Đó là kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Đua trong buổi làm việc sáng 25/2 giữa HĐND, UBND và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của thành phố với đại diện 42 hộ dân đang "cố thủ" tại dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm thuộc phường 22, quận Bình Thạnh.
Ông Đua cho rằng việc di dời 14 hộ dân nằm sát mép sông Sài Gòn trong khu vực dự án Thủ Thiêm hiện nay là một vấn đề cấp bách của thành phố. Theo ông Đua, việc di dời 14 trong số 42 hộ dân này không phải để cho công trường Thủ Thiêm phía quận Bình Thạnh tiếp tục được thi công, mà vì sự an nguy của những gia đình đang có nguy cơ bị sạt lở xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo ghi nhận của VnExpress trong sáng nay, 14 căn nhà này hầu hết đang bị nứt toác và có thể sập xuống sông Sài Gòn bất cứ lúc nào.
![]() |
Những căn nhà của 14 hộ dân phường 22 sát mép sông Sài Gòn có thể bị nước nhận chìm bất cứ lúc nào. Ảnh: Việt Hùng |
Nếu trong vòng 1 tuần, từ hôm nay đến hết ngày 5/3, bà con không chịu di dời thì ngày 6/3 thành phố sẽ có biện pháp cưỡng chế. "Chúng tôi không thể để bà con sống trong sự nguy hiểm rình rập hằng ngày", Phó chủ tịch Nguyễn Văn Đua khẳng định.
Quyết định của lãnh đạo UBND TP đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân. Ông Bùi Văn Nghĩa, một trong 14 hộ dân trên cho rằng, trong một tuần người dân không thể vừa tìm nhà, vừa di dời cả gia đình đi chỗ khác. Vả lại, "nếu UBND thành phố nhân chuyện này chuyển chúng tôi đi rồi ép cả chuyện giải tỏa, cưỡng chế mặt bằng thì sao?" - ông Nghĩa bức xúc.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Đua đã đưa ra 2 phương án di dời 14 hộ dân này. Thứ nhất, người dân tự lo chỗ ở. Thứ hai, UBND TP đã lo địa điểm để cho người dân thuê nhà ở chung cư An Sương (quận 12) hoặc chung cư Bình Trưng (quận 2) với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân có nơi ở mới đảm bảo an toàn. "Thành phố không nhân chuyện này để ép bà con lấy mặt bằng. Tôi đảm bảo bà con sẽ nhận được chế độ đúng như 28 hộ còn lại khi thành phố có phương án đền bù, giải tỏa hay hỗ trợ di dời" - ông Đua hứa.
Vẫn rối chuyện đền bù giải tỏa mặt bằng
Việc bàn giao mặt bằng bờ phía quận Bình Thạnh cho đơn vị thi công cầu Thủ Thiêm đã bị chậm đúng 6 tháng. Không có mặt bằng, việc thi công bị chậm, gây thiệt hại lớn. Theo tính toán của đơn vị thi công (Tổng Công ty xây dựng số 1) và chủ đầu tư (Khu quản lý Giao thông đô thị số 1 - Sở GTCC TP HCM) thì mỗi ngày ngưng thi công, các đơn vị liên quan bị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng.
![]() |
UBND TP HCM chưa tìm ra phương án giải phóng mặt bằng ở khu phố 2, phường 22. Ảnh: Hải Ngọc |
Bà Trần Thị Sáu ở số nhà 271/61 khu phố 2, phường 22 cho rằng, bà và cả 41 hộ trên không cố tình làm chậm việc thi công cầu. Theo bà Sáu, việc thành phố cho rằng gia đình bà và 41 hộ lấn chiếm đất là không chính xác. "Chúng tôi đều ở đây trước năm 1990. Vậy mà thành phố không đền bù mà chỉ hỗ trợ 10 hay 20 triệu đồng, thử hỏi chúng tôi đi đâu để ở?" - bà Sáu thắc mắc.
Kiến nghị của bà Sáu cũng là bức xúc của các hộ dân trên suốt nửa năm nay. Nhiều cán bộ lão thành cách mạng phường 22 như các ông Đặng Quang Xíu, Phan Vĩnh Thành, Đặng Văn Cường... cũng đứng về phía người dân, đảm bảo nguồn gốc đất và đề nghị thành phố giải quyết hợp tình hợp lý đối với 42 hộ dân này.
Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP HCM kiến nghị UBND TP nên vận dụng hết các chế độ chính sách để giúp người dân nhanh chóng có chỗ ở mới, ổn định cuộc sống. "Với khoảng 20 hay 30 triệu đồng thì một gia đình 3 hay 4 nhân khẩu chẳng biết đi về đâu trong thời buổi tấc đất tấc vàng này", ông Khoa ái ngại.
Việc xác định các hộ dân trên có lấn chiếm hay không đến nay vẫn là vấn đề chưa thống nhất giữ UBND TP HCM với Bộ Tài nguyên và môi trường. Theo ông Đua, lãnh đạo UBND TP cũng đang tìm kiếm các căn cứ để có thể tiến hành bồi thường cho bà con. "Thành phố sẽ làm mọi cách để có lợi nhất cho người dân. Nếu các cơ quan ở Trung ương có quyết định nào đối với 42 hộ, thành phố sẽ thực hiện ngay", ông Đua nói.
Việt Hùng
▪ Công ty đòi nợ thuê (25/02/2006)
▪ Thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa (25/02/2006)
▪ Không thể thành Phù Đổng trong 20 năm! (25/02/2006)
▪ Người dân đang gặp rất nhiều khó khăn (25/02/2006)
▪ Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động (25/02/2006)
▪ Cần đánh giá sâu hơn những yếu kém của nền giáo dục (25/02/2006)
▪ Thất thoát nhiều, chất lượng không bảo đảm (25/02/2006)
▪ Ðại hội Ðảng lần thứ X là đợt sinh hoạt chính trị rất quan trọng ở Việt Nam (25/02/2006)
▪ TP HCM quản lý chặt giá nước ở các vùng xa nguồn (25/02/2006)
▪ Tạm ngưng nuôi cá ở hồ Trị An (25/02/2006)