Nhiều mẫu thuốc kiểm nghiệm không đạt chất lượng
Các Website khác - 26/02/2006

Theo Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm mỹ phẩm TP HCM, rất nhiều thuốc sản xuất trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo công bố, như thuốc viên không đạt chỉ tiêu về độ hòa tan; thuốc giảm đau, hạ nhiệt, kháng khuẩn có hoạt tính cao cũng không ổn định về chất lượng.

Trong năm 2005 kết quả số mẫu thuốc được gửi đến kiểm tra tại Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm mỹ phẩm TP HCM không đạt chất lượng chiếm tỷ lệ rất cao. Trong 23 mẫu thuốc nhập khẩu có gần 50% mẫu không đạt. Còn 308 mẫu thuốc sản xuất trong nước được kiểm tra có đến 105 mẫu không đạt. Số mẫu thuốc không có kết luận rõ ràng đến 261 mẫu. Trong đó, rất nhiều loại không đạt chỉ tiêu độ hòa tan. Theo một bác sĩ, quy định sau 30 phút viên thuốc phải được tan hết thế nhưng có khi mổ ra, thấy viên thuốc vẫn còn y nguyên trong dạ dày bệnh nhân.

Có đến 20% thuốc giảm đau, hạ nhiệt, 10% thuốc kháng khuẩn, kháng sinh có hoạt tính cao không ổn định, không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố. Thống kê vài năm trở lại đây cho thấy, "tỷ lệ thuốc được kiểm tra không đạt chất lượng ngày càng tăng", Giám đốc Trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm Nguyễn Văn Thành đánh giá.

Thuốc sản xuất trong nước vẫn đang cố gắng để được bác sĩ tín nhiệm. Ảnh: M.L

Cũng theo ông Thành, kết quả trên chưa phản ánh đúng một cách toàn thể chất lượng sản phẩm dược hiện nay, vì lực lượng làm công tác kiểm nghiệm dược phẩm còn chưa đủ tầm để đáp ứng tất cả các yêu cầu kỹ thuật cao trong kiểm nghiệm.

Điều này lý giải vì sao thuốc sản xuất trong nước vẫn chưa chiếm được sự tín nhiệm của bác sĩ điều trị. "Chất lượng thuốc sản xuất trong nước vẫn chưa thật sự tạo được niềm tin với tôi. Do đó, giai đoạn đầu tôi thường cho bệnh nhân sử dụng thuốc ngoại nhập để hiệu quả điều trị được nhanh chóng, rõ ràng. Sau khi bệnh thuyên giảm và ổn định sẽ chuyển qua sử dụng thuốc nội. Kinh nghiệm điều trị cho thấy, thuốc ngoại vẫn bảo đảm hiệu quả điều trị tốt hơn. Tỷ lệ thuốc nội chỉ chiếm 1/4 trong toa, là sản phẩm của các hãng dược lớn trong nước", bác sĩ Văn Bích, Trưởng khoa nhi bệnh viện nhân dân Gia Định cho biết.

Nhưng cũng có những nơi tạo điều kiện để thuốc nội chất lượng cao có cơ hội thể hiện mình như Bệnh viện nhi đồng I. "Theo chủ trương của ban giám đốc bệnh viện, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong quá trình điều trị. Vì vậy khi kê đơn tôi chú trọng tới việc sử dụng thuốc nội cho bệnh nhân. Thấy hiệu quả cũng rất tốt mà lại giảm từ 1/3 đến 1/4 chi phí thuốc men", bác sĩ Đặng Hoàng Sơn - có hơn 30 năm kinh nghiệm nghề nghiệp, Trưởng khoa tai mũi họng - nói.

Tuy nhiên, khi kê toa cho bệnh nhân tại phòng mạch riêng, các bác sĩ thường kê đơn theo yêu cầu và khả năng tài chính của bệnh nhân. "Nếu họ không có yêu cầu, tôi sẽ kê toa cho họ thuốc Việt Nam chất lượng cao để giảm chi phí điều trị. Nếu là loại thuốc có cùng công dụng mà giá bằng nhau tôi sẽ chọn thuốc ngoại cho bệnh nhân của mình vì sự bảo đảm về chất lượng", bác sĩ Sơn cho biết thêm.

Mặc dù cố gắng lựa chọn để bệnh nhân sử dụng những thuốc nội tốt nhất có thể được, nhưng phải thừa nhận, có nhiều loại thuốc Việt Nam chất lượng quá kém, không đáp ứng được nhu cầu điều trị như về trọng lượng, thành phần, về chỉ tiêu độ tan... Đối với trẻ em, khi kê đơn bác sĩ thường căn cứ vào lứa tuổi, trọng lượng để ra toa, thế mà nhiều công ty sản xuất trọng lượng viên thuốc kháng sinh chỉ còn hơn 1/2 so với nhu cầu, điều này làm bác sĩ ngán ngại khi muốn dùng thuốc nội, bác sĩ Sơn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhập vào Việt Nam không chỉ có thuốc của Châu Âu mà còn có cả thuốc của Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc... Không phải thuốc nhập nào chất lượng cũng tốt. Việc sử dụng thuốc ngoại hay nội còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ. Các bác sĩ điều trị điều cho rằng, nhà sản xuất không nên đẩy giá sản phẩm lên cho bằng giá thuốc ngoại để chứng minh đẳng cấp. Khi đó, bác sĩ điều trị sẽ chọn ngay thuốc nhập vì giá cả.

Một cán bộ chuyên trách thanh tra công tác y tế cho biết, thuốc nội có chất lượng chưa được bác sĩ điều trị tin cậy do các hãng dược chưa đủ lực để tiếp thị sản phẩm của mình. Trình dược viên của nhiều hãng dược trong nước chỉ là những dược tá, dược trung. Những người này sẽ không đủ kiến thức và khả năng thuyết phục khách hàng là các dược sĩ , bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm.

Trong năm 2005, tổng số tiền thuốc sử dụng trong các cơ sở y tế nhà nước tại TP HCM khoảng 350 tỷ đồng. Tỷ lệ tiền sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại các bệnh viện đa khoa chỉ chiếm 23%, còn tại các bệnh viện chuyên khoa là 13%.

Võ An