Quản lý và phục vụ theo phong cách hiện đại
Các Website khác - 01/03/2006
Ông Nguyễn Đức Thuấn.
Công ty cổ phần Bến xe miền Tây vừa ra đời với 51% vốn nhà nước. Cổ đông tư nhân cam kết sẽ xây dựng thương hiệu “Bến xe miền Tây” uy tín đánh bạt cả xe dù.
Sáng 28-2, đã diễn ra đại hội cổ đông thành lập Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, TP Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Đức Thuấn - đại diện nhóm công ty kinh doanh giày, dép xuất khẩu, bất động sản, đầu tư tài chính, mua cổ phần nhiều nhất với 2,5 tỷ đồng, chiếm 10% tổng vốn điều lệ - cho biết:

- Chúng tôi sẽ đem kinh nghiệm về quản trị kinh doanh vào hoạt động ở bến xe miền Tây. Bởi vì từng đi nhiều nước ở châu Âu và nhận thấy hoạt động các bến xe liên tỉnh của họ rất hiện đại nên hội đồng quản trị công ty sẽ xem xét đưa những ý tưởng mới vào hoạt động bến xe.

Hiện nay, bến xe miền Tây chưa phát triển nên rất cần có chiến lược đầu tư phát triển trong năm, mười năm tới. Vả lại vốn cho bến xe mới khoảng một vài trăm tỷ đồng và cần được đầu tư dần dần theo kiểu cuốn chiếu.Việc phát triển bến xe miền Tây cũng cần theo hướng như bến xe miền Đông là tạo nên nhiều mảng cây xanh, có siêu thị…

* Việc đổi mới bến xe sẽ ra sao?

- Điều quan trọng là Công ty cổ phần Bến xe miền Tây được thành lập có nhiều chức năng về hoạt động kinh doanh nên hướng phát triển sẽ rất tốt. Do đó, yêu cầu lớn nhất là đầu tư và quản lý bến xe mới hiện đại như các nước trên thế giới nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ngoài ra, cần xây dựng một thương hiệu bến xe miền Tây có uy tín, xây dựng đoàn xe đò thương hiệu Samco nhằm đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, nhất là khi đường cao tốc TP Hồ Chí Minh về các tỷnh miền Tây đưa vào sử dụng.

* Theo ông, người dân sẽ được lợi gì khi cổ phần hóa bến xe?

- Rõ ràng bến xe được quản lý tốt thì người dân sẽ được phục vụ văn minh lịch sự, các doanh nghiệp cạnh tranh thì người dân sẽ được đi xe với chất lượng phục vụ tốt và giá cả tốt hơn.

Thái độ của nhân viên bến xe phục vụ hành khách tốt hơn thay cho kiểu “ban phát”. Điều tôi muốn nhấn mạnh là bến xe phải trở thành một trung tâm vận chuyển hành khách, phải thỏa mãn các nhu cầu về nghỉ ngơi, ăn uống, giao nhận hàng hóa của mọi hành khách và khách hàng.

* Ông có lo lắng gì khi nhiều xe dù hoạt động trên các tuyến từ TP Hồ Chí Minh về các tỉnh miền Tây?

- Tôi tin rằng về lâu dài trật tự pháp luật sẽ được thực thi có hiệu quả. Vì vậy, sẽ không có gì trở ngại khi bỏ vốn đầu tư bến xe phát triển lâu dài.

Tiếp tục cổ phần hóa bến xe

Ông Đỗ Tiến Lực, Chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Cơ khí vận tải Sài Gòn - Samco:

- Thời gian qua, Nhà nước “ôm” việc nhiều, kiểm soát không nổi nên sinh ra rối rắm. Nay cho tư nhân tham gia đầu tư vốn thì họ sẽ quản lý tốt hơn, hạn chế được nhiều sai sót, tiêu cực.

Bởi vì bến xe vẫn là một công trình phục vụ lợi ích cộng đồng và là công trình giao thông đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong khi lợi nhuận đem lại rất chậm. Do đó, Nhà nước chiếm giữ 51% tổng vốn điều lệ là để có chế độ, chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này. Ngân sách sẽ đầu tư vào một số lĩnh vực để hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân tham gia vào bến xe.

Sau bến xe miền Tây, bến xe An Sương đang triển khai cổ phần hóa và sắp tới sẽ thành lập Công ty cổ phần Bến xe An Sương... Còn bến xe miền Đông, khi Nhà nước có chỉ đạo, Samco sẽ triển khai ngay.


Theo Tuổi trẻ