"Điều kiện làm việc chưa tốt, tiền lương thấp... khiến công nhân ở nhiều doanh nghiệp nước ngoài suy sụp và khi có tác động bất kỳ, họ dễ đình công. Công đoàn hiện không kiểm soát nổi tư tưởng họ nên khó vận động chỉ bằng lý lẽ", ông Lê Trung Nghĩa, Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất TP HCM, nói.
Cũng theo ông Nghĩa, do mức lương tối thiểu thấp, công nhân ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày có vốn đầu tư nước ngoài đã phải tăng ca nhiều để thêm thu nhập. Nhưng tổng lương họ nhận được chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Trong khi đó, giá cả hàng tiêu dùng không ngừng leo thang. Và bức xúc của công nhân ví như bát nước đầy, thêm một tác động nào đó là tràn ra. Đợt đình công đang diễn ra là hệ quả của tình trạng này.
Thu nhập của công nhân ở nhiều doanh nghiệp có vốn nước ngoài chưa tương xứng với sức lao động. Ảnh: T.V. |
Còn theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng lao động tiền lương, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM, hiện công đoàn của các cơ sở đang rơi vào tình trạng tê liệt và hầu hết các cuộc đình công đã xảy ra một cách tự phát.
Theo đại diện các cơ quan chức năng TP HCM, hôm nay (5/1), tình hình đình công trên địa bàn đã dịu đi nhiều. Thành phố chỉ phát sinh một số cuộc đình công với quy mô nhỏ. Trong đó, có đình công của 7.000 công nhân Công ty Freetrend, KCX Linh Trung 2, do suất ăn trưa không đảm bảo chất lượng. Đại diện của Freetrend đã chấp thuận yêu cầu nâng chất lượng khẩu phần ăn nhưng đến chiều nay, toàn bộ công nhân đã nghỉ việc. Còn 4 công ty Danu Vina, Latek, Kollan và Wei Hua, xảy ra đình công trong những ngày qua, vẫn chưa hoạt động bình thường. Dự kiến ngày mai, công nhân của Kollan trở lại công xưởng và ngày 9/1, công nhân của Latek mới làm việc. Cơ quan an ninh thành phố đã triệu tập một số đối tượng quá khích, đập phá cơ sở vật chất của các doanh nghiệp trong quá trình đình công để chấn chỉnh, giáo dục. Trong đó có những người thất nghiệp, bỏ việc. Riêng tại Bình Dương, tình hình đình công vẫn gia tăng. Hôm nay, có khoảng 12 doanh nghiệp, chủ yếu có vốn đầu tư nước ngoài, xảy ra tình trạng này. |
Chủ tịch công đoàn các Khu chế xuất TP HCM cho biết thêm, mọi năm trên địa bàn TP HCM, thời điểm cận Tết có thể xảy ra đình công yêu cầu tăng lương và cải thiện các điều kiện làm việc. Nhưng đợt đình công năm nay kéo dài và nan giải hơn. "Thông thường tranh chấp được giải quyết nhanh vì thuộc phạm vi của doanh nghiệp và thành phố. Năm nay, nguyên nhân chủ yếu của các vụ đình công liên quan tới việc điều chỉnh mức lương tối thiểu. Chính phủ phải sớm có quyết định về vấn đề này mới đảm bảo chấm dứt được đình công", ông Nghĩa nói.
Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM, đại diện Sở Lao động Thương bình và Xã hội thành phố, đại diện lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng đồng tình. "Trước khi xảy ra đình công, một số doanh nghiệp có sẵn phương án tăng lương cho người lao động. Hầu hết đều trong tâm thế đợi quyết định điều chỉnh chính thức bằng văn bản của Thủ tướng", Chủ tịch Liên đoàn lao động TP HCM Nguyễn Huy Cận cho biết.Cũng theo ông Cận, trong thời gian chờ quyết định của Chính phủ, các doanh nghiệp trên địa bàn sẽ tăng lương tạm thời để trấn an tinh thần người lao động.
