Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng phải 3 lần đăng đàn tại phiên thảo luận về thực hiện ngân sách 2005, dự toán ngân sách 2006 diễn ra chiều 21 và sáng 22/10, vì nhiều đại biểu Quốc hội phê bình Chính phủ đưa ra mức dự toán thấp hơn thực tế, tình trạng bội chi, chi dàn trải không được cải thiện.
Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách năm 2005 có thể đạt 210.000 tỷ đồng, vượt so với năm ngoái 16% (27.400 tỷ đồng). 64 tỉnh thành đều hoàn thành mức thu ngân sách. Năm 2006, dự toán thu ngân sách 233.500 tỷ đồng. Con số này chưa làm đại biểu Quốc hội hài lòng.
Lập dự toán dễ dãi để dễ thực hiện
Ông Tào Hữu Phùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách, khẳng định số vượt thu ngân sách nhà nước năm 2005 ít nhất là 30.000 tỷ đồng. Cơ sở để đưa ra con số này là quý IV, giá dầu thô đạt ở mức trung bình 60 USD/thùng, nguồn thu từ dầu thô cả năm phải đạt 57.000 tỷ đồng, chứ không phải 55.000 tỷ như dự toán. Thứ hai, nếu từ nay đến cuối năm kịp thời điểu chỉnh, giải tỏa tình trạng đóng băng nhà đất thì số thu chắc chắn phải vượt 13.500 tỷ đồng. Cơ sở thứ ba, ông Phùng đưa ra là năm 2005 có thêm 40.000 doanh nghiệp ngoài quốc doanh đăng ký mới và đi vào hoạt động. Khả năng thu của doanh nghiệp còn lớn.
Chốt lại phần thảo luận về ngân sách, Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được khẳng định: do các đại biểu nhất trí tán thành việc miễn thuế cho ngư dân, diêm dân, giống như với nông dân, nên đề nghị Chính phủ làm Tờ trình cụ thể để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp này. |
Ông Lê Huy Luyện lại không tránh khỏi băn khoăn. "Tôi thấy lo không biết việc lập dự toán thu chi ngân sách như thế đã chính xác chưa, có cái gì đấy dễ dãi. Địa phương bao giờ thu được 10 đồng thì cũng chỉ xin với Bộ Tài chính là 8 đồng thôi, để cho công việc nó dễ dãi một chút. Hai là cuối năm nếu mình thu vượt thì sẽ có phần thưởng", ông Luyện đặt vấn đề. Đại biểu này cho rằng nếu kéo dài việc đưa ra mức dự toán thấp hơn số thực tế sẽ không thúc đẩy địa phương tìm cách tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Giải tỏa băn khoăn của đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng đã giải trình về các khoản thu: Nông nghiệp không thu thuế, trong khi nó chiếm gần 1/4 GDP. Thuế xuất khẩu đã không thu, mà còn hoàn lại. Nhập khẩu thì từ năm 2006-2015 vẫn còn thu được được thuế, tất nhiên không bằng các năm trước vì phải chấp nhận lộ trình giảm thuế. Riêng về dầu thô, sở dĩ phải lấy ở mức 13.500 tỷ đồng vì giá dầu liên tục biến động và không phải lúc nào cũng theo chiều hướng tăng mạnh. Trong khi đó, sản lượng dầu thô của Việt Nam lại không tăng, giá dầu của ta bao giờ cũng thấp hơn thế giới 2-3 USD. Ông Hùng cho rằng mức dự toán năm 2005 cũng như năm 2006 là hợp lý, đề nghị Quốc hội chấp nhận.
Bội chi, dư nợ không giảm, chi dàn trải diễn ra phổ biến
Đại biểu Trương Thị Mai băn khoăn, mức bội chi ngân sách và dự phòng vẫn chưa thay đổi (năm nay dự kiến khoảng 5%, chiếm 48.000 tỷ đồng), chưa năm nào sử dụng phần thu vượt dự toán để bổ sung cho nguồn dự phòng, hay bù chi ngân sách nhà nước. Dự kiến năm 2006, nguồn bù đắp bội chi phải vay trong nước khoảng 36.000 tỷ đồng, vay ngoài nước khoảng 12.500 tỷ. Bà Mai ủng hộ ý kiến của Ủy ban Kinh tế ngân sách, là một phần tăng thu của dầu thô năm 2006 sẽ được đưa vào dự phòng ngân sách để tăng dự phòng, không ảnh hưởng tới cân đối ngân sách.
Đại biểu Đỗ Ngọc Quang bày tỏ lo lắng trước tỷ lệ dư nợ của Chính phủ theo trái phiếu, công trái đến ngày 31/12 bằng 35,1% GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 30,9% GDP. "Mặc dù tỷ lệ này vẫn trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, nhưng nếu cứ tích tụ nhiều năm thì có nguy cơ gây lạm phát, dẫn đến biến động xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ từng bước cân đối giữa thu ngân sách và chi ngân sách để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia", ông Quang nói. Cũng rất quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Lê Quốc Dung đặt vấn đề thẩm quyền chi vượt dự toán ngân sách. Hiện nay Luật ngân sách không có điều khoản nào quy định việc này.
Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng trả lời thắc mắc của đại biểu. |
Tình trạng chi dàn trải, không hiệu quả cũng được đưa ra. Đại biểu Lê Quốc Dung lấy ví dụ đầu tư xây dựng hạ tầng của làng nghề như Thái Bình có 4 tỷ, Nam Định 4 tỷ, Ninh Bình 2 tỷ đồng. "Thái Bình có 172 làng nghề mà chỉ có 4 tỷ đồng thì không biết đầu tư về giao thông, về nước, về môi trường như thế nào. Nếu cứ nhỏ giọt và dàn trải không biết đến bao giờ mới thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư Thái Bình?", ông Dung nói. Ông Vi Đức Được thì đưa ra dẫn chứng của Lạng Sơn. Nếu theo chỉ tiêu phân bổ ngân sách tỉnh một năm được 2 tỷ đồng để dành xây dựng trụ sở xã thì chỉ làm được 3-4 xã. Cứ đà này phải 60-70 năm sau, tỉnh mới hoàn thành việc xây trụ sở xã.
Sau khi nghe ý kiến của các địa phương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại bức xúc: "Quản lý ngân sách của chúng ta chỉ thiên về đầu vào (thu), đầu ra (chi) không quan tâm, không xem xét đến hiệu quả". Ông Trân đề nghị Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Sinh Hùng với tư cách là thủ lĩnh, là nhạc trưởng trong lĩnh vực này, cần giải trình rõ.
Quả bóng trách nhiệm chi dàn trải đá qua đá lại
Trả lời đại biểu về các khoản chi, Bộ trưởng Hùng khẳng định Chính phủ không dàn trải. "Còn việc có dàn trải hay không là tuỳ thuộc vào các ngành, địa phương. Tôi nghĩ trách nhiệm đó lãnh đạo các ngành cần suy nghĩ, để chúng ta phân bổ năm nay theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội tốt hơn", ông Hùng đá "quả bóng" sang các bộ ngành. Đại biểu cũng đặt vấn đề là chỉ nghe các địa phương đề nghị tăng chi, không thấy ai nói tăng thu; và đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát từng địa phương, xem còn thất thu chỗ nào, chỗ nào có khả năng thu thêm.
Đại diện cho cử tri tỉnh Tiền Giang, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu "bật" lại: "Xin thưa chúng tôi có giám sát việc thực hiện ngân sách của Tiền Giang, nhưng thấy nó đụng vách tường rồi, không thể kiến nghị thu thêm khoản nào nữa". Riêng về việc phân bổ ngân sách để tránh dàn trải, đại biểu Trần Đình Đàn đã trình bày cái khó của UBND và HĐND: "Theo quy định thì đến 50% ngân sách dành trả lương công chức, chi cho y tế, giáo dục. Khoản còn lại rất ít, chỉ vài chục tỷ đồng một năm, trong khi có bao nhiêu thứ phải chi. Bây giờ bảo chủ tịch tỉnh chủ động phân bổ để tránh dàn trải là rất khó".
Không đồng tình với trả lời của Bộ trưởng Tài chính, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân lại lên tiếng: "Anh Hùng hỏi lại chị Hoài Thu và các đồng chí khác thất thoát trong ngân sách là bao nhiêu? Tôi đồng ý hỏi ngược lại là cần để nhắc nhở đại biểu Quốc hội thấy chức năng giám sát của mình. Nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc đánh giá thất thu và tìm cách giải quyết, chứ không phải đá quả bóng về cho đại biểu địa phương. Cách làm như vậy mới có trách nhiệm, mới thật sự đổi mới trong quản lý ngân sách".
Dù không phải phiên chất vấn, nhưng trước bức xúc của đại biểu, ông Hùng lần thứ ba đứng lên giải trình: "Về quản lý ngân sách theo đầu ra, có thể nói hiện nay Việt Nam đang từng bước làm theo cách này. Ví dụ chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, Chương trình 135, các chương trình mục tiêu, xoá đói, giảm nghèo. Riêng về vấn đề thất thu, trong báo cáo chính thức gửi Quốc hội, Chính phủ đã đề ra các biện pháp".
Như Trang
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Anh sử dụng chó nghiệp vụ để ngăn chặn cúm gà (20/10/2005)
▪ Đối mặt với “nạn” rác bao bì (21/10/2005)
▪ Có một vườn chim trong phố (21/10/2005)
▪ Những vấn đề đặt ra trong việc xã hội hóa y tế (22/10/2005)
▪ Chủ động hội nhập kinh tế, những thành tựu quan trọng (21/10/2005)
▪ Ô nhiễm ánh sáng đô thị: Cảnh báo từ Đà Nẵng (21/10/2005)
▪ Sửa chữa cầu Văn Thánh 2: Ba tháng mới xong (22/10/2005)
▪ Ngân sách khó chia vì ai cũng cần (22/10/2005)
▪ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp thăm Việt Nam (22/10/2005)