Người con của buôn làng
Các Website khác - 19/02/2006
Không phải ngẫu nhiên mà bà con Ðăng Ðừng lại dành nhiều tình cảm cho thầy Giáp như vậy. Mười năm trời, từ năm 1996 đến 2006, dạy học tại đây, thầy đã cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ những khó khăn với bà con buôn, làng.
Cuộc tiếp xúc giữa thầy Nguyễn Văn Giáp với chúng tôi bắt đầu từ hồi ức của thầy vào những tháng ngày của nhiều năm trước. Ðến tận bây giờ, trong câu chuyện, thầy Giáp vẫn không thể nào quên cảm xúc trong lần chia tay không thành ấy.

Tiếng pê-đan xe đạp kót két dưới bàn chân không mang dép của thằng bé K'Nhật. Những vòng bánh xe nặng nề, trầy trật trên đoạn đường lầy lội và tiếng gọi thổn thức của cậu học trò lớp 5 đã làm lòng thầy xao động, thôi thúc thầy thêm một lần ở lại với những đứa học trò nhỏ thân thương, với bà con Châu Mạ ở buôn vùng sâu Ðăng Ðừng...

Suốt mấy ngày liền, thằng K'Nhật thấp thỏm nỗi lo khi nghe tin gia đình thầy Giáp chuẩn bị trở lại quê nhà ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam sinh sống. Có nghĩa là thầy sẽ chuyển công tác đến vùng quê khác, K'Nhật và các bạn sẽ phải xa người thầy giáo rất đỗi quý mến ấy mãi mãi.

Vốn là cậu học trò hiền lành, hay nói lại có kết quả học tập cao nhất lớp 5B2 (Phân hiệu II thuộc buôn Ðăng Ðừng, Trường THCS xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm - Lâm Ðồng) bỗng dưng nó trở nên lầm lì, có lúc gắt gỏng với bạn bè trong lớp. Buổi sáng ấy, thầy Giáp dẫn chiếc xe máy ra khỏi cửa. Từ đằng xa, K'Nhật đã trông thấy. Nó không gọi mà lặng lẽ đạp chiếc xe đạp theo sau. Cũng may cho nó, đến đoạn đường lầy lội, cạnh thác Ðạ M'ri thì gần bắt kịp thầy. K'Nhật thốt lên:

- Thầy ơi! Thầy đừng đi!...

Không riêng gì K'Nhật mà hầu hết học sinh lớp 5B2 được thầy Giáp chủ nhiệm cũng như bà con Châu Mạ buôn Ðăng Ðừng đều có tâm trạng như vậy. Họ bàn tán với nhau về chuyện "thầy giáo về quê" gần cả tháng trời và mọi người đều cố gắng tìm cách giữ thầy ở lại.

Chúng tôi được xem một lá đơn đã trở mầu vàng úa, bởi qua nhiều bàn tay và hàng chục chữ ký xiên xẹo trên đó. Nào là chữ ký của Bí thư Chi bộ K'Tús, Trưởng thôn K'Hếp, Già làng K'Ðúc... gửi lên Phòng Giáo dục - Ðào tạo Bảo Lâm và Sở Giáo dục - Ðào tạo Lâm Ðồng, đề nghị thầy Giáp tiếp tục công tác tại buôn mình.

Không phải ngẫu nhiên mà bà con Ðăng Ðừng lại dành nhiều tình cảm cho thầy Giáp như vậy. Mười năm trời, từ năm 1996 đến 2006, dạy học tại đây, thầy đã cùng ăn, cùng ở, cùng chia sẻ những khó khăn với bà con buôn, làng.

Thầy đã quen với cái núi, cái rừng, vách đá, dòng suối. Thầy đã sẻ chia với củ sắn, củ mài, cái đọt mây, quả cà đắng. Ðiều tâm nguyện của thầy là làm sao cho con em nơi đây ai cũng biết đọc, biết viết, biết làm những phép tính đơn giản để bớt thiệt thòi với con em những địa phương khác, lúc lớn lên sẽ trở thành những người có ích.

Khi gia đình chuẩn bị chuyển về quê, nhiều người ruột thịt, thậm chí có cả đồng nghiệp cũng khuyên thầy nên chuyển công tác về cùng để có nơi nương tựa mỗi khi ốm đau. Nhưng trong thâm tâm thầy Giáp không có ý định rời xa những học trò thân thương và buôn làng này.