Trước tình trạng đình công ồ ạt theo chiều hướng phức tạp trong những ngày qua, lãnh đạo nhiều công ty bày tỏ lo lắng vì cơ sở vật chất, máy móc có thể bị các đối tượng quá khích đập phá, gây thiệt hại. Các doanh nghiệp đang đốc thúc mọi biện pháp để ngăn chặn đình công có thể xảy ra.
Theo ông Lê Hồng Phoa, Giám đốc Công ty may xuất khẩu Protrade và là Chủ tịch Chi hội Dệt may tỉnh Bình Dương, cách tốt nhất để tránh đình công hiện nay là đảm bảo lương - thưởng cuối năm cho công nhân. Doanh nghiệp phải tính tiền thù lao xứng đáng với công sức người lao động. Tuy nhiên, ông Phoa cũng nhìn nhận, Bình Dương đang có rất nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động. Hiện tượng đình công xảy ra là khó tránh khỏi khi mức lương tối thiểu của công nhân làm việc tại các công ty nước ngoài chưa được điều chỉnh.
Đồng quan điểm trên, ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Bình Hoà, quận Gò Vấp, TP HCM, cho rằng, người lao động phải giải quyết nhiều nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống, sinh hoạt nên doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao thu nhập cho họ. "Nguồn nhân công ổn định với tinh thần tốt thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả được. Chủ doanh nghiệp không chỉ nói không mà phải có chế độ thưởng, phạt một cách sòng phẳng", ông Ngọ khẳng định.
Ông Lương Văn Lý, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM, nhận định, nếu đình công kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đình công là điều bình thường ở các nước trên thế giới nên tác động không đáng kể đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Luật sư Phạm Quốc Hưng, đoàn luật sư TP HCM, khi có tranh chấp tập thể phải thông qua hòa giải của hội đồng hòa giải cơ sở. Nếu không thành, hội đồng trọng tài lao động tỉnh tiếp tục thực hiện công tác này và hòa giải không thành mới ra quyết định giải quyết tranh chấp. Khi không đồng ý với quyết định này, tập thể người lao động có thể chọn một trong hai cách: khởi kiện ra tòa hoặc đình công. Tuy nhiên, việc đình công phải do Ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành với sự tán thành của quá nửa tập thể người lao động. Trước khi đình công, người lao động phải gửi yêu cầu cụ thể của cuộc đình công cho người sử dụng lao động và Liên đoàn lao động tỉnh. Những tranh chấp phải phục vụ quyền lợi của tập thể và không vượt ngoài phạm vi giải quyết của doanh nghiệp. Cũng theo ông Hưng, căn cứ luật định, đến nay, hầu hết các cuộc đình công tại TP HCM đều bất hợp pháp, không đúng quy trình. Tuy nhiên, giữa luật định và thực tế còn bất cập. Thực tế, người lao động tổ chức đình công khi yêu cầu của họ đang rất bức xúc, cần được giải quyết ngay, trong khi tiến hành đúng luật định phải mất tới gần 20 ngày. Ông Hưng cho biết thêm, đình công bao giờ cũng gây thiệt hại cho cả 2 bên nên chỉ xem đây là biện pháp cuối cùng. Vì chủ doanh nghiệp có thể khởi kiện ra tòa và người lao động có thể rơi vào tình thế bất lợi trước toà. |
Nhóm phóng viên
▪ Mỹ thuật đầu năm, bàn về thương hiệu (04/01/2006)
▪ Tây Ninh phát triển du lịch văn hóa và lễ hội (04/01/2006)
▪ Buông lỏng từ đầu nguồn (05/01/2006)
▪ Hoa tết: trời lạnh nhưng giá không nóng (05/01/2006)
▪ Vai trò của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (04/01/2006)
▪ Thành đạt với nghiệp xích lô (04/01/2006)
▪ Bốn câu hỏi cho dự án đường Hồ Chí Minh (04/01/2006)
▪ Hiến pháp 1946, công cụ màu nhiệm để đoàn kết toàn dân (04/01/2006)
▪ Kiên quyết xử lý những hành vi quá khích (05/01/2006)
▪ Đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức (04/01/2006)