Lựa chọn động cơ Boeing 777: Ngụy biện và hậu quả
Các Website khác - 08/06/2006
Xung quanh việc lựa chọn động cơ máy bay Boeing 777:
Ngụy biện và hậu quả
Minh Vi

Chiều 7.6, một số trưởng ban của VNA đã có cuộc trao đổi với các phóng viên xung quanh việc mua động cơ máy bay Boeing 777 của Vietnam Airlines (VNA).

Máy bay Boeing 777 của
Vietnam Airlines.
Ngụy biện?
Ông Trần Văn Động - Trưởng ban kỹ thuật máy bay, đưa ra một bản thống kê của GE về thị phần của 3 loại động cơ được lắp cho máy bay B777 - 200 ER (loại VNA mua) thời điểm tháng 2.2001 là PW 21,5%, GE 37,7%, RR 40,8%. Tuy nhiên, tờ trình số 78/TCTHK ngày 14.1.2002, trong phụ lục số 2 VNA đã báo cáo thị phần động cơ PW lắp cho máy bay tầm trung (loại VNA mua ) chiếm 71,2%.

Rõ ràng VNA đã báo cáo sai lệch về thị phần động cơ PW với Chính phủ, nhưng lại ngụỵ biện trong văn bản đưa cho các phóng viên ngày 6.6 là 71,2% là thị phần của PW cho các máy bay B777 nói chung, còn riêng loại B777-200ER là 21%. Cũng theo ông Động, giá bỏ thầu của GE cao hơn giá PW khoảng 600 tỉ đồng. Vì lý do kinh phí, VNA đã lựa chọn PW.

Với câu hỏi, nếu máy bay của VNA lắp động cơ GE thì có thể khai thác trên cả đường bay Đông Bắc AS và Châu Âu mà không phải thuê máy bay B777 lắp động cơ GE, đắt hơn nhiều so với máy bay 767, bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - cho biết: Khi lập dự án khai thác đường bay, VNA đã tính toán lựa chọn chủng loại máy bay cũng như động cơ có công suất phù hợp.

Bà Vân cũng giả sử thời điểm mở đường bay đi Châu Âu, nếu 4 chiếc B777 được chuyển cho đường bay này thì VNA cũng không thuê được máy bay 767 cho các đường bay Đông Bắc Á, dù giá thuê rẻ hơn vì... không còn máy bay loại này cho thuê(!).

Ông Động cũng cho biết thêm, 4 máy bay B777 lắp động cơ PW vẫn có thể bay đến Châu Âu nếu giảm bớt khách và chứa thêm dầu. Tuy nhiên, đây là cách lựa chọn không kinh tế. Mặt khác, ông Trịnh Ngọc Thành - Trưởng ban Kế hoạch thị trường - cho biết: Các đường bay Đông Bắc Á đã "ngốn" hết công suất của 4 chiếc này và VNA phải thuê thêm máy bay khi mở đường bay mới .

Hệ lụy
Theo xu hướng hiện nay, các hãng máy bay quốc tế thường sử dụng đội máy bay đồng nhất về chủng loại động cơ cũng như thân vỏ, để giảm chi phí đào tạo phi công, thợ kỹ thuật (thường là không nhỏ). Mặt khác, với cùng loại máy bay, thường được lắp cùng một loại động cơ để tiết kiệm động cơ dự phòng, vì dù hai hay mười máy bay cũng chỉ cần đầu tư một động cơ dự phòng.

Ngoài ra, theo thông lệ của các hãng bán động cơ, những động cơ lắp theo máy bay thường được bán giá rẻ như cho, vì nhà sản xuất động cơ thu lợi sau từ dịch vụ bảo dưỡng, cung cấp phụ tùng thay thế, đào tạo thợ kỹ thuật... cho máy bay đó trong suốt cuộc đời của nó. Còn riêng động cơ dự phòng vì không có nguồn thu đó bù lại nên giá rất cao.

Trong trường hợp VNA mua 9 động cơ PW cũng thể hiện rõ điều này: 8 chiếc giá 1,8 triệu USD và chiếc dự phòng giá 10,62 triệu USD. Cũng theo ông Động vớí 6 máy bay B777 lắp động cơ GE mà VNA thuê, cũng phải thuê một động cơ dự phòng với giá 5.000USD/ngày. Rõ ràng, nếu có chiến lược tổng thể hơn về đầu tư đội bay, VNA đã phải tính đến những lợi ích này. Và điều đáng nói, 6 máy bay A321 của VNA đang sử dụng cũng gồm 2 loại động cơ.

Về thắc mắc giá thuê máy bay B777, 60 tháng đầu là 400.000USD, song đến tháng thứ 60 trở đi lại tăng lên 800.000USD/tháng. Bà Nguyễn Thị Vân cho biết, vào thời điểm sau vụ 11.9, hàng không thế giới bị khủng hoảng, máy bay cho thuê bị ế nên giá xuống thấp. Tuy nhiên, chủ máy bay chỉ ký mức giá thấp trong vài năm, vì khi giá xuống, họ không muốn ký cho thuê dài hạn. Vì thế, VNA phải chấp nhận chỉ hưởng giá thuê thấp trong những năm đầu, còn sau đó phải tăng giá.

Với câu hỏi vì sao Hãng EGAT Đài Loan được ưu ái (Báo Lao Động ngày 6.6 đã đề cập), ông Trần Hữu Phúc - Trưởng ban Quản lý vật tư - cho biết: Đã có hợp đồng khoán gọn về thiết bị với EGAT. Các máy bay khi trả nếu không đúng chủng loại thiết bị thì EGAT sẽ phải chịu thay thế và chi phí này đã tính trọn gói theo hợp đồng.