Không nên gọi ai là "cấp tiến" hay "bảo thủ"
Các Website khác - 01/03/2006

(VietNamNet) - Tôi cảm nhận từ bài viết của GS. Nguyễn Đức Bình tinh thần trách nhiệm cao của một nhà nghiên cứu lý luận lão thành, lo lắng và trăn trở trước các vấn đề mới nảy sinh trong đời sống chính trị của đất nước. Chúng ta không nên gọi ai là “cấp tiến” hay “bảo thủ”. Các ý kiến tâm huyết đều đáng quý và chính trong sự trao đổi cởi mở, chúng ta - tất cả mọi người - sẽ góp phần vào việc làm sáng rõ những vấn đề trên. Ý kiến của TS. Trần Đăng Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Tôi xin mạnh dạn phát biểu một số ý kiến xung quanh vấn đề đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô.

Xét từ góc độ thực tiễn:

Ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.

Đã từ lâu nay đảng viên không bị cấm làm kinh tế tư nhân. Nay có điểm khác là làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô. Tôi nghĩ chủ trương đó đã bao hàm nội dung: đảng viên có thể làm kinh tế theo mọi mô hình, từ kinh tế tiểu chủ đến tư bản tư nhân. Điều này là hợp lý, bởi một khi làm kinh tế, không thể nào nói đến mức này thì dừng. Làm thành công, có vốn liếng nhiều thêm, có tiềm lực mạnh hơn, điều tự nhiên là người làm phải mở rộng quy mô. Đã có thời chúng ta cho mọi người làm kinh tế tư nhân chỉ ở mức thuê dưới 10 nhân công. Như vậy trái với quy luật tự nhiên của sản xuất. Theo tôi không có vấn đề “biến báo” gì trong cách diễn đạt trong văn kiện dự thảo của Đảng về vấn đề này như Giáo sư Nguyễn Đức Bình viết.

Cho đến thời điểm này, nếu Đảng không cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân (bao gồm tư bản tư nhân) thì sẽ tự mâu thuẫn với một loạt những chủ trương, những phát ngôn công khai của Đảng thời gian qua, và với tình huống hiện thực bây giờ. Đảng kêu gọi tất cả mọi người dồn tài trí, khả năng để làm giàu cho bản thân, làm giàu cho đất nước, cam kết đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tôn vinh lao động của doanh nhân chân chính.

Ngay trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam - nơi tôi làm việc - vài năm gần đây xuất hiện những chương trình nhằm khơi gợi khát vọng, khuyến khích mọi người mạnh dạn bước vào con đường lập doanh nghiệp ( “Khởi nghiệp”, ”Làm giàu không khó”…) Vậy nếu Đảng khuyến khích người ngoài Đảng mà riêng đảng viên thì không cho phép làm, người ta có quyền hiểu rằng các chủ trương trên chỉ là các giải pháp tình thế, để giải quyết các khó khăn hiện tại, còn thực chất, Đảng vẫn coi người làm kinh tế tư bản tư nhân là làm một việc gì đó “không sạch sẽ” mà đảng viên không được nhúng tay vào. Người ta cũng có quyền nghĩ rằng trong lúc hô hào động viên như vậy, Đảng để ngỏ một khả năng đến lúc nào đó sẽ lại “công hữu hoá”, kết thúc một chu kỳ “vỗ béo để làm thịt”! Điều quan trọng không phải là chu kỳ ấy dài bao nhiêu và nó có thực tế hay không. Điều quan trọng là cách nhìn nhận.

Đã có thời nhiều người phải trả lại thẻ đảng vì đã bước vào làm chủ doanh nghiệp tư nhân. Cũng đã có thời điểm có cuộc “rà soát” các đảng viên có làm kinh tế tư nhân. Nhưng sau đó Đảng đã có chủ trương các đảng viên làm doanh nghiệp tư nhân, nếu chấp hành đúng pháp luật, điều lệ, thì vẫn được giữ tư cách đảng viên của mình. Đó là những giải pháp đúng đắn, nhưng vẫn có tính chất xử trí tình huống. Bây giờ không thể không có một chủ trương rõ ràng, dứt khoát. Hoặc là được, hoặc là không. Nếu không, có nghĩa là mọi đảng viên đang làm doanh nghiệp tư nhân phải rời hàng ngũ của Đảng. Như vậy nếu là đảng viên, chỉ có thể hoặc là công nhân, nông dân, hoặc làm công chức. Hoá ra là: Người đảng viên làm công cho chủ thì xứng đáng là đảng viên, còn nếu đã là chủ thì dứt khoát không thể xứng đáng? Điều này cũng có nghĩa là đảng viên phải nghèo hơn các thành phần khác, có nghèo hơn thì mới còn lập trường đảng viên? Cái này đã có gì như một thứ chủ nghĩa khắc kỷ với hơi hướng tôn giáo.

