Rưng rưng hạt muối
Các Website khác - 29/05/2006
Rưng rưng hạt muối

Một tài liệu cho biết, sở dĩ Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy và tài sản của dòng họ Trần Trinh kếch xù không phải làm ruộng mà tích trữ từ những cánh đồng muối và kinh doanh mua bán tại chợ Bạc Liêu. Trước 30.4.1975, cánh đồng muối Bạc Liêu là những "tặng phẩm" mua quan bán chức. Sau 1975 Bạc Liêu còn lại 6.440ha diện tích đất làm muối. Do nhiều lý do khác nhau, hạt muối thời kỳ này không được... mặn mà. Mãi đến năm 1980 muối có giá. Một ha muối có giá trị bằng 2ha ruộng. Xứ biển này có nhiều ngôi nhà đúc mọc lên...

Mặn đến xót lòng
Anh Phan Thanh Lập vào những năm 90 của thế kỷ trước sở hữu trong tay gần 100ha muối. Muối chất đầy đồng, nhân công trong mùa thu hoạch có đến vài chục người. Cơ ngơi, nhà cửa bắt đầu từ đó. Lên đến tột đỉnh hạt muối lại trượt dốc ào ạt. Anh Lập bắt đầu bỏ nghề muối. Người làm muối được liệt vào danh sách hộ nghèo ngày càng dài thêm ra. Khi diêm dân hiểu được nghề muối không còn làm chơi ăn thiệt, nên đã tìm ra một phương cách làm ăn mới...

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, ấp Diêm Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải có 3 đời làm muối tại mảnh đất này. Da ông đen sạm. Tóc cứng như rễ tre. Bàn chân to bè, từng ngón một như muốn rời ra vì đã có trên 40 năm lội trên đồng muối.

Ông nói với tôi: "Làm muối bây giờ hết ăn rồi. Tôi còn trên 2.000 giạ còn cất ngoài đó kìa. Mấy rày trời nắng to, 5 hôm cào một lần chắc cũng hơn 1.000 giạ rồi. Cả vụ có lẽ hơn 5.000 giạ muối/ha". Tôi buột miệng: "Vậy là năm nay trúng mùa rồi". Ông cười, cái miệng méo xệch: "Trúng mùa trật giá cũng như không chú ơi".

Theo Phòng Chế biến ngành nghề Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, hiện nay giá muối đen mua tại ruộng 130 -150 đồng/kg; muối trắng từ 220 - 240 đồng/kg, tại đây hệ thống thuỷ lợi chưa hoàn chỉnh, những ghe lớn không thể vào tới ruộng được. Chính vì vậy muốn bán phải chở ra ngoài kinh trục. Lại tốn tiền nhân công, chuyên chở. Giá hạt muối bị hạ thấp.

Diêm dân biết vậy, nhưng không thể không bán vì trước đó thương lái đã mua mão cả rồi. Đau vì giá thấp, lại nhận tiền ít hơn giá hợp đồng. Lòng rát như muối xát, nhưng chẳng biết thế nào được - bà Nguyễn Thị Kiểm Phó Chủ tịch UBND xã Long Điền Tây cho biết. Có lẽ chính vì vậy mà hiện nay lượng muối còn tồn đọng trong dân trên 100.000 tấn (kể cả vụ trước trên 60.000 tấn).

Thật ra hạt muối Bạc Liêu long đong mấy năm rồi chớ không đợi đến năm nay. Nếu như diện tích muối năm 2000 là 4.035ha, thì hiện nay chỉ còn lại trên 1.000ha. Số mất đi được chuyển đổi sang nuôi tôm. Nhưng một khi đất làm muối lâu năm rồi thì dù có chuyển sang nuôi tôm thì năng suất tôm cũng chẳng cao. Người dân trúng một hai vụ rồi lại thả mãi mà chẳng thấy ngày thu hoạch.

