là cần thiết.
VN cần học từ sai lầm của các nước
- VN có thể học được kinh nghiệm gì từ trong chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là thị trường tài chính?
Ông Thirachai: Mỗi nước sẽ tiến hành những chính sách tiền tệ khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của nước đó. Bài học kinh nghiệm của Thái Lan là chúng tôi đã học, trước hết là việc cải thiện và đẩy nhanh sự phát triển của thị trường vốn nhằm đảm bảo đa dạng hóa các sự lựa chọn về kênh ngân hàng khi các dòng vốn rủi ro cao đổ vào.
Trong giai đoạn khủng hoảng, khi dòng vốn đổ vào Thái Lan nhiều, kênh duy nhất là phân phối qua ngân hàng đến các DN. Việc này dẫn tới thiếu hiệu quả, dẫn tới đầu tư quá nhiều, vượt quá năng lực tiếp nhận. Nếu như dòng vốn đổ vào được quản lý, và được lưu chuyển trong thị trường vốn, sẽ hiệu quả hơn. Bởi vì thị trường vốn minh bạch hơn nhiều, dòng vốn sẽ được sử dụng tốt hơn.
Chúng tôi thấy cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị trường vốn. Và đó là bài học mà chính quyền VN có thể xem xét.
Với những chính sách hiện nay, thị trường sẽ hoạt động tốt trong tương lai, bởi chính quyền VN rất tích cực, chủ động trong nghiên cứu thị trường quốc tế, đưa các tiêu chuẩn quốc tế áp dụng vào thị trường VN. Tất nhiên, điều này đòi hỏi mất nhiều thời gian. Và Chính phủ VN phải học kinh nghiệm từ không chỉ khu vực công mà cả khu vực tư. Một khi những việc này được tiến hành tốt, tôi tin rằng thị trường tài chính VN sẽ một lần nữa thu hút sự quan tâm đầu tư của quốc tế như trước.
Ông Bimal Jalan: Với Ấn Độ, chúng tôi hành động trước khi khủng hoảng xảy ra. Chúng tôi đồng thuận, thực hiện chính sách nhất quán để giải quyết vấn đề.
VN cũng có thể học bài học kinh nghiệm từ Sri Lanka. Kinh tế Sri Lanka cũng có yếu tố bong bóng nhưng Chính phủ đang thực hiện các biện pháp rất tốt để xử lý.
VN cũng cần lưu ý vấn đề lương thực rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao, giá lương thực tăng cao. Giá hàng hóa, năng lượng đều là những yếu tố tác động bên ngoài, trong khi lương thực là yếu tố bên trong, tác động đến người nghèo, không phải lên người giàu. Giá lương thực tăng chỉ làm giãn thêm khoảng cách giàu nghèo.
Vấn đề khoảng cách cần được xem là ưu tiên trong xử lý câu chuyện lạm phát. Điều này VN có thể tham khảo thêm các kinh nghiệm, thành công và thất bại, của Ấn Độ, ASEAN và các nước châu Á khác, đặc biệt là những bài học từ sai lầm của các nước.
Phương Loan (thực hiện)
▪ Sự chênh lệch nam - nữ khi sinh ở Việt Nam đang ở mức cao nhất (03/07/2008)
▪ Hoạt động của Hoa hậu Thế giới Trương Tử Lâm tại Hà Nội (02/07/2008)
▪ Những nàng dâu sống trong 'ngục' nhà chồng (02/07/2008)
▪ Việt Nam làm gì trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an? (02/07/2008)
▪ Tháng 7-2008: Lần đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (01/07/2008)
▪ Nhiều cải cách mạnh mẽ phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế (01/07/2008)
▪ Nghèo tiền bạc nhưng giàu hạnh phúc (30/06/2008)
▪ Cán bộ thủ đô phải về tận “điểm nóng”! (28/06/2008)
▪ Quảng Ngãi: diễu hành cổ động Ngày quốc tế phòng chống ma túy (27/06/2008)
▪ Thủ tướng chỉ đạo kiềm chế lạm phát 6 tháng cuối năm (26/06/2008)