Tất nhiên, có thể có phản biện rằng: nếu có tài kinh doanh, đảng viên hãy cống hiến trong lĩnh vực kinh tế quốc doanh. Liệu bao nhiêu phần trăm đảng viên có tài năng kinh doanh có cơ hội này? Có rất nhiều đảng viên có tài kinh doanh đã “xếp hàng” mà không bao giờ đến lượt để thi thố trong kinh tế quốc doanh, và họ đã chuyển ra “làm ngoài”, cái được lớn nhất chưa hẳn là tiền bạc, mà chính là cái cơ hội được phát huy, cái cảm giác được làm thật, cái niềm vui (trong rất nhiều vất vả) được “làm chủ bản thân”, được thực sự đem lại lợi ích cho gia đình mình, và cho nhiều người lao động khác nữa. Kể cả trong trường hợp họ thất bại, ít ra họ cũng có cảm giác thực sự chịu trách nhiệm, không nấp sau ai, và không bị chịu hộ cho ai.

Tiếp nữa: Giải thích ra sao về việc lãng phí, kém hiệu quả, thất thoát lớn lại ở khu vực kinh tế quốc doanh? C. Mác đã viết: “Chúng ta đau khổ không những vì sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa mà còn đau khổ vì nó chưa phát triển đầy đủ”. Liệu có thể xin phép C. Mác mà thêm vào “và cả vì sự non yếu và bị làm méo mó của nền sản xuất xã hội chủ nghĩa“ được không?

Cuối cùng: Xét từ góc độ hiệu quả xã hội, và cả từ góc độ sức chiến đấu của Đảng, có nên có hai khu vực kinh tế phân biệt: khu vực kinh tế của những người trong Đảng, và khu vực kinh tế của người ngoài Đảng?

Tôi nhớ Anghen có nói, đại ý: Lý do C. Mác và tôi đưa ra học thuyết của mình là: phải là súc vật mới có thể quay lưng với những thống khổ của con người.

Nỗi thống khổ đó không phải của ai khác, mà là của giai cấp vô sản thời kỳ tư bản chủ nghĩa từ lúc nó ra đời “mỗi lỗ chân lông đầy máu và nước mắt” đến thời điểm hai vị chứng kiến.

Ngày nay, trên thế giới cũng như ở nước ta đã có nhiều thay đổi. Dẫu có thể không còn ở mức thống khổ, nhưng những khó khăn, những nỗi khổ của người lao động Việt Nam, đâu đã hết. Có nỗi khổ không đủ công ăn việc làm. Nỗi khổ này cũng dễ chuyển thành thống khổ. Khỏi nói đâu xa, những cảnh đời của các cô gái rời quê đi hy vọng kiếm tấm chồng ngoại quốc, bị rơi vào cảnh đoạ dày… là ví dụ. Chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài trực tiếp, chấp nhận rằng bóc lột còn là một tất yếu lịch sử, nhưng đói nghèo còn tệ hại hơn nhiều. Ở nhiều khu công nghiệp tập trung, lương công nhân khoảng trên dưới 700.000/tháng, làm việc nhiều, đời sống tinh thần nghèo nàn, tương lai bất ổn. Vậy nếu có đảng viên nhìn thấy cơ hội sản xuất kinh doanh, có thể dựng cơ lập nghiệp, thành ông chủ, đem lại đồng lương cho đồng bào mình cao hơn là đồng lương các ông chủ nước ngoài trả, mà do quy định của Đảng, lại không được làm việc ấy, thì phải chăng chính Đảng đã buộc họ phải “quay lưng lại” với những nỗi khổ của nhân dân?

Vinh quang doanh nghiệp có dành cho đảng viên?

Từ góc độ liên quan đến lý luận:

Tôi chỉ dám nói “liên quan “ vì tự biết mình không phải là người có trình độ chuyên sâu trong chính trị kinh tế học.

Giáo sư Nguyễn Đức Bình hiểu rất rõ sự nguy hiểm của mâu thuẫn giữa lý luận nền tảng và chính sách thực tiễn. Chính vì vậy Giáo sư đặt lên bàn thảo luận những điều Giáo sư cho rằng chứa đụng mâu thuẫn. Do nhu cầu của bản thân cuộc sống, chúng ta phải có những đổi mới về chủ trương, đường lối. Vì xét cho cùng, thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Nhưng nếu không có sự phát triển của lý luận nền tảng để soi sáng cho các bước đi thực tiễn thì rõ ràng sẽ có những hiểm hoạ khó lường. Lênin cũng từng cảnh báo, đại ý: nếu anh lảng tránh các vấn đề cơ bản, thì chúng sẽ luôn xuất hiện trước mỗi bước đi cụ thể của anh.

Đúng là việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân tiềm ẩn trong nó một nguy cơ vô cùng to lớn đối với sự thống nhất về tư tưởng và hành động của Đảng. Nguy cơ này chỉ có thể chế ngự bằng cách dựa trên cơ sở lý luận vững chắc, Đảng có những quy định phù hợp, rõ ràng.

