Trong số 1.000 hiện vật trang sức được sưu tập và giới thiệu, có nhiều loại quý hiếm như chuỗi hạt đeo cổ kết bằng mã não, thủy tinh, đất nung- trang sức của người Việt cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.200 năm; những chiếc gương đồng cổ (được sử dụng cách ngày nay khoảng 1.800 năm); vòng tay, khuyên tai chất liệu đá - văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 3.000- 3.500 năm; vòng tay, khuyên tai chất liệu đá, thủy tinh - văn hóa Sa Huỳnh, cách ngày nay 2.300 năm; chuỗi hạt chất liệu thủy tinh, văn hóa Óc Eo - thế kỷ VII- IX; nhẫn, khuyên tai, vòng tay chất liệu vàng, văn hóa Chăm Pa - thế kỷ XII - XIV...Triển lãm cho thấy những bước đi của trang sức qua các thời kỳ lịch sử tuy có những biến đổi to lớn nhưng đều bắt nguồn từ truyền thống. Những đôi khuyên tai to, tròn, trang sức của phái đẹp, cách ngày nay khoảng 2.200 năm, gợi cho người xem liên tưởng đến những đôi toòng teng đang là “mốt" của thiếu nữ thời nay.
Vòng tay chất liệu đồng bạch.
Lạ và đặc sắc có lẽ là bộ sưu tập trang sức của phụ nữ các dân tộc thiểu số. Đôi vòng tay bằng bạc của phụ nữ Thái trắng ở Sơn La khiến nhiều người phải trầm trồ bởi nét chạm khắc tinh tế hình chim rừng, hoa lá. Phụ nữ dân tộc Mông cũng chứng tỏ khiếu thẩm mỹ độc đáo của mình qua những bộ sưu tập vòng cổ, vòng tay, khuyên tai được sử dụng trong các dịp hội hè, lễ tết, lễ cúng ma, cầu xin có thai và sinh nở được "mẹ tròn con vuông". Giản đơn và duyên dáng là trang sức của phụ nữ dân tộc Tày. Gieo cảm giác tò mò và hứng thú là những đôi khuyên tai làm bằng... nứa của phụ nữ Cơ Tu. Còn phụ nữ Tà Ôi cũng tạo bất ngờ không kém với khuyên tai làm bằng nhôm, được tạo thành vòng xoắn lạ mắt.
Thể hiện sự tài hoa và trí tưởng tượng bay bổng là những tác phẩm trang sức khá hoàn hảo của sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội: Vương miện (chất liệu kim loại, đá, thủy tinh); vòng cổ (chất liệu đá, vỏ trai)... Chính họ là những người đã tạo nên cầu nối giữa hai bờ: xưa - nay, trong triển lãm lần này.
Vòng cổ từ đá, ngọc trai do sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp thiết kế.
Triển lãm “Trang sức phụ nữ các dân tộc Việt Nam truyền thống đến hiện đại" mở cửa từ ngày 3-3 đến hết ngày 30-3-2006 tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Cũng nhân dịp này, sẽ có một chương trình đặc biệt với nhiều hoạt động văn hóa phong phú, hấp dẫn được tổ chức cho giới học sinh và sinh viên: Trình diễn thời trang và trang sức; bình chọn và trao giải "Những bộ trang sức ấn tượng nhất"; chương trình “Thử làm người mẫu” và các gian hàng giới thiệu và bán những sản phẩm trang sức, mỹ phẩm, phụ trang trang phục, bưu thiếp, tranh vẽ... do sinh viên thiết kế.
|