Trước thông tin cúm gia cầm có thể bùng phát trên toàn cầu, khoảng hơn tuần nay, nhiều người dân hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM đã rủ nhau đến Viện Pasteur, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Trung tâm y tế dự phòng... tiêm văcxin với mục đích ngăn ngừa bệnh cúm gia cầm.
![]() |
Tiêm ngừa tại đội y tế dự phòng quận Tân Bình. |
Ngay cả công ty Sanofi-Aventis, hãng dược phẩm sản xuất văcxin Vaxigrip (loại văcxin cúm đang được sử dụng tại các cơ sở y tế hiện nay) cũng tiến hành tiêm phòng bệnh cúm cho tất cả nhân viên.
Một mũi tiêm phòng cúm có giá 165.000 đồng. Chị Ngọc Phương, quận Bình Thạnh, TP HCM, cho biết: "Không biết chích ngừa sẽ phòng được đến đâu, nhưng tôi vẫn chích cho cả nhà. Như vậy dù sao cũng tốt hơn là không làm gì cả".
Tại Hà Nội, khoảng một tháng nay, khi thời tiết bắt đầu chuyển mùa và các thông tin về bệnh cúm bắt đầu "nóng" trên các thông tin đại chúng, các điểm tiêm phòng cũng tiếp nhận nhiều khách hàng có nhu cầu tiêm văcxin cúm hơn.
Điểm tiêm phòng của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ở 31 Lò Đúc mỗi ngày tiếp nhận 50-70 người, thậm chí có một ngày chủ nhật, con số này lên đến 120. Bà Lê Thị Ánh Hồng, người phụ trách công tác tiêm phòng cúm ở đây cho biết, do nhận thức của người dân về nguy cơ bệnh cúm đã cao hơn nên số người đi tiêm phòng tăng lên khá nhiều so với trước. Về văcxin, bà Hồng cho biết năm nào cũng thiếu. Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ vẫn còn văcxin để phục vụ nhu cầu người dân nhưng số lượng không nhiều. Nếu số người đi tiêm vẫn đông như hiện nay thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa là hết. Viện vẫn đang đề nghị nhà cung cấp nhập thêm, nhưng chắc chắn sẽ không đủ văcxin cho tất cả mọi người. Nguyên nhân là chủng virus cúm lưu hành thay đổi qua các năm, và nhà sản xuất cũng không thể ước tính chính xác nhu cầu tiêm của mỗi năm.
Tại điểm tiêm phòng của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ở 50C Hàng Bài, tuy số khách hàng đến tiêm văcxin cúm không đông bằng ở 31 Lò Đúc nhưng cũng có tăng so với trước. Mỗi ngày có khoảng 20 người đến tiêm. Các nhân viên ở đây dự đoán, vào mùa đông xuân tới, nhu cầu văcxin cúm sẽ tăng cao nữa.
Theo bác sĩ Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, sở dĩ có tình trạng trên là do người dân muốn được yên tâm trước thông tin về dịch cúm gia cầm có thể bùng phát. Trước kia, việc tiêm ngừa bệnh cúm tại các nước khác vẫn thực hiện, nhưng ở Việt Nam không được khuyến khích nên người dân không quan tâm. Năm nay số người tiêm phòng tăng cao sau khi có khuyến cáo của WHO rằng người dân nên tiêm ngừa bệnh cúm. Bởi nếu không tiêm ngừa bệnh cúm, lỡ bị nhiễm thêm cúm gia cầm thì virus H5N1 gặp với virus cúm người sẽ tạo ra các chủng virus mới có độc tính cao hơn. Điều đó sẽ làm khó cho việc kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, một số người không hiểu rõ ý nghĩa của khuyến cáo này nên cho rằng đi tiêm ngừa bệnh cúm là có thể phòng ngừa cúm gia cầm.
"Cho tới thời điểm này, chưa có văcxin nào có khả năng phòng chống được virus H5N1 ở người. Việc tiêm ngừa bệnh cúm không giúp người ta được bảo vệ nếu bị H5N1 tấn công", bác sĩ Tịnh Hiền khẳng định. Ngay cả Tổng giám đốc Công ty dược phẩm Sanofi-Aventis, ông Alexandre Lemoalle cũng nhấn mạnh: "Tiêm phòng chống lại dịch bệnh cúm là cách can thiệp chính nhằm tránh sự tiếp xúc giữa virus H5N1 với virus cúm ở người theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Chưa có văcxin tiêm phòng cúm gia cầm cho người".
Theo các nhà khoa học, virus bệnh cúm liên tục biến đổi. Tổ chức y tế thế giới cứ hai năm một lần lại đưa ra một khuyến cáo mới về sự biến đổi của chủng virus cúm. Dựa trên khuyến cáo đó, các hãng sản xuất văcxin lại sản xuất ra loại văcxin phù hợp. Do đó việc tiêm ngừa bệnh cúm của năm trước sẽ mất tác dụng khi chủng virus thay đổi, người ta phải tiêm ngừa lại. Loại văcxin tiêm ngừa lần sau không giống như lần trước. Và văcxin ngừa cúm được WHO khuyến cáo sử dụng cho năm nay là văcxin có ba thành phần có thể ngừa được: virus H1N1, virus H3N2 và cúm B.
"Tuy nhiên, các văcxin loại này, kể cả văcxin Vaxigrip mà Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Viện Pasteur... đang sử dụng cho người dân không có tác dụng ngừa virus H5N1", ông Hiền nói.
Theo giáo sư Phạm Ngọc Đính, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, do văcxin hiện nay không thể phòng được H5N1, lại không đủ cho mọi người nên tốt nhất là ưu tiên cho người già, trẻ em và những người có sức đề kháng yếu. Không nên xem việc tiêm văcxin là phương pháp chính để phòng cúm H5N1. Cũng theo giáo sư Đính, cách phòng bệnh chủ yếu được khuyến cáo vẫn là triệt để giữ vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, hạn chế tiếp xúc với gia cầm bệnh và các sản phẩm của nó. Bên cạnh đó, cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể luôn khỏe mạnh, có đủ sức chống lại dịch bệnh.
"Việc mọi người đổ xô đi tiêm ngừa mà không hiểu đúng tác dụng sẽ gây ra một số hệ quả không tốt như: có thể làm thiếu văcxin ngừa bệnh cho những đối tượng cần thiết, tạo tâm lý hoang mang lo sợ trong xã hội, những người có suy nghĩ đã được phòng ngừa cúm gia cầm sẽ coi thường việc phòng chống dịch bệnh, và điều đó lại càng nguy hại", bác sĩ Tịnh Hiền kết luận.
Ý kiến của bạnHải Hà - Mỹ Lan
▪ Đã xoá điểm đen tự tạo trên QL5 (04/10/2005)
▪ Quảng Nam - Một điểm đến, hai di sản thế giới (26/10/2005)
▪ Văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội (26/10/2005)
▪ Cần được sự ủng hộ của công luận thế giới (26/10/2005)
▪ Dự án triển khai chậm (26/10/2005)
▪ Tột cùng của sự phản bội (25/10/2005)
▪ Giải thưởng chống tham nhũng (26/10/2005)
▪ Chọn "thủ lĩnh" chống tham nhũng (26/10/2005)
▪ Tập huấn tại cơ sở (26/10/2005)
▪ Chốt chặn toàn bộ khu vực có khả năng đua xe (26/10/2005)