Vấn đề lý luận then chốt mà chúng ta không thể lảng tránh, cần phải rà soát lại, phát triển thêm, chính là công thức kinh điển C+V+m. Tôi cũng biết là đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Một phần từ các nghiên cứu đó mà Đảng đưa vào dự thảo văn kiện chủ trương cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô. Nhưng tôi cũng có cảm giác là chúng ta chưa có những lý luận hoàn chỉnh để hậu thuẫn cho chủ trương thực tế này. Có thể trong khuôn khổ thảo luận cởi mở, những người không chuyên về lý luận cũng có thể đóng góp để các nhà lý luận tham khảo. Trong mọi trường hợp, điều này chắc không hại gì. Với suy nghĩ đó, tôi xin gạt bỏ mặc cảm về sự non kém của mình mà mạnh dạn đưa ra vài ý sau:

1- Chưa có cơ sở nào để nghi ngờ sự chính xác của công thức đó. Nhưng liệu công thức đó có phản ánh hết vai trò và quyền hưởng thụ của người đưa C và V vào cuộc, người điều hành quá trình vận hành của C và V - chính là người chủ tư bản - hay không? Khi người chủ kinh tế tư nhân đưa vốn vào sản xuất, thì vốn đó có thể là lao động quá khứ của anh ta. Kể cả trường hợp đó là vốn vay, thì lao động của người chủ là lao động đặc biệt, công việc anh ta làm nhiều rủi ro. Dân ta có câu “Một người lo bằng cả kho người làm”. Trong cuộc sống chẳng ai thắc mắc “người lo” phải được hưởng nhiều hơn, thậm chí hơn nhiều lần, một người làm.

2- Công thức cơ sở đó có phản ánh hết được những thay đổi hàng trăm năm qua không. Theo lý thuyết, bóc lột vẫn tăng vì giá trị thặng dư bị chiếm đoạt càng tăng . Nhưng có một thực tế là chủ nghĩa tư bản cũng phải có những điều chỉnh thích ứng. ”Mô hình Thụy Điển” là gì nếu không phải là sự điều chỉnh phân phối, bằng các phương thức khác nhau chứ không hẳn trực tiếp, chính cái m đó theo hướng có lợi hơn cho người làm thuê.

3- Để dân giàu, nước mạnh, chúng ta cần cố gắng để nền sản xuất cho ta khối lượng giá trị thặng dư ngày càng lớn. Vấn đề còn lại là phân phối giá trị thặng dư sao cho vẫn khuyến khích sản xuất, đảm bảo phần hưởng đặc biệt (theo nghĩa “người lo” có quyền hưởng gấp nhiều lần “người làm”) của chủ doanh nghiệp tư nhân, nhưng không tạo ra sự bóc lột quá đáng đối với người lao động. Nếu nhà nước tư bản đã có thể có những can thiệp vào phân phối m, thì về nguyên tắc Nhà nước xã hội chủ nghĩa có điều kiện to lớn hơn nhiều để tiến tới phân phối m theo hướng công bằng hơn. Tất nhiên đây là một quá trình, không thể một sớm một chiều. Nhưng đồng thời ngay từ đầu một chính sách điều chỉnh như vậy là hiện thực. Tôi nghĩ chính vì lý do đó mà có nội dung: đảng viên làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô nhưng phải tuân thủ pháp luật nhà nước, các quy định của Đảng. Chính các pháp luật và quy định này cho khả năng phân phối m theo cách khác với phương thức thời C. Mác. Cứ cho rằng (và nhất định là vậy) sẽ có một bộ phận đảng viên - ông chủ sẽ chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua quyền lợi người lao động. Nhưng vì họ là đảng viên thì sự kiểm soát, khả năng tác động, uốn nắn, điều chỉnh về nguyên tắc là cao hơn và dễ dàng hơn.

Qua theo dõi các mục “Góp ý với văn kiện đại Hội 10“, tôi được đọc và đặc biệt hứng thú với bài viết của giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn, trong đó đưa ra khái niệm “Hưởng thụ thực lãi” - một nguyên tắc phân chia giá trị thặng dư. Nếu nguyên tắc này được khẳng định thì có thể đây là một lý luận có tính nền tảng cho chủ trương đang đề cập của Đảng. Và trong trường hợp này sẽ giải toả được đám mây mặc cảm “bóc lột” lơ lửng trên đầu những người đảng viên làm kinh tế tư bản tư nhân một cách chân chính.

Tôi xin nhắc lại: Những ý kiến của tôi nên được đánh giá như từ người không chuyên về lý luận. Tôi có cảm giác một lý luận mới, phát triển học thuyết C. Mác, trong vấn đề này đang lơ lửng gần đâu đây, nhưng chúng ta chưa nắm bắt trọn ven. Nhưng một khi tất cả cùng suy nghĩ, thì nhất định chúng ta sẽ có nó. Tôi tin tưởng với bề dày hiểu biết, sự uyên thâm , những người như Giáo sư Nguyễn Đức Bình sẽ góp phần quan trọng vào việc đối chiếu các lý luận đã có với cuộc sống sinh động, phát triển các lý luận đó, tạo ra được các đột phá khoa học, giúp soi sáng các vấn đề của thực tiễn hôm nay.

  • Trần Đăng Tuấn
    Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam

Hãy gửi đến VietNamNet ý kiến của bạn: