Mặc dù nền kinh tế chưa phát triển và cơ sở vật chất kỹ thuật còn hạn chế, nhưng Việt Nam là một trong những nước đã nhận thức được tầm quan trọng và những lợi ích to lớn của internet và từ năm 1993 đã tổ chức nghiên cứu để khai thác sử dụng thành quả to lớn này của nhân loại. Ðến cuối năm 1997, Việt Nam đã chính thức tham gia mạng thông tin toàn cầu.
Ðảng và Nhà nước Việt Nam chủ trương phát triển mạnh việc ứng dụng internet và mấy năm qua đã có nhiều văn bản nghị quyết, chỉ thị về phát triển công nghệ thông tin và mạng internet. Ngày 17-10-2000, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 58/CT-TW về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chỉ thị yêu cầu: "Ðẩy nhanh việc xây dựng mạng thông tin quốc gia, bao gồm hệ thống viễn thông và internet Việt Nam".
Nghị quyết Ðại hội lần thứ IX của Ðảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: "Tiếp tục phát triển nhanh và hiện đại hóa dịch vụ bưu chính - viễn thông; phổ cập sử dụng internet; điều chỉnh giá cước để khuyến khích sử dụng rộng rãi. Ðến năm 2010, số máy điện thoại và số người sử dụng internet/100 dân đạt mức trung bình trong khu vực". Và mới đây, ngày 22-7-2005, Ban Bí thư ra Chỉ thị 52-CT/TW về phát triển và quản lý báo điện tử ở nước ta hiện nay. Chỉ thị nêu rõ vai trò quan trọng của loại hình báo điện tử và xác định nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để phát triển và quản lý báo điện tử.
Thực hiện chủ trương của Ðảng, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn kế hoạch phát triển internet giai đoạn 2001 - 2005 và đã đạt được những bước tiến khá nhanh trong lĩnh vực này. Theo kế hoạch của Chính phủ, đến hết năm 2005, tỷ lệ dân số sử dụng internet là 4 - 5%; tất cả các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề đều được kết nối internet; một nửa số trường THPT, tất cả bệnh viện trung ương và một nửa số bệnh viện tỉnh được kết nối internet; tất cả các bộ, ngành, cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền cấp tỉnh và huyện được kết nối internet và mạng diện rộng của Chính phủ; hầu hết cán bộ, công chức được sử dụng internet phục vụ công tác chuyên môn và hành chính công điện tử...
Ðến nay, hầu hết những chỉ tiêu nói trên đều đã đạt và vượt, nhiều chỉ tiêu vượt khá xa. Tính đến nay, cả nước có hơn tám triệu người sử dụng internet, chiếm một phần mười dân số, gần mức trung bình của châu Á.
Ngoài các dịch vụ truyền thông của internet như trang thông tin điện tử, thư điện tử, Bộ Bưu chính - Viễn thông còn cho phép triển khai dịch vụ điện thoại internet chiều đi quốc tế với giá rẻ, hàng nghìn đại lý internet trên cả nước cũng là nơi tiếp cận mạng thông tin toàn cầu phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân.
Việc giá cước truy cập internet do các doanh nghiệp được phép tự quyết định tạo ra sự cạnh tranh về giá cước khiến giá cước ngày càng hạ, hiện ở mức tương đương với khu vực, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển internet ở Việt Nam.
Theo thống kê của Tổ chức Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), hiện tại, chỉ số dung lượng kênh internet/người dùng của Việt Nam là 600 bps, xấp xỉ bằng Thái-lan và cao hơn mức bình quân của khu vực Ðông - Nam Á. Tốc độ tăng trưởng dung lượng kênh internet/người dùng của Việt Nam đạt mức 200 - 250%, xếp thứ hai trên thế giới. Việt Nam cũng được coi là quốc gia có cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển nhanh. Thống kê của Trung tâm internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Bưu chính - Viễn thông cho biết, tốc độ tăng trưởng internet mỗi năm của Việt Nam đạt khoảng 20%, toàn ngành công nghệ thông tin đạt mức tăng trưởng 35 - 40%.
Ngoài các nhà cung cấp thông tin, dịch vụ truy cập internet, dịch vụ kết nối internet và khoảng 4.500 trang thông tin điện tử, hiện nay, cả nước có 73 tờ báo điện tử và trang thông tin điện tử được Bộ Văn hóa - Thông tin cấp phép hoạt động. Ðây là loại hình báo chí mới, phát triển mạnh, có lượng thông tin phong phú, đa dạng, đưa tin nhanh, mỗi ngày thu hút hàng triệu lượt người đọc.
Trên thực tế, Chính phủ và hàng triệu người dân Việt Nam đã và đang khai thác có hiệu quả những lợi ích to lớn của công nghệ thông tin và mạng thông tin toàn cầu phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước cũng như nhu cầu cuộc sống hằng ngày của người dân.
Những chủ trương đúng đắn, những việc làm chủ động, tích cực và kết quả cụ thể nêu trên của Ðảng và Nhà nước Việt Nam rõ như ban ngày. Vậy mà Tổ chức ký giả không biên giới lại xếp Việt Nam vào danh sách những nước "kẻ thù của internet" thì thật là nực cười!
Bên cạnh những mặt tích cực của internet, Ðảng và Nhà nước Việt Nam cũng ý thức được những mặt hạn chế, tiêu cực của mạng thông tin toàn cầu, trong đó, hạn chế lớn nhất là mạng thông tin này không có một sự quản lý chung nào. Do đó, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có một số người thiếu trách nhiệm và không thiện ý đã đưa lên mạng thông tin này những thông tin sai sự thật, thậm chí bịa đặt, xuyên tạc sự thật, và những nội dung vô văn hóa, đồi trụy, phi nhân tính, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Theo thống kê của các chuyên gia công nghệ thông tin, có tới 3% số trang web trên mạng thông tin toàn cầu có những nội dung xấu độc, đáng bị lên án. Ðó là những trang web chứa đựng các nội dung khiêu dâm, kích động hằn thù phân biệt chủng tộc, bài xích người nước ngoài, cổ vũ cho các hành động cực đoan...
Ðây là vấn đề chung của các nhà quản lý của tất cả các quốc gia, do đó việc các nước, trong đó có Việt Nam, đưa ra các biện pháp nhất định nhằm hạn chế những thông tin tiêu cực, xấu độc là điều dễ hiểu, thể hiện trách nhiệm của chính quyền các nước đối với việc bảo vệ những giá trị văn hóa; truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Việc Tổ chức ký giả không biên giới coi những biện pháp đó là sự "đàn áp tự do ngôn luận trên mạng lưới thông tin toàn cầu" là hoàn toàn phi lý. Chúng ta bác bỏ quan điểm sai trái và luận điệu vu cáo xấu xa đó.
|