Vì muốn có tiền tiết kiệm, phòng lúc khó khăn, một số bà nội trợ ở TP HCM đã chơi hụi (chơi họ) bằng nhiều cách. Từ hụi chết, tháng, tuần đến góp hằng ngày theo kiểu nuôi lợn đất. Nhiều người đã bị lừa, sập hụi..., rơi vào tình cảnh điêu đứng, thậm chí mất cả nhà cửa.
Hai năm trước con bà Nguyễn Thị Bích ở phường 25, quận Bình Thạnh bị tai nạn giao thông, gãy chân. Bà phải chạy vạy vay đầu này, hốt non hụi kia được hơn 5 triệu đồng để chạy chữa cho con. Bệnh vừa chữa xong thì bà đã phải gánh khoản nợ hơn 20 triệu đồng vì lãi vay đứng, lãi hụi do không có tiền đóng trong hơn 1 năm trời...
Bà Bích phải thế chấp ngôi nhà nhỏ đang ở cho chủ hụi giá 30 triệu đồng để lấy tiền trả nợ. Ăn hết số tiền thừa, không có việc làm, bà lại phải vay hụi tiếp để sống. Quanh đi quẩn lại, nợ chất chồng, bà buộc phải bán luôn nhà cho chủ hụi giá chỉ 80 triệu đồng, chỉ bằng một nửa giá thị trường, rồi khăn gói gia đình đi thuê nhà trọ.
![]() |
Nhiều chủ hụi ở chợ cũng đồng thời quản lý đường dây hụi trong khu phố. Ảnh: P.A. |
Muốn để dành số tiền lớn, bà được một chủ hụi nhỏ trong xóm rủ chơi hụi lợn đất, mỗi ngày góp 10.000 đồng hoặc ít hơn tùy theo khả năng. Tất cả lần đóng hụi đều được ghi sổ đàng hoàng. Cuối năm, chủ hụi tính tổng số tiền đã góp là bao nhiêu để trả lại cho bà Bích, kèm theo 1-2 thùng nước ngọt gọi là làm quà Tết chứ không trả lãi. Kể với VnExpress, bà Bích nghẹn ngào nói, biết là không có lời khi gửi cho chủ hụi, nhưng bà tiết kiệm được khoản tiền vài triệu trong năm, chứ nếu nuôi lợn đất trong nhà thì đến khi túng thiếu bà lại lấy ra tiêu mất.
Cũng theo bà Bích, bà muốn gửi tiền vào ngân hàng nhưng không nơi nào chịu nhận mỗi ngày vài nghìn đồng như chủ hụi, chưa kể mỗi lần gửi phải đến ngân hàng làm thủ tục, người lao động nghèo như bà không quen. Do đó, gửi chủ hụi là thuận lợi nhất. Nhưng chủ hụi đàng hoàng thì còn đỡ, gặp các đường dây hụi thuộc giới giang hồ thì chỉ cần có các tay đòi nợ thuê đến trực ở nhà một ngày là con hụi phải bán tống bán tháo bất cứ tài sản nào có giá một chút để trả, nếu không muốn bị xiết nợ. Bà Bích phải bán nhà cho chủ hụi là vì vậy.
Phất lên nhờ làm chủ hụi
Trong các xóm dân lao động tại TP HCM, nghề làm chủ hụi được xem là hốt bạc nhất vì ngoài tiền lời hụi, họ còn kiêm cả việc cho vay tiền đứng, tiền góp với lãi suất cao. "Nhân đạo" thì lãi 3-5%/tháng, "bóc lột" hơn thì lấy mức 10-20%. Dây hụi càng lớn, càng nhiều chân rết thì càng có lãi.
Người ăn nói khéo léo, tương đối có uy tín, nhà cửa đàng hoàng một chút... là có thể đứng ra làm chủ một đường dây hụi nho nhỏ. Các chủ lớn có thể đứng 1 lúc hàng chục dây hụi với phạm vi mở rộng vài ba quận, thậm chí hơn, số tiền huy động từ những đường dây hụi lên đến hàng chục tỷ đồng. Các chủ hụi lớn bao giờ cũng nuôi thường trực một đội ngũ chuyên đi đòi nợ thuê, trên người đầy hình xăm trổ, mở miệng ra là chửi tiếng mẹ đầu tiên, để làm ông ba bị đi đe dọa các con hụi mắc nợ.