Mảnh đất Ðăng Ðừng như máu thịt, nơi đã gắn với thầy Giáp biết bao kỷ niệm buồn vui và thầy đã coi như quê hương thứ hai của mình. Ở cái tuổi 54, thầy Giáp chỉ mong sáu năm còn lại trên bục giảng, sẽ cống hiến hết sức lực của mình cho việc gieo chữ nơi đây và vui sướng khi được chứng kiến những đứa học trò đầu tiên thành đạt...

Cuộc đời thầy đã trải qua nhiều gian truân. Tốt nghiệp ngành văn - sử, Trường cao đẳng Sư phạm Nam Hà (nay là Hà Nam) năm 1975, chưa một ngày đứng lớp, thầy Nguyễn Văn Giáp lên đường nhập ngũ.

Mãi tới tháng 7-1991, thầy Giáp mới phục viên với quân hàm đại úy và cùng gia đình chuyển vào xã Ðạ M'ri (thị xã Bảo Lộc, Lâm Ðồng) sinh sống.

Hơn bốn năm trời trên vùng quê mới, thầy Giáp làm đủ nghề, ngày đi làm thuê, đêm về đan sọt để giúp vợ con mưu sinh. Khi biết anh đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, tháng 9-1996, ngành giáo dục - đào tạo Bảo Lộc ký hợp đồng với thầy Giáp và cử thầy lên dạy học ở buôn đồng bào dân tộc Châu Mạ vùng sâu Ðăng Ðừng (lúc đó còn thuộc Bảo Lộc).

Thế là người cựu chiến binh ấy đã được trở lại với nghề thầy giáo. Ðăng Ðừng là một buôn nằm cách trung tâm xã gần 15 km đường rừng, lọt thỏm giữa vùng núi rừng Nau Sùt. Thời gian đó khi nhắc đến buôn này, người ta thường nghĩ đến sự heo hút, cách trở, đói rét và bệnh tật.

Ở đây, tình trạng trẻ em trong độ tuổi học sinh mù chữ chiếm tỷ lệ cao. Qua tìm hiểu, thầy Giáp biết được ý thức học tập của các em nơi đây rất tốt nhưng gặp hoàn cảnh khó khăn nên phải bỏ học giữa chừng.

Thầy đã cùng trưởng thôn, già làng và các đoàn thể đến từng hộ dân vận động cho con em tới trường. Nhưng cũng có những trường hợp khi thầy tiếp xúc đã "mặt nặng mày nhẹ" và nói những lời khiếm nhã: "Con tao đi học, ai trông mấy đứa nhỏ cho tao đi rừng", "Có chữ cũng không làm no được cái bụng. Chi bằng vào rừng kiếm củ mài, cái măng tre còn có ích hơn"...

Không nản, thầy Giáp tiếp tục kiên trì vận động với niềm tin "mưa dầm thấm lâu", một lần không được thì đến nhiều lần. Khi những lời nói và hành động của thầy đã làm sáng cái mắt, lọt cái tai, thấu cái bụng thì mọi người trong buôn đều nhiệt tình ủng hộ.

Ðầu năm học 1996 - 1997, toàn buôn Ðăng Ðừng chỉ có hai lớp học (lớp 1 và lớp 3) với 26 em, nhưng đến cuối năm đã lên tới gần 40 em. Nhiều em đã bỏ học, được thầy Giáp đề nghị lên Phòng Giáo dục làm lại học bạ, tiếp tục trở lại lớp.

Mười năm công tác tại đây, thầy Giáp đã đóng góp một phần không nhỏ cho việc học của buôn. Nạn mù chữ được xóa, năm năm liền (2000 - 2005) tỷ lệ học sinh ra lớp đúng độ tuổi luôn đạt từ 97 đến 99%.

Riêng từ năm học 2003 trở lại đây, những lớp do thầy phụ trách luôn đứng đầu khối tiểu học của Trường THCS Lộc Tân, học sinh lên lớp 6 đạt 100%...

Sát trục đường chính vào buôn là một ngôi nhà sàn khang trang, hỏi ra mới biết đó là nhà của vợ chồng Ka Mế. Thầy Giáp kể lại: "Ngày Ka Mế học lớp 3 thì em kế của nó là Ka Mai vào học lớp 1.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất canh tác ít, lại đông con nên bố mẹ nó chỉ mua được cho hai chị em Ka Mế một cuốn vở. Sáng chị cầm đi học, chiều nhường lại cho em...".

