![]() |
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Điều phát biểu tại hội trường. |
• Có nên ghi ưu đãi vào giấy phép đầu tư?
Vấn đề có hay không ghi những ưu đãi vào giấy phép đầu tư của doanh nghiệp được nhiều đại biểu tập trung thảo luận. Đại biểu Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) cho rằng, việc ghi ưu đãi vào luật sẽ góp phần cụ thể hoá ưu đãi đầu tư. Điều này sẽ khiến doanh nghiệp không phải mất thời gian mở căn cứ tham chiếu và là “bảo bối” để doanh nghiệp phòng thân, khỏi bị “hành” khi đi xác định ưu đãi.
Tán đồng với ý kiến này, đại biểu Hồ Xuân Phương (Nghệ An) cho rằng, nguyện vọng của các nhà đầu tư là nên ghi vào giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh, bởi việc này không phải đến mức khó quá mà chúng ta không làm được. Trên thực tế, không phải dự án nào cũng được ưu đãi đầu tư, bởi chỉ có ưu đãi ở những địa bàn, lĩnh vực nhất định và số lượng không phải quá nhiều.
Tuy nhiên, không đồng tình với ý kiến này, đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) cho rằng, không nên ghi ưu đãi vào giấy phép, bởi như vậy có thể nảy sinh cơ chế “xin – cho” khi doanh nghiệp thay đổi hoạt động. Hiện nay, chúng ta đang áp dụng cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp thuế, vì vậy, nên để nhà đầu tư tự xác định và tính với cơ quan thuế. Tuy nhiên, để thuận tiện, luật nên ghi thêm nội dung: “Trong trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu thì được ghi vào giấy chứng nhận”.
• Cần có chế tài đối với công chức không thực hiện đúng quy định
Trong dự án luật có quy định: dự án đăng ký cấp phép phải hoàn thành trong 7 ngày, dự án được thẩm định phải hoàn thành trong 30 ngày. Đại biểu Nguyễn Ngọc Lâm (Hải Phòng) nhấn mạnh, để quy định này khả thi, luật phải có chế tài để thực hiện. Chế tài cần quy định rất rõ về hình thức, trách nhiệm của những người triển khai thực hiện thủ tục về quá trình đầu tư này như thế nào để thực hiện cho tốt.
Trên thực tế, nhiều cán bộ công chức cứ nhận hồ sơ, cho vào ngăn kéo, rồi 7 ngày sau, có thể theo đúng quy định nhà đầu tư lên hỏi thì bảo còn thiếu văn bản này, văn bản khác... Vì vậy, chúng ta cần có quy định cụ thể ngay từ lúc đầu, thời điểm mà nhà đầu tư mang văn bản về đầu tư lên trình các cấp có thẩm quyền, thì bản thân cơ quan đó phải trả lời ngay tập hồ sơ này có đủ thủ tục hay không. Nếu không đủ thủ tục phải trả về cho doanh nghiệp ngay để kịp thời bổ sung.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Văn Chính (Đà Nẵng) nêu ví dụ, giám đốc một doanh nghiệp làm hồ sơ để lấy giấy phép kinh doanh vì doanh nghiệp này thay đổi địa chỉ. Trong quá trình đi nhận giấy phép, giám đốc doanh nghiệp mất giấy chứng minh nhân dân, anh ta đưa passport ra thì người đưa giấy phép nói không được, vì passport anh để đi chơi, chứ không sử dụng để đi nhận giấy phép! Vị giám đốc này trình bày đã mất giấy chứng minh nhân dân, thế mà cả 5 ngày sau anh ta không nhận được hồ sơ.
Từ ví dụ này, đại biểu Huỳnh Văn Chính giải thích, vấn đề ở đây là những người thực thi công vụ đã làm cho người ta nản lòng. Cho nên, luật cần có những quy định cụ thể, chế tài để tránh những điều, khoản mà cán bộ cứ vận dụng kiểu nào cũng được, gây rất nhiều phiền toái.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Việt Hùng (Hải Phòng) cho rằng, thời gian để thẩm tra đầu tư đối với các dự án trên 300 tỷ là 30- 40 ngày không phải là nhiều. Tuy nhiên, việc không quy định cụ thể thời gian từ khi nhận hồ sơ sau bao nhiêu ngày cơ quan nhận hồ sơ phải cho các nhà đầu tư biết hồ sơ có hợp lệ hay không? Cần bổ sung và sửa chữa những gì?
• Lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cần qua thi tuyển
Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp, nhiều đại biểu tập trung thảo luận về hiệu quả của hoạt động chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sang mô hình công ty liên doanh, cổ phần. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) tỏ ra bức xúc trước thực trạng hiện nay rất nhiều DNNN sau khi chuyển đổi sang một trong 2 mô hình trên thì không bảo toàn được nguồn vốn và tài sản của nhà nước, gây thất thoát lớn.
Chính vì thực trạng trên, nhiều đại biểu có chung ý kiến: Dự thảo luật cần quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của người đứng đầu DNNN, bởi hiện nay, nhiều chủ tịch HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước dù doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hay thua lỗ thì cá nhân họ vẫn được hưởng lợi chứ không mất gì. Bởi vậy, theo nhiều đại biểu, dự thảo luật phải quy định rõ tiêu chuẩn cụ thể để được làm chủ tịch HĐQT, giám đốc, tổng giám đốc DNNN. Và nếu họ không hoàn thành nhiệm vụ, không làm việc có hiệu quả thì phải xử lý bằng những chế tài cụ thể.
Đại biểu Dương Kim Anh bổ sung: “Việc bổ nhiệm giám đốc, tổng giám đốc của các DNNN cần phải theo hình thức thi tuyển. Nghị quyết Trung ương 3 đã quy định: doanh nghiệp chủ động lựa chọn và bố trí cán bộ quản lý theo hướng chủ yếu là thi tuyển. Theo tôi, có thi tuyển mới tìm được người quản lý giỏi!”.
Theo Sài Gòn Giải phóng
▪ Sinh viên và Mỹ Tâm thăm Honda Việt Nam (29/10/2005)
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Người dân mất cảnh giác (04/11/2005)
▪ Chim cảnh trước "cơn bão" cúm gia cầm (04/11/2005)
▪ Sốt thuốc Tamiflu ở TP Hồ Chí Minh (04/11/2005)
▪ Tuổi vàng nữ trang hạ chuẩn, khách hàng thiệt (05/11/2005)
▪ Nguyễn Thái Học, phố văn hóa đêm ở Hà Nội (05/11/2005)
▪ Phát triển khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp đổi mới (04/11/2005)
▪ Về định hướng Xã hội Chủ nghĩa trong xây dựng đất nước ta hiện nay (04/11/2005)
▪ Công tác cứu hộ nhìn từ Huế (05/11/2005)