Những câu hỏi từ dự án tái định cư cho đồng bào Đan Lai ở Con Cuông (Nghệ An)
Các Website khác - 07/03/2006
Ở thượng nguồn sông Giăng thuộc miền tây nam xứ Nghệ, tộc người Đan Lai đang sinh sống rải rác khắp các con khe, con suối. Để giúp đồng bào ổn định cuộc sống, một dự án tái định cư trị giá hàng chục tỷ đồng đã ra đời, nhưng sau năm năm, vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong đợi.
Đan Lai được xem là tộc người còn giữ nếp sống “nguyên thủy" nhất so với các dân tộc ở miền tây Nghệ An. Xưa nay họ chỉ quen với công việc săn bắt, hái lượm, phát rẫy hoặc sản xuất nơi vùng nước trũng...

Để giúp đồng bào thoát khỏi cuộc sống hoang dã, năm 2001, tại địa bàn Môn Sơn- huyện Con Cuông hàng chục tỷ đồng đã được bỏ ra để đầu tư xây dựng làng tái định cư cho 36 hộ đầu tiên ra khỏi khe rừng.

Bản Rào Tre là điểm được chọn để xây 36 ngôi nhà cho dân tái định cư. Để giúp bà con tăng gia sản xuất, cứ hai hộ dân được địa phương hỗ trợ cho một con trâu. Bên cạnh đó còn hỗ trợ vốn sản xuất như giống, phân bón và có người hướng dẫn khoa học kỹ thuật. Mỗi bản còn được trang bị một chiếc ti-vi đặt tại nhà trưởng bản để đồng bào xem truyền hình. Ngoài ra còn xây dựng 11 bể nước cho hai bản. Đối với mỗi nhân khẩu ra vùng tái định cư còn được trợ cấp hơn 10 kg gạo/tháng.

Buổi đầu cuộc sống như thế là tạm ổn. Song, sau năm năm (kể từ ngày đồng bào Đan Lai ra sống ở vùng tái định cư), nay có dịp trở lại, chúng tôi không khỏi băn khoăn khi chứng kiến cuộc sống của đồng bào chưa mấy thay đổi.

Người dân cho rằng, ra nơi ở mới tuy nhà cửa khang trang nhưng không quen với việc canh tác kiểu mới. Những ngôi nhà được xây ven đồi trên vùng đất bạc màu, quanh năm không có nước. Cánh đồng 12,8 ha liên tục bị khô hạn nên không mấy khi canh tác được. Chỗ nào người dân gieo trồng thì cây héo khô. Cả hai bể nước được xây dựng trị giá tiền tỷ nhưng chưa sử dụng được bao lâu nay đã nằm trơ như phế tích. Sau khi công trình nước bị hỏng, huyện đã cho sửa chữa lại nhưng vẫn không dùng được. Thấy vậy, một lần nữa địa phương lại cho đào mỗi nhà một cái giếng, nhưng giếng nước cũng không đủ bảo đảm nước sinh hoạt cho bà con. Vào những ngày hè, hầu hết giếng bị khô cạn, đồng bào lại phải ra khe suối cõng nước về. Đó là chưa nói đến nỗi khổ khi mùa hè về trời nóng như thiêu như đốt.

Theo chương trình của dự án tái định cư, huyện chỉ trợ cấp lương thực cho đồng bào Đan Lai trong vòng một năm, sau đó bà con tự sản xuất để sống. Nhưng đến nay (năm 2006) đã hơn năm năm mà huyện vẫn còn phải trợ cấp. Nguyên nhân khó khăn về lương thực là không có nước để sản xuất. Bởi khi xây dựng làng định cư, cơ quan chức năng đã không khảo sát kỹ về môi trường sống.

Ông Vi Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: Ban đầu kế hoạch đề ra vậy, nhưng cứ hết gạo là đồng bào lại kéo nhau ra huyện. Mỗi lần như thế huyện lại trích ngân sách và cho người vào tiếp tế. Gần đây số lương thực trợ cấp cho huyện sau cơn lũ quét hầu hết đều ưu tiên cho đồng bào Đan Lai.

Ông Giáp cũng cho biết hiện nay trong khe còn có 170 hộ người Đan Lai sinh sống, huyện đã có dự án chi tiếp 20 tỷ đồng di dời 100 hộ ra vùng tái định cư mới ở khu vực Thạch Ngàn. Cuối tháng 6-2006 sẽ di dời 42 hộ, nhưng xem ra dự án tái định cư lần hai cho đồng bào Đan Lai không phải chỉ 20 tỷ như dự án ban đầu. Bởi mới chỉ đưa 42 hộ dân ra vùng tái định cư mới mà số kinh phí dự kiến đã lên đến 14 tỷ đồng.

Trên thực tế, dự án tái định cư đợt một cũng như đợt hai được vẽ ra rất nhiều hạng mục, trong khi đó việc tái định cư đợt một (mới chỉ có 36 hộ dân) còn chưa đâu vào đâu đợt này huyện lại tiếp tục đưa 42 hộ khác ra. Liệu có ổn định được cuộc sống cho đồng bào khi ra nơi ở mới?

Được biết, hiện việc vận động đồng bào ra vùng tái định cư đang gặp không ít khó khăn. Dự tính ngày 30-6-2006 sẽ đưa ra 42 hộ, nhưng đến nay vận động mãi mới có 20 hộ đăng ký.

Một cán bộ xã Môn Sơn (nơi trực tiếp quản lý nhân khẩu 36 hộ Đan Lai của đợt một) cho biết, sở dĩ bà con không muốn ra, vì 36 hộ của đợt một vẫn chưa được ổn định. Một số bà con than thở: Ngày ở trong khe có củ khoai, củ sắn, con cá, cọng rau mà ăn, ra đây tuy trồng được sắn nhưng không biết ăn với gì. Nếu tiếp tục vận động đưa đồng bào ra vùng tái định cư mới mà giống như 36 hộ dân đã từng tái định cư ở Môn Sơn thì khó lòng mà thuyết phục được đồng bào đến nơi ở mới. Hơn nữa, với việc đầu tư hàng chục tỷ đồng, để xây các công trình nhưng không mang lại hiệu quả đặc biệt rất nhanh xuống cấp là câu hỏi lớn mà người dân yêu cầu giải đáp.

Theo Tiền phong