Nhưng vượt qua cái khó, cái khổ trong sự động viên, khích lệ của thầy mà cả hai chị em Ka Mế đã học xong cấp THCS. Ghé thăm nhà, Ka Mế vừa mời chúng tôi uống trà, vừa khoe: "Hôm nay, cuộc sống của vợ chồng mình đã khá, nhờ cái chữ của thầy Giáp dạy cho ngày trước nên mình đọc được hết các giấy tờ nói về cách chăn nuôi, trồng chè, cà-phê... và mình học làm theo".

Gia đình Ka Mế là một trong những hộ năng động, có kinh tế ổn định ở buôn. Ðảo mắt, chúng tôi nhẩm tính lợn và dê trong chuồng có cả chục con lớn, cái hộc lúa đầu chái nhà đã đầy, còn có mấy gùi bên cạnh; gần một mẫu chè tươi tốt cho thu hoạch quanh năm...

Còn K'Páo là một trong những đứa học trò đầu tiên của thầy Nguyễn Văn Giáp. Thầy rất quan tâm cậu học trò này vì em có hoàn cảnh khá đặc biệt. K'Páo là con đầu trong gia đình có tám anh em, bản thân lại bị tật nguyền nhưng rất thông minh và ham học.

K'Páo học hết lớp ba, do điều kiện túng thiếu nên phải bỏ giữa chừng để nhường cho hai em mình là K'Pờm và Ka Duyên tiếp tục đến trường. Dù không còn được đi học, nhưng ngày nào K'Páo cũng đi cùng hai đứa em mình đến lớp. Em đứng ngoài cửa sổ ngóng vào. Gần một tuần như thế, thầy Giáp tới gần hỏi:

- Em cần gặp thầy có việc gì phải không?

Cậu bé tật nguyền rưng rưng:

- Em muốn được đi học!

Ngay tối hôm đó, thầy Giáp đã đến tận nhà vận động ông K'Pùi, bố của K'Páo và thầy cũng làm lại học bạ cho em tiếp tục đến trường. Mặc dù bị teo một chân nên đi lại phải nhờ vào chiếc gậy, nhưng bù lại sức khỏe của K'Páo rất tốt.

Nhờ sự động viên, khích lệ của thầy Giáp, nên suốt ba năm, từ lớp 3 đến lớp 5, K'Páo không bỏ một buổi học nào, và cả ba năm liền em luôn đứng đầu lớp.

Câu chuyện về cậu học trò tật nguyền "ngày xưa" đến xin thầy được đi học lại và ngày ngày đến trường bằng chiếc gậy tự tay mình làm lấy từ một khúc cây rừng, chiếc gậy cứ dài dần ra qua mỗi lớp học, đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng đặc biệt. Năm học này, K'Páo đang học lớp cuối cùng của chương trình phổ thông. Em chỉ mong sau này được trở thành nhà giáo như thầy Giáp để về dạy dỗ con em ở buôn, làng mình.

Ði một vòng chung quanh buôn, chúng tôi luôn nhận được những lời tốt đẹp của bà con nơi đây dành cho thầy Giáp. Trong ngôi nhà dài, bên cạnh bếp lửa, cụ K'Bệ, lão thành cách mạng, năm nay vừa tròn 90 tuổi, lặp đi lặp lại câu nói: "Pôgru Giáp làh nã kòn làng bòn dê" (Thầy Giáp là người con của buôn làng mình)...

Hình ảnh thầy giáo già người Kinh Nguyễn Văn Giáp từ chối những điều kiện thuận lợi, tự nguyện xa gia đình, quê hương, một mình ở lại với những đứa trẻ nghèo, với buôn làng Châu Mạ để lại cho chúng tôi những cảm xúc đặc biệt.

Ở nơi ấy, nơi rừng sâu Ðăng Ðừng, có những bậc phụ huynh không biết nói lời cảm ơn nhưng luôn chia sớt cho thầy những bó rau rừng tự hái.

Những đứa học trò hồn nhiên, Ngày Nhà giáo Việt Nam chỉ thập thò ngoài cửa phòng thầy giáo và ngọng nghịu chúc mừng với bó hoa rừng trên tay. Ở nơi ấy không có nạn dạy thêm, học thêm tràn lan, không có những tệ nạn học đường mà chỉ có những tấm lòng nhân ái, cảm thông và sẻ chia.

Ðó là nơi mà những người giáo viên như thầy Giáp được gửi trọn tâm hồn và trí tuệ của mình cho nghề dạy học và nhận lấy niềm vinh quang giản dị từ nghề nghiệp của mình...

UÔNG THÁI BIỂU, THẾ HẠNH