Chủ hụi nhỏ như bà Hồng ở quận Gò Vấp, làm chủ 2 đường dây hụi riêng và góp hụi vào 2 dây của chủ khác nữa, trong vòng 3 năm, từ chỗ đi thuê nhà ở, bà Hồng mua đất, xây nhà riêng, sắm một lúc 3 chiếc xe máy đời mới.
Một chủ hụi lớn khác tên Mai ở quận 11 nổi tiếng trong giới với tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng, cả chục ngôi nhà, nửa tá xe hơi..., chủ yếu là do các con hụi nợ lãi, nợ vốn và vay nóng, vay đứng gán nợ.
Sập hụi, chính quyền mới vào cuộc
Trung bình mỗi năm TP HCM xảy ra khoảng 3 vụ giật hụi lớn với giá trị 1-3 tỷ đồng một vụ. Những vụ sập hụi nhỏ hơn thì gần như ngày nào cũng xảy ra trong các khu phố, con hẻm dân lao động... Mới đây nhất là vụ giật hơn 4 tỷ đồng tiền hụi ở chợ Bà Hoa, trong đó số tiền góp của các bà nội trợ trong các khu phố chợ phường 11, Tân Bình, chiếm hơn một nửa. Năm ngoái, một vụ giật hụi lớn gần 5 tỷ đồng cũng xảy ra ở quận 5, công an phải vào cuộc, chủ hụi Nguyễn Thị Trúc Oanh bị xộ khám để bóc lịch và đếm tiền trong mơ.
Người dân khu phố 39 Nguyễn Công Tráng, quận 1 sáng nào cũng gặp bà Dung, một chủ hụi kiêm cho vay nặng lãi cỡ bự ở khu vực này, đi lang thang ngoài đường với đầu bù tóc rối. Dân khu phố kháo nhau, bà Dung bị điên do căng thẳng thần kinh sau khi những đường dây hụi của bà sập tan hoang, trong lúc đó lại phải nuôi đội ngũ đòi nợ thuê và trốn tránh công an hỏi thăm...
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo phường 25, quận Bình Thạnh cho biết, mặc dù vấn đề hụi, hội đã được mang ra bàn nhiều lần ở các cuộc họp Quốc hội với nhiều ý kiến trái ngược nhau, song hiện tại luật pháp vẫn cấm hình thức huy động vốn này. Quan chức này cũng thừa nhận, chính quyền bó tay không thể ngăn chặn được các đường dây hụi vì chúng hình thành một cách tự nguyện trong những khu dân cư, tiểu thương chợ. Chỉ bao giờ xảy ra vỡ, giật hụi, nạn nhân đến trình báo thì chính quyền địa phương mới biết.
Cho đến nay, 1 tuần sau khi dây hụi ở chợ Bà Hoa bị vỡ, Công an phường 11, quận Tân Bình cho biết vẫn chưa nhận được đơn thư khiếu nại của những người bị hại. Ngại báo chính quyền địa phương, không muốn dính đến pháp luật mặc dù rất muốn lấy lại tiền, khiến nhiều nạn nhân của hụi đành ngậm tăm, cắn răng chịu đựng.
Phan Anh
▪ Huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng (17/02/2006)
▪ Các nhà thầu xây lắp tính tiền lương cho người lao động như thế nào? (17/02/2006)
▪ Dự án chờ... dự án (17/02/2006)
▪ Mỗi ngày một ly sữa! (17/02/2006)
▪ Tai nạn lao động nghiêm trọng gia tăng ở TP HCM (17/02/2006)
▪ Hai siêu thị ở TP HCM bị phạt vì bán hàng kém chất lượng (17/02/2006)
▪ Khởi động sớm cuộc cạnh tranh tại các bến xe TP HCM (17/02/2006)
▪ Những đơn vị mượn xe của Bùi Tiến Dũng giãi bày (17/02/2006)
▪ Quá 20 tuổi không được xét tốt nghiệp THCS (17/02/2006)
▪ Giá thuốc tăng trong biên độ cho phép (17/02/2006)