(VietNamNet) - Dự thảo Luật nhà thể hiện tư tưởng ''một giấy''. Cho rằng cần nhưng chưa đủ, đại biểu Quốc hội mong muốn ''một giấy'' phải đi ''một cửa'' để thuận lợi cho dân.
Buổi làm việc ngày 24/10 của Quốc hội bàn về Luật nhà ở được VTV1 truyền hình trực tiếp cho cử tri cả nước theo dõi.
Cấp giấy theo nhu cầu của dân
Theo dự thảo luật này, nhà gắn liền với đất cùng một chủ sở hữu thì cấp ''một giấy'' cho sử dụng đất và sở hữu nhà. Nếu nhà của một người, còn đất đi thuê mượn của người khác, thì cũng ''một giấy'' là giấy nhà. Với nông thôn, tuỳ theo thực tế nhà đất và yêu cầu của dân mà cấp ''một giấy'' là sổ đỏ cho đất hoặc ''một giấy'' cho cả nhà lẫn đất.
Đối với nhà chung cư, cũng thống nhất ''một giấy'', trong đó công nhận sở hữu nhà và quyền sử dụng đất chung.
ĐB Đào Xuân Nay (Bình Thuận) cho rằng, cấp một giấy nhưng phải thuận lợi nhất cho dân, dân không phải đến nhiều cửa. Ông tán thành với dự luật việc UBND không được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về nhà cấp giấy nhà.
Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Dương Thu Hương (ĐB Hà Nam), cần thống nhất ở đây, cấp ''một giấy'' đi ''một cửa''. Cơ quan chuyên môn về nhà, đất, tư pháp sẽ ngồi chung ''một cửa'' ở UBND để cấp ''một giấy''. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu đồng quan điểm này.
Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh lên tiếng: ''Tôi nghe nói đổi giấy mà nổi da gà, tốn kém thời gian, tiền của''. Ông đề nghị các giấy nhà đất lâu nay còn nguyên giá trị, không phải đổi lại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cũng trấn an đại biểu, dự thảo Luật đăng ký bất động sản (Quốc hội cũng cho ý kiến trong kỳ này) phù hợp với Luật nhà ở, thể hiện việc đăng ký bất động sản cũng vào ''một giấy, một cửa''.
Người thu nhập thấp, giá cao?
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Văn Nghiên tán thành dự thảo đưa công chức, viên chức, học sinh, sinh viên... vào diện được thuê, thuê mua quỹ nhà xã hội. ''Xảy nhà ra thất nghiệp, một người không có nhà phải đi ở thuê, ở đợ mới biết khổ như thế nào!'', ông tha thiết.
ĐB Sơn Thị Ánh Hồng (Trà Vinh) cho quy định phải trả trước 20% giá trị khi bán nhà cho người thu nhập thấp là cứng nhắc. Bà đề nghị du di 10-30%. ĐB Đoàn Minh Vượng đồng tình, tỷ lệ 20% khó khả với nhà ít nhất cũng vài trăm triệu đồng, người thu nhập thấp khó với tới.
Thấy bất hợp lý trong quy định nhà chung cư (tối thiểu 30%), Chủ tịch HĐND Phạm Phương Thảo nói thẳng: ''Nhà chung cư 30 m2 có lẽ tạo thành khu ổ chuột trên cao! Quy định trên 50 m2 có được không?''.
Để tránh địa phương tuỳ tiện, có đại biểu đề nghị đưa tiêu chuẩn được thuê, thuê mua nhà ở xã hội vào ngay trong luật. ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) gợi ý, nên căn cứ vào thu nhập bình quân năm so với lương tối thiểu và điều kiện từng vùng.
Một thực tế bức xúc lâu nay là nhà cho người thu nhập thấp không đến được tay họ. ĐB Trần Thị Thanh Huyền (Thanh Hoá) kiến nghi công khai đối tượng được mua nhà ở xã hội, số lượng, giá bán, thời hạn đăng ký để dân giám sát.
Thu hút các thành phần kinh tế làm nhà ở xã hội, Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo kiến nghị giảm thuế xuống 0% cho đơn vị tham gia xây dựng quỹ nhà này.
Kết thúc thảo luận, có 31 ý kiến góp ý cho dự thảo Luật nhà ở. Luật này dự kiến Quốc hội sẽ thông qua vào ngày 28/11 tới.
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Bình Thuận: Sôi động lễ hội du lịch "Hội tụ xanh" (24/10/2005)
▪ Giữ lại hồn quê nơi góc phố (24/10/2005)
▪ Anh xác nhận gia cầm chết vì virus H5N1 (24/10/2005)
▪ Điều trị lồi mắt, ù tai sau tai nạn không cần phẫu thuật (24/10/2005)
▪ Những vấn đề đặt ra trong việc xã hội hóa y tế (24/10/2005)
▪ Băn khoăn trước năm học mới (24/10/2005)
▪ Một tiếng nói lạc lõng, một việc làm sai trái (24/10/2005)
▪ Tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội (24/10/2005)
▪ Cần những người tuấn kiệt (24/10/2005)