Làng thêu ở cố đô
Các Website khác - 20/10/2005
Sản phẩm thêu Huế đã có "thương hiệu" từ hàng trăm năm trước, mà những dấu ấn còn lại trên di phục các bậc vương tôn nhà Nguyễn, đã làm du khách gần xa ngưỡng mộ.
Trải bao thăng trầm của lịch sử và sự bùng nổ của các ngành công nghiệp hiện đại, nghề thêu tay bị mai một dần. Sau giải phóng, để chấn hưng nghề truyền thống nổi tiếng này, TP Huế đã lập một HTX thêu ở phường Thuận Lộc. Bởi đặc thù của nghề thêu nên xã viên HTX chủ yếu là phái nữ... Những bàn tay mềm mại, khéo léo của con gái đất núi Ngự, sông Hương đã dệt vào sản phẩm thêu Thuận Lộc một nét rất Huế, nức tiếng gần xa. Những sản phẩm này chu du sang tận trời Âu, trở thành một mặt hàng xuất khẩu đặc biệt của đất cố đô.

Nghề thêu Thuận Lộc lúc đó lên ngôi. Tay thợ có thể tranh thủ được nhiều thành phần lao động tham gia, nên hầu như nhà của xã viên nào cũng trở thành một đơn vị sản xuất, một bộ phận nho nhỏ của HTX. Và mặc dù khi đó, HTX chỉ hơn một nghìn xã viên, nhưng "tay kim" có khi lên tới năm, bảy nghìn... Vì vậy, người Huế thích gọi làng thêu hơn là HTX. Nhưng rồi thị trường thay đổi, cơ chế bao cấp không còn nữa, cách quản lý cũ của HTX khiến phong trào lắng xuống và... tụt hậu!

Chị Bùi Thị Tuyết, Chủ nhiệm HTX thêu Thuận Lộc kể: "HTX có thể không còn, nhưng nghề thêu Huế không thể mất. Ðó là tâm tư của nhiều người gắn bó với nghề thêu. Những tay kim giỏi của Thuận Lộc đã mỗi người một ngả, bươn chải kiếm sống, nuôi mình và để nuôi nghề". Chị Tuyết tự hào khi nhắc đến những "nghệ nữ" của Thuận Lộc gạt nước mắt bước ra khỏi "làng" để đi tìm lối thoát cho nghề thêu Huế, và trở về với những thành công. Ðiển hình là cô Kim Anh với cơ sở thêu nổi tiếng đất Huế, hay chị Xuân, đương kim "bà chủ" của thương hiệu thêu X.Q, đã trở thành một điểm đến của các tua du lịch, là niềm tự hào của nghề thêu Huế...

Cô nữ sinh đất Huế Bùi Thị Tuyết đã biết đến nghề thêu từ khi chớm tuổi mười ba ở Trường nữ sinh Thành Nội. Năm 1977, tốt nghiệp THPT chị vào nghề thêu. Gần 30 năm cầm kim, Tuyết bây giờ đã là một nghệ nhân của làng thêu Thuận Lộc. Và, thêu với chị giờ đây không chỉ là nghề làm ăn mà chính là máu thịt, là tâm huyết của đời. Từ suy nghĩ dăm ba năm nữa, khi lớp thợ của làng thêu đều ngả bóng xế chiều, thì lấy ai nối nghiệp, Tuyết cùng các chị em đồng sự đã mạnh dạn lập lại HTX thêu Thuận Lộc.

Tôi đã đến thăm cơ sở thêu của chị Tuyết. Nhìn cung cách chị chỉ vẽ, nhắc nhở các em, tôi biết chị đang làm thiên chức của một người mẹ, người chị và người thầy trong gia đình. So với tiếng tăm Thuận Lộc ngày xưa thì cái cơ sở này thật là nhỏ bé, nhưng đó thật sự là cái tổ ấm đầu tiên của làng thêu Thuận Lộc mà những người phụ nữ như chị Tuyết đã tần tảo xây lại sau cơn phong ba của sự chuyển đổi cơ chế thị trường. Chị Tuyết tâm sự, nếu không yêu nghề thì ít ai có mặn mà với thêu, bởi không có thu nhập cao như các nghề khác. Ở làng thêu của chị, hiện tại thu nhập bình quân của chị em chỉ đạt khoảng 500 - 600 nghìn đồng/tháng. Lao động không vất vả lắm, nhưng phải say nghề, miệt mài ngày hơn 10 giờ, mũi chỉ đường kim mang cả nỗi buồn vui người thợ vào đó mới được.

Nói về sự "tinh nghệ", chị Tuyết tự hào về chị em của mình. Tuy phần đông họ còn rất trẻ, nhưng họ đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất những sản phẩm nổi tiếng khó về mũi chỉ đường kim. Giờ đây, các kỹ năng như thêu tắc - kê họa tiết tinh xảo, thêu hai mặt giống nhau hay sợi chỉ bọc kim tuyến, rồi kết cườm ngọc, v.v. thợ thêu Thuận Lộc đã làm rất tốt, và họ có đủ khả năng đảm nhận hầu hết những hợp đồng sản phẩm cao cấp của bạn hàng. Dẫu ngày nay hàng thêu không cầu kỳ những họa tiết long phượng, tản vân... như phục trang của các bậc vương tôn ngày xưa, nhưng cũng không ít sản phẩm đòi hỏi sự tinh xảo. Có sản phẩm chỉ vài ngày là xong, nhưng cũng có những chiếc áo phải ba tay thợ giỏi miệt mài suốt mấy tháng trời.

Hiện tại, làng thêu Thuận Lộc của chị Tuyết đang làm vệ tinh cho một doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thêu rất có uy tín với bạn hàng Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và một số nước châu Âu. Các sản phẩm thêu trên áo ki-mô-nô (Nhật Bản) hay áo ha-mốc (Hàn Quốc) từ tay thợ thêu Thuận Lộc mấy năm nay đã có uy tín lớn.

Cái tổ ấm của làng thêu Thuận Lộc mới quy tụ khoảng 50 chị em. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều giống nhau ở chỗ cuộc sống gia đình khó khăn, yêu nghề và gắn bó với làng thêu. Có người yêu nghề đến nỗi gia đình mở sạp hàng cho bán, nhưng rồi cuối cùng cũng bỏ chợ mà quay về với chị em làng thêu. Bởi ở đó, dẫu thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình khó khăn nhưng lại ổn định và thật sự tìm thấy chỗ dựa từ tấm lòng chị em.

Chính "cái tổ" bé nhỏ này đã truyền cho họ hơi ấm để vượt qua được khó khăn, yêu đời và say mê với nghề. Với vai trò của một chủ nhiệm HTX, chị Tuyết không giấu vẻ lo lắng về hướng phát triển của làng thêu, bởi quy mô đang nhỏ, ảnh hưởng chưa lớn để có thể tạo ra bước đột phá. Nhưng, chị em ở HTX thêu Thuận Lộc tin tưởng với hướng đi và những thành công ban đầu đã đạt được, chắc chắn cái tổ ấm của chị em họ sẽ vực dậy danh tiếng của một làng thêu đã từng để lại dấu ấn trong tình cảm của người Huế.

TIỂU LINH