Bây giờ là chính vụ thu hoạch muối. Nắng chang chang như đổ lửa. Bóng chiều vàng rực. Muối óng ánh như những sợi thuỷ tinh. Cả xóm túa ra đồng muối kẻ cào, người đẩy, kẻ vác, người bưng. Không khí tấp nập, nhưng tuyệt nhiên chẳng có tiếng cười. Bởi lẽ họ cố cào cho nhiều để bù vào giá muối thấp. Chỉ có năng suất cao mới bù vào những ngày lao động cực nhọc. Tháng 3 trời nắng, nhưng thời tiết như trêu ngươi. Đâu đó ở đồng bằng này lại xuất hiện mưa trái mùa. Những hạt mưa là cứu cánh của công tác phòng chống cháy rừng nhưng lại làm cho diêm dân rưng rưng nước mắt. Cũng may là thời tiết chỉ đỏng đảnh, rồi trời lại nắng to, nếu không diêm dân cũng chẳng còn nước mắt để mà rưng rưng.

Chọn lối thoát nào?
Thật ra thì cánh đồng muối Long Điền Tây đã được quy hoạch phát triển một cách cụ thể. Tất cả một đề án nhằm làm cho diêm dân đỡ khổ hơn, bớt nghèo đi. Đó là chương trình phát triển xã toàn diện của Bộ Nông nghiệp vào những năm 1998. Nhưng chương trình chỉ giải ngân 2 tỷ đồng để làm kinh thuỷ lợi rồi thôi không thấy đầu tư gì. Những con kinh đào nay chỉ còn thấp thoáng bóng dáng vì phù sa bồi đắp hết.

Bộ giao về cho Cty Muối Iốt Bạc Liêu quản lý khai thác. Bàn giao đã 2 năm nhưng vẫn chưa khởi động được gì. Diêm dân cứ ngóng dài cổ đợi chờ. Trong khi đó, tại đây những mô hình mới đang được hình thành. Đó là mô hình nuôi tôm, cá kèo luân canh trên đất muối. Mùa khô, trời nóng, lấy nước vào làm muối. Mùa mưa, tận dụng nước trời pha lẫn với nước mặn nuôi tôm. Một vụ muối, một vụ tôm đã làm tăng thu nhập cho người dân nơi đây, nhưng chất lượng hạt muối lại suy giảm.

Tuy nhiên, còn một hướng mở mới cho đồng muối tại đây là bán nước ót cho những trại tôm sú giống (nước ót là loại nước đã được tinh lọc, chuẩn bị đóng thành muối có độ mặn rất cao, gần như vô trùng). Anh Hồ Minh Chiến, Chủ nhiệm HTX Diêm Điền, hợp đồng hẳn với các trại tôm giống trong và tỉnh cung cấp nước ót cho họ.

Một xe nước ót anh thu về trên 5 triệu đồng. Năm 2005 anh thu từ tiền bán nước ót trên 100 triệu đồng. Là người sinh ra và lớn lên tại đồng muối Long Điền, anh đã tìm tòi nhiều phương cách để sống được trên đồng muối. Khổ nỗi, người như anh Chiến trên đồng muối này không nhiều. Khi nói về hạt muối, anh tỏ ra bức xúc: " Chúng tôi làm ra hạt muối cực nhọc đủ điều, Lúc hút hàng ai cũng tranh, nhưng khi giá sụt thì chỉ mua muối trắng. Làm một giạ muối trắng cực bằng 2 giạ muối đen...".

Mỗi năm Cty Muối Bạc Liêu thu mua khoảng 20.000 tấn, trong đó có gần 10.000 tấn dùng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Tiêu chuẩn của Cty là chọn muối hạt to, không lẫn tạp chất, độ đạm cao... Với tiêu chuẩn này, rất ít người đáp ứng được.

Mỗi năm chỉ thu mua 20.000 tấn muối, còn lại trên 80.000 tấn đi về đâu. Ông Nguyễn Tấn Khương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết: "Dân có người chở đi các tỉnh khác tiêu thụ; một số thương lái từ các tỉnh khác đến đây thu mua, tuy nhiên số lương không đáng kể".

Đồng muối trắng Bạc Liêu rồi sẽ ra sao nếu như những hạt muối làm ra không nơi tiêu thụ. Một thông tin làm chạnh lòng người làm muối là năm nay tiếp tục nhập muối, và những cánh đồng muối lại phải rưng rưng trong biết bao nỗi niềm...

Nhật Hồ