Lý lẽ của QH đúng nhưng vẫn... né qua né lại?
Các Website khác - 06/11/2005

Những thông tin từ Quốc hội (QH) xoay quanh chủ đề phòng chống tham nhũng, lãng phí vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều người. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là một trong số đó. Câu chuyện của ông đã gợi mở nhiều điều thú vị.

>> Mời đại biểu QH "nói hăng nhất" vào giám sát tham nhũng?

Quốc hội vẫn... né qua né lại?

Soạn: AM 610303 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Tôi thấy QH bàn lý lẽ thì đúng nhưng cũng có phần... né, né qua né lại. Đó là né chuyện lập một ủy ban chuyên trách giám sát những vụ việc tham nhũng, lãng phí lớn. Còn giám sát chung, giám sát thường xuyên thì đó là chuyện của đại biểu QH. Địa phương nào cũng có đại biểu QH thì đại biểu đó phải có trách nhiệm giám sát cùng với các đại biểu HĐND.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn đề cập một hướng đổi mới công tác cán bộ rất đáng lưu tâm: cần phải công khai tiêu chuẩn, điều kiện cho vị trí này, vị trí kia để các ứng cử viên “tranh tài”.

 Mỗi ứng cử viên lên một chương trình, kế hoạch hành động của mình khi ngồi vào vị trí đó (kể cả đối với cấp bộ trưởng cũng vậy). 

Theo ông, đối với một số vị trí nhất định như người đứng đầu cơ quan quản lý một ngành khoa học chuyên sâu hay một ngành công nghệ cao, không loại trừ khả năng mời người bên ngoài (Việt kiều, thậm chí người nước ngoài). 

“Cách làm này sẽ phòng chống được nạn chạy chức, chạy quyền”- ông nói.

Còn việc của bên hành pháp, người ta tổ chức như thế nào là việc của người ta. Nếu Thủ tướng thấy cần thì có thể lập một ban chỉ đạo (phòng chống tham nhũng) giúp Thủ tướng, đó là quyền của Thủ tướng.

Quốc hội phải đích thân vào cuộc

Theo tôi, QH phải vào cuộc, vào sân; phải có trọng tài chính, trọng tài phụ và phải theo sát diễn biến trên sân cỏ mới thổi còi chính xác. Những “cuộc chơi lớn” như vụ dầu khí... anh phải vào cuộc chứ nếu không chuyên trách, không theo “cuộc chơi” ngay từ đầu thì còn gì là trọng tài nữa. 

Hãy thử hình dung: anh là trọng tài thật nhưng trọng tài mênh mông như thế, ai cũng là trọng tài cả, thổi loạn xạ lên hết thì cũng chẳng hiệu quả.

Cho nên giám sát thì ai cũng phải làm. Từng cá nhân đại biểu QH không phải đợi đến kỳ họp mới đăng đàn phát biểu mà về lại địa phương thì anh không còn ngó ngàng gì nữa, để “nó” lộng hành mà không có tiếng nói nào.

Trách nhiệm của đại biểu QH ở địa phương còn là giám sát, theo dõi những vụ việc xảy ra ở địa phương, về lãng phí, tiêu cực và anh phải có ý kiến với tư cách là đại biểu QH.

Thực tế đòi hỏi đại biểu QH phải nâng tầm trách nhiệm của mình lên đúng mức, tất cả đều phải tham gia giám sát, mọi lúc mọi nơi. Còn nếu đại biểu QH mà là chủ tịch tỉnh, là bộ trưởng thì còn phải chịu trách nhiệm với hai trọng trách, trường hợp anh vi phạm thì tội của anh càng nặng thêm.

Lãng phí hàng trăm tỉ: Sao chỉ xử lý hành chính?

Có Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là tốt rồi. Vấn đề quan trọng là làm sao có hiệu lực thật sự từ việc ban hành luật này. Chứ nếu tổ chức thực hiện không hiệu quả thì cũng như thay cái áo thôi. Nghĩa là không có ý nghĩa gì cả.

Tôi nói ngay như chuyện lãng phí. Có đại biểu phát biểu rất có lý rằng lãng phí cả chục tỉ, trăm tỉ tại sao chỉ xử lý hành chính hoặc hoàn trả lại? Chẳng hạn như lãng phí ở dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, kéo dài từ khi mới xây dựng cho tới bây giờ. Tính ra (cả lãng phí do phải nhập dầu) con số lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Chẳng lẽ cái này xử lý hành chính à? Không thể được. Lãng phí động trời mà chỉ xử lý về mặt hành chính, phạt vạ chút đỉnh là chưa được. Lãng phí sao lại được xử lý nhẹ hơn tham nhũng? Lãng phí hàng trăm, hàng ngàn tỉ kia mà. Cái này làm dân chúng bức xúc.

Cho nên bây giờ phải công khai tất cả cho dân biết. Anh làm cái lễ hội này bao nhiêu tiền, dân phải biết để so sánh ý nghĩa của lễ hội với số tiền bỏ ra. Lễ hội thì rất cần nhưng nhiều cái tốn tiền rất vô lý, không đáng làm ở mức lớn... Tiền lãng phí đó có thể làm được bao nhiêu nhà tình nghĩa.

Rộng hơn nữa còn là lãng phí về chất xám, về thời gian... Những sự lãng phí này thì không thể cân đo, đong đếm được. Thậm chí tôi cho rằng đó là cái không nhỏ mà còn lớn hơn so với những lãng phí vật chất”. 

  • TTO

 ”Tham nhũng, lãng phí không còn là cá biệt nữa. Nếu cá biệt, người ta sẽ coi xem thái độ xử lý của anh thế nào để ngăn chặn, răn đe kẻ khác. Còn nếu cá biệt đã trầm trọng mà anh bỏ qua thì nó rất dễ lây lan, trở thành phổ biến. Đã đến như vậy thì anh phải thừa nhận là mình bất lực và nên từ chức. Đó là văn hóa từ chức. Lúc đó, chúng ta cần anh nào giỏi thì giơ tay lên. Phải làm cho ra - vô, thay đổi là điều rất bình thường”.